07/03/2017 07:53 GMT+7

Vô tâm với tiếng còi, ánh đèn

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TTO - Văn hóa của một người được thể hiện qua sự giao tiếp của người đó với cộng đồng. Ở lĩnh vực giao thông, sự hành xử ấy thể hiện ở việc ứng xử nhẹ nhàng, nhường nhịn nhau vài tấc đường, tuân thủ Luật giao thông...

*** Error ***
Cần bóp còi, chiếu đèn đúng quy định để tránh gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: Châu Anh

Từ thực tế nghề nghiệp, tài xế Trần Kiêm Hạ và giáo viên dạy lái xe Trương Nhất Vương tham gia diễn đàn Xây dựng văn hóa giao thông với câu chuyện bàn về sử dụng còi xe, ánh đèn khi đi đường.

Cố vượt đèn đỏ, bóp còi inh ỏi

Hiện nay còn nhiều tài xế sử dụng tiếng còi, ánh đèn quá vô tâm. Qua ngã ba, ngã tư, đáng lẽ cần phải giảm ga thì họ lại cố vượt đèn đỏ hoặc đèn giao thông chưa đổi tín hiệu đã bóp còi thúc giục inh ỏi.

Trong thành phố họ vẫn ngang nhiên sử dụng còi hơi, thấy người đi đường giật mình khiếp vía, loạng quạng tay lái thì lại cười khoái trá.

Ở ngoài vùng dân cư, tiếng còi hơi của các tài xế đã làm nhiều người giật nẩy mình té ngửa rồi lâm nạn. Đã có nhiều trường hợp ban đêm, đèn pha của những tài xế vô tâm đã làm người đi xe máy ngược chiều lóa mắt tông vào trụ điện, cột cây số hoặc lao xuống cầu, cống ven đường...

Trong khi đó, những kẻ gây họa không hề trả giá. Vì tiếng còi, ánh đèn của họ xảy ra như gió thoảng, không để lại chứng cứ.

Có nhiều xe lắp công tắc đảo chiều giữa còi hơi và còi điện để tài xế tráo chiều sau mỗi lần sử dụng, đã làm cho người thi hành công vụ khó bắt quả tang.

Bên cạnh vô tâm trong sử dụng tiếng còi, ánh đèn, vẫn còn đó nhiều tài xế bất chấp luật lệ, lái chiếc xe dài ngoằng tranh đường bạt mạng.

Đi trên đường phố đông đúc, họ cứ lái như vào chỗ không người, len lỏi vào bất cứ nơi nào có thể chen được, bất chấp gây nên cảnh kẹt xe.

Thay vì ưu tiên cho người đi bộ băng qua đường thì họ coi như không thấy, không biết, giả bộ nhìn lơ chỗ khác, cho xe phóng ào sát rạt khiến người ta sợ thót tim... Cách đi đứng đó là nguyên nhân của những vụ tai nạn, cãi cọ nhau do va quẹt dẫn đến ẩu đả gây kẹt xe trầm trọng...

Ngày dùng kèn, đêm dùng đèn

Còi, đèn trang bị trên các phương tiện giao thông để làm tín hiệu, khi cần thiết mới sử dụng cho người khác biết có xe mình đang đến mà phòng tránh tai nạn. Tuy thế, mỗi tài xế ôtô có mỗi kiểu nhấn còi khác nhau về số lượng tiếng, cung bậc, khoan nhặt và trường độ...

Có tiếng còi nghe nhẹ nhàng thân thiện, ngược lại có tiếng gắt gỏng hồ đồ... Tương tự cũng có ánh đèn lịch sự, cụp pha xuống khi thấy có người, xe cộ đi ngược chiều. Và cũng có ánh đèn thô lỗ, giương pha rọi thẳng gây lóa mắt người khác.

Luật giao thông đường bộ của nước ta quy định xe cơ giới khi lưu thông muốn phát tín hiệu thì ban ngày dùng kèn, ban đêm dùng đèn.

Luật cũng quy định không được dùng còi hơi, đèn pha ở những nơi đông người hoặc trong nội thị làm người đi đường giật mình, lóa mắt gây tai nạn; không bấm còi gây ồn ào đường phố, giữ yên tĩnh ở những nơi như bệnh viện, cơ quan công quyền, nơi có biển cấm...; không được dùng đèn chiếu xa ở vùng ngoại ô khi có người, phương tiện đi ngược chiều đến gần xe mình...

Chỉ nên dùng còi khi thật sự cần thiết

Một học viên học lái xe tâm sự với tôi rằng chỉ có đến trường học bài bản mới biết luật, biết điều khiển một chiếc xe sao cho an toàn và văn hóa giao thông là biết cách dùng tiếng còi.

Trong trường lớp, chỉ riêng việc sử dụng cái còi lúc nào cho hợp lý, cho có văn hóa còi, đã được giáo viên giảng rất kỹ với những ví dụ hết sức dễ hiểu.

Chẳng hạn như đêm Noel khu vực gần các nhà thờ người đông như trẩy hội, xe có việc phải đi vào con đường này mà lái xe cứ bóp còi inh ỏi thì sẽ nhận được những cái nhìn khó chịu.

Tài xế chỉ cần lái xe về số thấp đi thật chậm, mọi người sẽ dạt ra nhường đường hiệu quả hơn.

Giáo viên cũng giảng chỉ nên sử dụng còi ở những tình huống thật sự cần thiết. Giữa phố, nhìn thấy ông bố, bà mẹ chở nhau trên xe máy và trên tay là đứa trẻ thơ đang ngủ, vậy mà lái xe sử dụng còi hơi đinh tai nhức óc để xe máy tránh đường.

Người lái xe máy thì loạng quạng tay lái, đứa trẻ thì giật mình khóc thét. Cứ thử đặt mình vào vị trí ấy, cứ thử nghĩ dưới đường là con mình, vợ mình thì mình mới biết có nên bấm còi hay nên chậm lại một tí.

Có hàng trăm lý do để người ta vội vã trên đường nên người ta sử dụng vô tội vạ tiếng còi xe ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào để mở đường với lý luận: giao thông ở Việt Nam nếu không có còi sẽ không thể đi được.

Tuy nhiên việc sử dụng còi bừa bãi cũng chỉ thể hiện khả năng người lái xe non kinh nghiệm và bản tính thiếu kiên nhẫn mà thôi.

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên