Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đây là lần giảm thứ hai điều hành và trần lãi suất huy động trong vòng 2 tháng qua, với mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay, giúp giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng mức lãi suất huy động hiện nay quá cao, cần giảm thêm mới có thể giảm được lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn không giảm nhiều do đã áp dụng mức lãi suất thấp từ trước. Tại Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức trần 4,25%/năm. BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng chỉ còn 4%/năm. Chỉ có kỳ hạn 3 tháng trở lên lãi suất mới ở mức trần 4,25%/năm.
Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất 4,25%/năm được áp dụng từ kỳ hạn 1 tháng nếu gửi số tiền lớn. Nếu gửi số tiền nhỏ, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng dao động từ 4,1-4,2%/năm. Các ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất trần 4,25%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức trên 6,5%/năm, thậm chí 7%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng có vốn nhà nước có lãi suất thấp hơn 1-1,5% tùy kỳ hạn, dao động từ 5,1-6,8%/năm.
Trong thực tế, không chỉ áp dụng lãi suất cao cho kỳ hạn trên 6 tháng, nhiều người gửi tiền cho biết nếu gửi số tiền lớn, khoảng vài tỉ đồng, có thể thỏa thuận mức lãi suất cao hơn thông qua hình thức mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhưng có thể linh hoạt rút ra mà vẫn được hưởng nguyên lãi suất.
Với mức lãi suất tiền gửi như trên, để đảm bảo chi phí kinh doanh và lợi nhuận của hoạt động ngân hàng, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay trung và dài hạn đến tay khách hàng phải cộng thêm 2-2,5%/năm nữa, tức là 8,5-10%/năm, thậm chí cao hơn.
Cấp bách giảm lãi suất cho vay
Theo các chuyên gia, ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, nhu cầu vay thấp cũng thúc lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, cần phải thêm thời gian, lãi suất cho vay mới có thể giảm.
Mặt khác, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, muốn kéo lãi suất giảm, phải giữ lạm phát ở mức thấp. Nếu muốn có mức lãi suất cho vay dài hạn ở mức 6%/năm, lạm phát cần giữ mức khoảng 2%. "Với mức lạm phát này, lãi suất huy động khoảng 3% và cộng 2-3% cho các chi phí kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng, mặt bằng lãi suất mới giảm đáng kể được" - ông Hiếu nói.
Theo ông Ngô Đăng Khoa - giám đốc toàn quốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC VN, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, cộng với việc ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì mức lãi suất điều hành thấp kỷ lục.
Bên cạnh đó, quý 2-2020 được dự báo nhiều biến động tiêu cực. Doanh thu từ dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Số liệu xuất khẩu dù tích cực trong quý 1 cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn từ tháng 4. Doanh số bán lẻ giảm 26% so với cùng kỳ 2019 cũng cho thấy mức tiêu thụ cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy phải cấp bách giảm thêm lãi suất.
Đừng lo tiền chảy vào vàng, USD
Để kéo giảm lãi suất cho vay, trở ngại lớn nhất là ngân hàng vẫn loay hoay kéo giảm lãi suất huy động. Nhiều chuyên gia cho rằng tâm lý chung của người gửi tiền là lãi suất phải thực dương (tức lãi suất tiền gửi phải cao hơn mức lạm phát). Đã từ lâu, có tâm lý cho rằng nếu gửi tiết kiệm không có lợi, người dân sẽ xoay qua kênh đầu tư khác, trong đó có vàng, USD...
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phước - nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, quan điểm này chỉ phù hợp với nhiều năm trước. Nay tình hình đã rất khác, cả trong và ngoài nước. Trong nước, đã qua rồi thời kỳ lạm phát cao.
Trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang nghiên cứu áp dụng lãi suất đồng USD ở mức âm, nên không lo ngại về việc USD tăng giá và người dân chuyển vốn qua USD hay vàng. Với cả hai kênh USD và vàng, các ngân hàng không còn được phép huy động và cho vay, thị trường vàng từ sau nghị định 24 đã kém sôi động nên việc rót vốn vào vàng lúc này khá mạo hiểm.
Nếu hướng người dân rót tiền vào chứng khoán sẽ có lợi cho nền kinh tế. Sau khi bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, VN đã tạo lòng tin rất lớn, có điều kiện phục hồi kinh tế sớm hơn các nước khác và đang chuẩn bị đón dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường khác. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt kỳ vọng rất lớn nên chứng khoán Việt Nam cũng đã bắt đầu hồi phục.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động, cho vay. Tại Việt Nam những năm gần đây lạm phát cơ bản dưới 3%, lạm phát chung dưới 4% nên lãi suất huy động chỉ cần 3-4%/năm là đã cơ bản hợp lý.
"Việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tăng đầu tư, tạo công ăn việc làm, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Cũng không lo người dân không gửi tiền mà chuyển qua kênh đầu tư khác, ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng vì song song với giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng nhiều công cụ điều hành khác để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng" - ông Ngân nói.
Lạm phát thấp, cớ sao lãi suất tiết kiệm lại cao?
Ông Trương Văn Phước cho rằng từ 31-12-2019 đến 30-4-2020 lạm phát âm 1,21%. Từ nay đến cuối năm nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đang hỗ trợ VN duy trì lạm phát ở mức thấp, dự báo khó vượt qua mức 2,8%. Đây chính là nhân tố giúp lãi suất huy động có thể thấp xuống.
"Trong điều kiện hiện nay, việc áp trần lãi suất ngắn hạn ở mức 4,25%/năm là hợp lý nhưng về lâu dài có thể nghiên cứu việc áp trần lãi suất cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng trung ương các nước đã hạ lãi suất xuống mức rất thấp để kích thích kinh tế sau đại dịch. VN cũng nên nghiên cứu nhưng vẫn phải đảm bảo chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đầu vào - đầu ra", ông Phước gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận