Đề xuất gộp toàn dự án metro, duyệt một lần
Theo kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đề ra đến năm 2035, TP hoàn thành hệ thống metro theo quy hoạch.
Như vậy, TP sẽ phải hoàn thành 200km đường sắt đô thị với 7 tuyến metro, 3 tuyến trong vòng 12 năm.
Để đạt mục tiêu đề ra, TP phải xây dựng đề án có các giải pháp tổng thể, khả thi, có các cơ chế đặc thù, đột phá về mô hình tổ chức, thủ tục đầu tư rút ngắn thời gian, thu hồi đất, phát triển đô thị nén theo mô hình TOD, cách tổ chức thi công...
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, với quy trình thủ tục như hiện nay, tổng thời gian thực hiện một tuyến metro kéo dài trung bình 12 - 15 năm. Trong khi đó, công tác chuẩn bị đầu tư cho toàn bộ các tuyến phải được hoàn thành trong vòng 4 - 5 năm (chậm nhất vào năm 2028).
Do vậy, dự thảo đề án đề xuất hai phương án. Phương án 1 đề xuất không thực hiện các thủ tục đầu tư cho một dự án, một tuyến riêng biệt như cách làm hiện nay mà thực hiện thủ tục đầu tư cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị. Quốc hội sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án, giao TP.HCM phê duyệt dự án đầu tư.
Với cách làm này, dự kiến TP lập, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương khoảng 1,5 - 2 năm; các bước phê duyệt dự án (do TP chủ động) khoảng 1 năm. Tổng thời gian chuẩn bị đầu tư cho toàn bộ các tuyến khoảng 3 năm, đảm bảo hoàn thành trước năm 2028 để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.
Phương án 2, thực hiện các trình tự như phương án 1 nhưng đề xuất giao TP phê duyệt chủ trương đầu tư.
Chuyển mô hình công ty, thêm chức năng phát triển bất động sản
Với mô hình như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành mạng lưới metro vào năm 2035 sẽ gặp một số khó khăn. Bởi một số chức năng, nhiệm vụ cần thiết chưa có như: đầu tư, vay vốn, phát triển ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, phát triển bất động sản...
Còn về đầu tư xây dựng các dự án, Ban quản lý đường sắt đô thị TP hiện là đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ thực hiện nhiệm vụ chức năng của chủ đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch. Do vậy, đơn vị không thể chủ động và gặp khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác nhau để thực hiện các dự án.
Trong khi, công tác vận hành và bảo dưỡng do Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 trực thuộc UBND TP tiếp nhận, được tách ra riêng biệt, không đồng bộ từ khâu xây dựng đến chuyển giao, vận hành, khó khăn trong việc tạo nguồn thu...
Do vậy, dự thảo đề cương đề án đề xuất hai phương án. Phương án 1: Ban quản lý đường sắt đô thị TP là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP và bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ, cơ chế tài chính đặc thù.
Phương án 2: chuyển đổi mô hình Ban quản lý đường sắt đô thị thành mô hình doanh nghiệp về đường sắt đô thị với các chức năng đầu tư, vay vốn, quản lý dự án, vận hành bảo dưỡng, phát triển bất động sản. Ban này đề xuất chọn phương án 2.
Theo kế hoạch, TP sẽ xây dựng đề án để trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2024. Tiếp đó, TP hoàn tất công tác quy hoạch chi tiết dự án và quy hoạch TOD năm 2025, giai đoạn 2025 - 2026 hoàn tất công tác thu xếp nguồn vốn thực.
Từ năm 2026 - 2027 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án. Công tác giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch sẽ hoàn thành vào năm 2027 - 2028. Từ năm 2028 - 2029 sẽ tổ chức thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị vào năm 2035.
Huy động vốn làm 200km metro từ đâu?
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tổng nhu cầu vốn dự kiến để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị cần 25 - 30 tỉ USD. Đó là chưa kể tính đến chi phí vận hành, khai thác, bảo dưỡng.
Cùng với các cơ chế mới trong nghị quyết 98, đề án cũng xây dựng tối đa nguồn lực tài chính. Cụ thể, ngân sách dùng để thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD.
Huy động vốn trong nước như phát hành trái phiếu, công trái, cổ phần, hợp tác công tư hoặc các hình thức hợp pháp khác (nếu có) và vay vốn nước ngoài...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận