17/03/2017 08:32 GMT+7

Lái xe dùng điện thoại, sụp ổ gà bay vào lề đường

LÊ QUANG HUY(Tiền Giang)
LÊ QUANG HUY(Tiền Giang)

TTO - Chia sẻ tai nạn của bản thân từng gặp phải, một thầy giáo ở Tiền Giang nhắn gửi khi đã lái xe không được dùng điện thoại, trước hết là an toàn cho bản thân và không ảnh hưởng người khác đang đi trên đường.

Sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ gây mất an toàn cho mình và những người xung quanh - Ảnh: T.T.D.
Sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ gây mất an toàn cho mình và những người xung quanh - Ảnh: T.T.D.

Tôi vẫn còn may mắn hơn người học trò cũ. Em ấy cũng vừa chạy xe vừa nghe điện thoại. Lúc đó có một tên cướp chạy ngang giật điện thoại làm em ngã xuống đường bị thương nặng, phải nằm viện hơn tháng trời

LÊ QUANG HUY

Cách đây hơn một năm, khi đang chạy xe máy trên quốc lộ 1 từ cơ quan về nhà, chuông điện thoại của tôi reo lên.

Xe sụp ổ gà

Lúc ấy trên đường vắng xe qua lại, tôi chủ quan lấy điện thoại ra vừa chạy xe vừa nghe. Không ngờ người gọi là bạn thân lâu ngày không gặp nên tôi mải mê nói chuyện quên mất mình đang chạy xe.

Bất ngờ chiếc xe sụp ổ gà, nhảy tưng lên, hất tôi vào lề đường. May mắn là tôi té xuống bãi cỏ nên chỉ bị xây xát nhẹ.

Một bác nông dân đang tưới rẫy gần đó chạy đến đỡ tôi dậy, dựng xe tôi lên rồi nói: “Từ xa thấy chú vừa chạy xe vừa nghe điện thoại là tôi lo rồi. Đoạn đường này có mấy cái ổ gà, nguy hiểm lắm. Lần sau nhớ tấp xe vào lề nghe cho chắc ăn”.

Tôi cảm ơn bác và không bao giờ quên lời dặn ấy.

Ngày nay, điện thoại ngày càng phổ biến và trên đường thường thấy cảnh vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại di động để gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc... Nhiều bạn trẻ dùng một tay điều khiển xe, tay còn lại cầm điện thoại vừa bấm số, nhắn tin... và mắt cứ mải mê nhìn vào màn hình mà không chú tâm quan sát đường và điều khiển xe.

Dường như nhiều người nghĩ rằng đây là chuyện rất đỗi bình thường khi tham gia giao thông, không hề nghĩ tới sự nguy hiểm của chính mình và có thể gây tai nạn cho người xung quanh.

Do chú ý vào điện thoại, người lái xe thường thiếu tập trung, dễ gây va chạm với xe chạy cùng chiều hoặc ngược chiều, tai nạn là không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể việc nghe điện thoại khi đi xe máy còn làm “mồi” cho kẻ xấu thực hiện hành vi cướp giật, khiến bản thân mình có thể rơi vào nguy hiểm.

Phạt chưa "đủ đô"

Không chỉ với người chạy xe máy, thói quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại còn phổ biến ở các tài xế ôtô. Trên nhiều xe khách đường dài, việc các bác tài một tay cầm điện thoại nói chuyện, nhắn tin, một tay lái xe là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Hầu hết bác tài này tận dụng thời gian ngồi trên xe để nói chuyện, để giải quyết công việc từ xa, ngay cả khi lái xe trên các con đường ở đô thị đông người.

Theo các chuyên gia hướng dẫn lái xe an toàn của các hãng ôtô, dùng điện thoại khi đang lái xe sẽ gây phân tâm, không tập trung, khả năng kiểm soát động tác điều khiển của người lái cũng giảm.

Chính sự không tập trung đó khiến tài xế không lái đúng làn đường quy định, không giữ được tốc độ thích hợp, không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và phản ứng chậm trước các tình huống bất ngờ. Đó là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn ôtô đã xảy ra.

Để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra, luật đường bộ các nước phạt rất nặng những người tham gia giao thông mà sử dụng điện thoại. Ở nước ta, trong các khung hình phạt cũng đã áp dụng phạt hành chính đối với người sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, có lẽ do mức phạt chưa “đủ đô” nên tình trạng vừa lái xe vừa nghe điện thoại vẫn diễn ra.

Vì sự an toàn của chính bản thân, của những người ngồi cùng xe cũng như những người đi đường khác, mỗi người lái xe nên luôn tự nhắc mình không sử dụng điện thoại khi đang lái xe, nếu có cuộc gọi thực sự cần thiết phải nghe thì nên tìm chỗ dừng xe an toàn rồi mới nghe điện thoại.

Phạt tiền từ 100.000 - 800.000 đồng

Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, thời gian qua có những lỗi mà người đi đường thường xuyên vi phạm như một “thói quen xấu”. Những lỗi này có người biết nhưng vẫn thực hiện và có những người không hề biết mình vi phạm và mức xử phạt ra sao.

Chẳng hạn như đèn đỏ cứ rẽ phải, kẹt xe là leo lên vỉa hè, dừng xe không đúng vạch quy định hoặc dừng luôn lên vạch dành cho người đi bộ, vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại, đi bộ qua đường không đúng quy định...

Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định người điều khiển ôtô, xe máy và các loại xe tương tự ôtô, xe máy không được thực hiện hành vi sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy và các loại xe tương tự xe máy.

SƠN BÌNH

LÊ QUANG HUY(Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên