Nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu ra thực trạng này tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - DN diễn ra ngày 28-2 ở TP.HCM. Có DN nói khá gay gắt và đề nghị ngân hàng phải sớm có giải pháp hạ lãi vay. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng trong khi DN khốn đốn, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận khủng là điều rất bất hợp lý.
Lãi vay 5,5%/năm "chỉ có trong mơ"
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết nhiều DN trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm. Lãi suất cho vay tăng cao do ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhất là ở kỳ hạn tham chiếu để tính lãi vay, đồng thời tăng biên độ cộng thêm từ 2,5% lên 4 - 5%/năm.
Diễn biến này khiến các DN khóc ròng. Chưa kể ở thời điểm room tín dụng khan hiếm, có trường hợp ngân hàng đã cam kết giải ngân nhưng khi DN đã mở thư tín dụng, nhập hàng về cảng nhưng ngân hàng nói không có tiền. Đợi đến khi được giải ngân, DN phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho hàng loạt chi phí phát sinh.
Lãnh đạo Công ty nệm Vạn Thành cho hay lợi nhuận của DN chỉ vào khoảng 10 - 15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị, nên mức lãi suất vay hơn 15%/năm như thời gian qua DN không thể kham nổi.
Ông Văn Công Thật, chủ tịch Hội DN huyện Cần Giờ, nói rằng nếu cứ mãi duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, nền kinh tế sẽ co cụm vì người có tiền sẽ đem gửi ngân hàng để hưởng lãi cao chứ không ai bung ra làm ăn, còn DN không dám vay vì làm ra bao nhiêu nộp lãi bấy nhiêu.
"Ngân hàng cần sớm có giải pháp làm sao hạ lãi suất để DN có thể sản xuất kinh doanh", ông Văn Công Thật kiến nghị.
Các DN cũng cho biết dù có thông tin các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ... vay với lãi suất 5,5%/năm nhưng hầu như các DN phải vay với lãi suất trên 10%/năm.
Chưa kể, khi DN thấy lãi suất quá cao, DN đã trả hết nợ và xin rút tài sản đảm bảo để vay ngân hàng khác cũng rất gian nan, nhân viên ngân hàng hẹn hết tuần nọ đến tuần kia với lý do sếp chưa ký.
"Nhiều DN trong hội rất bức xúc khi lãi suất cho vay quá cao, DN thì khó khăn trong khi ngân hàng thì lãi khủng. Có DN còn nói mức lãi suất cho vay 5,5%/năm chắc chỉ có trong mơ", ông Đỗ Phước Tống nói.
Lãi suất đang giảm rất nhanh?
Trước phản ánh của DN, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, cho rằng lãi suất cao không chỉ là rủi ro với DN mà còn là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi chi phí tài chính của DN tăng cao dẫn đến khả năng nợ xấu, mà đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng. "Cứ tin tôi đi, trong vòng vài tuần tới lãi suất sẽ giảm cực nhanh", ông Tùng nói.
Ông Võ Minh Tuấn, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng cho hay lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động và khẳng định trong thời gian tới, lãi suất sẽ xuống dần theo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
"Với các hành vi tự động tăng lãi suất một cách không minh bạch, gây khó dễ khi DN muốn rút tài sản bảo đảm khi hết dư nợ vay, hay từ chối cho vay mà không có lý do chính đáng... Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ làm việc với các DN, hiệp hội để làm rõ hành vi của các ngân hàng, có biện pháp xử lý", ông Tuấn khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng dù góp ý của các DN có đôi chút gay gắt nhưng các ngân hàng nên tiếp nhận các ý kiến đó trên tinh thần thật sự cầu thị, để từ đó hiểu nhau và có phương án giải quyết rõ ràng cho các vấn đề vướng mắc, tránh làm theo kiểu "đến hẹn lại lên", thắc mắc của DN chỉ "đem đến lại đem về".
Ông Mãi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn, cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nên có các kênh kết nối khác để các DN thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo TP.
Phát biểu chỉ đạo, ông Mãi cho biết vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các DN mà ông có dịp tiếp xúc từ cuối năm ngoái đến nay. "Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho DN, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng", ông Mãi đề nghị.
Tại hội nghị, 16 ngân hàng thương mại đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng vào khoảng 11.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm, trung và dài hạn 10%/năm.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp UBND huyện Củ Chi và văn phòng Agribank Củ Chi để kết nối ngân hàng - DN trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như phối hợp UBND quận 12, TP Thủ Đức để tháo gỡ kết nối khó khăn với các DN ở những địa bàn này.
Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP.HCM, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận