Loay hoay chuyện cấp chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ, người mẫu
Phóng to |
Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề dự kiến là các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trước mắt áp dụng cho ca sĩ, người mẫu - Ảnh: T.T.D. |
Đây là việc đã được bàn đến rất nhiều lần trong thời gian qua nhằm tăng cường quản lý đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang có nhiều phức tạp.
Tập trung vào ca sĩ, người mẫu
Hội thảo quy tụ chủ yếu đại diện sở VH-TT&DL các tỉnh thành, đại diện các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập và ngoài công lập. Đối tượng sẽ phải chịu sự điều chỉnh của đề án là người mẫu, ca sĩ lại vắng mặt. Một đề án gây ra nhiều tranh cãi ngay khi mới ở dạng ý tưởng nhưng tại hội nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa cung cấp được một bản dự thảo hoàn chỉnh để tham khảo trước khi góp ý khiến nhiều đại biểu than phiền. H.H. |
Theo bản dự thảo được ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - trình bày tóm lược tại hội nghị, giới ca sĩ và người mẫu là hai đối tượng chính của việc cấp chứng chỉ này, với lý do đây là hai đối tượng “nhạy cảm” và hầu hết những vụ vi phạm đều nằm trong hai giới này.
Ngoài trường hợp được đặc cách cấp chứng chỉ một cách đương nhiên đối với các nghệ sĩ có danh hiệu, NSƯT, NSND thì các nghệ sĩ còn lại sẽ được chia thành hai dạng: nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật hoặc đang công tác tại các đơn vị công lập và nghệ sĩ tự do. Hai nhóm này sẽ được cấp chứng chỉ nếu đáp ứng được ba tiêu chí: có tư cách đạo đức, có năng lực trình diễn, chưa bị thu hồi chứng chỉ hành nghề (với những trường hợp đã được cấp thẻ hành nghề đợt trước vào năm 2000-2003).
Mã số chứng chỉ hành nghề dự kiến sẽ được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân để "dễ quản lý". Nếu nghệ sĩ hay người mẫu vi phạm ba lần sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề. Nếu lỗi vi phạm bị phạt trên 10 triệu đồng sẽ bị treo chứng chỉ hành nghề trong sáu tháng... Riêng về thời hạn của chứng chỉ này đang được bàn luận với hai phương án: hoặc là có thời hạn (năm năm hay ba năm) hoặc là vô thời hạn.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Long - giám đốc Công ty người mẫu PL ở TP.HCM - cũng đồng tình với việc cấp chứng chỉ này vì cho rằng quản lý giới người mẫu rất phức tạp vì họ thường xuyên được mời đi nước ngoài biểu diễn hoặc biểu diễn trong những chương trình mà “khách hàng là thượng đế”.
Ông Hoàng Tuấn - đại diện cho ca sĩ Đan Trường và ca sĩ Cẩm Ly - cho rằng nên cân nhắc việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các ca sĩ, nghệ sĩ không có chuyên môn cao, chưa qua đào tạo, ca sĩ hát lót... nhưng sống chủ yếu bằng công việc biểu diễn. Họ có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không? Và dựa vào tiêu chí đánh giá nào để cấp khi sẽ không có một hội đồng xét duyệt? Nhưng nếu không cấp cho những nghệ sĩ dạng này thì rất khó duy trì những chương trình biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là ở tỉnh, nơi rất khó mời được nhiều ca sĩ ngôi sao đến diễn.
Ông Tuấn cũng quan ngại về việc đánh mã số chứng chỉ hành nghề trùng với mã số thuế. Ông cho rằng việc này có thể chấp nhận được nếu các nghệ sĩ thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế và cục/sở cũng phải đảm bảo cho nghệ sĩ những quyền lợi nhất định.
Tại đầu cầu Đà Nẵng, đại diện Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho rằng nếu đã quyết định cấp chứng chỉ hành nghề thì nên cấp hết cho tất cả những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, kể cả những người quản lý nghệ sĩ.
Chưa đủ cơ sở pháp lý
Dù được đặt ra để giải quyết khúc mắc trong quản lý nghệ thuật biểu diễn, nhưng đề án này lại vấp phải sự e ngại từ chính những cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương và những người làm chính sách.
Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, khẳng định: Chưa đủ tính pháp lý để thực hiện đề án này. Ông dẫn ra trong nghị định 75 về quy định xử phạt và chế tài trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì chưa hề có điều khoản nào ghi cụ thể về việc xử phạt nghệ sĩ khi không có thẻ hành nghề. Vậy dựa vào cơ sở pháp lý nào để xử phạt và sẽ xử phạt như thế nào đối với các trường hợp vi phạm?
TP.HCM là môi trường hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi động nhất cả nước, số lượng nghệ sĩ tự do cũng đông nhất cả nước, nhưng theo thông tin của sở thì trung bình trong một năm chỉ có khoảng 20 vụ việc vi phạm được xử lý, trong đó chỉ 3-5 vụ bị xử lý ở mức cấm biểu diễn từ sáu tháng đến một năm. Vậy có cần thiết phải có thêm một hình thức xử phạt khác làm "nở nồi" các thủ tục hành chính xin cho, liệt kê, cấp phép, giấy tờ... tốn kém nữa không, nhất là khi chứng chỉ hành nghề này từng được cấp một lần vào năm 1999-2002 và từng có quyết định ngưng vì không hiệu quả (nghị định 92).
Vậy nên, theo đại diện Sở VH-TT&DL TP.HCM, vấn đề bây giờ là nên tập trung vào các hoạt động kiểm tra, phúc khảo, thẩm định nội dung, kịch bản của các chương trình biểu diễn chứ không nên hướng vào việc quản lý con người. Nếu như nội dung chương trình không đạt, các sở VH-TT&DL không cấp phép thì bản thân nghệ sĩ cũng không được phép biểu diễn.
Hội nghị dường như chỉ ghi nhận một ý kiến đề nghị xem xét lại việc thực thi đề án này của ông Võ Trọng Nam. Riêng với các ý kiến tán đồng đề án cũng đưa ra nhiều góp ý cho thấy đề án còn “non”, trong vòng luẩn quẩn, khó có thể vận hành một cách hiệu quả, trơn tru dù thời gian dự tính cấp chứng chỉ hành nghề cũng đang cận kề, từ ngày 1-1-2014.
Tốn kém ngân sách Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: "Thủ tục cấp chứng chỉ rất đơn giản, không phải là một giấy phép con. Việc cấp phép sẽ nâng cao vai trò của quản lý nhà nước, không nhiêu khê, không xin cho, không phong bì phong bao mới được cấp chứng chỉ hành nghề”. Những người xin cấp chứng chỉ cũng không phải nộp phí, theo ông Chương, ngân sách nhà nước sẽ “gánh” thêm khoản này với mục đích “mọi thủ tục phải được thông thoáng”. Tuy nhiên, đến thời điểm hội nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VH-TT&DL vẫn chưa dự tính được số tiền ngân sách sẽ phải chi thêm cho việc giấy chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ nghệ sĩ, người mẫu đang hoạt động trên thị trường. Trong khi đó, đại diện Sở VH-TT&DL Cần Thơ gọi thẳng việc cấp chứng chỉ hành nghề thực chất là một giấy phép con. “Không cần có giấy phép hành nghề thì vẫn chế tài được. Hội viên đã có giấy chứng nhận hội viên rồi, cấp thêm chứng chỉ chỉ làm rườm rà thêm. Cả nước có 63 tỉnh thành với hàng trăm ngàn nghệ sĩ thì xét đến đời nào xong. Việc này sẽ gây tốn kém ngân sách rất lớn, hạn chế sự phát triển nghệ thuật của địa phương”. HÀ HƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận