
Sẽ có trình diễn thực hành nghi lễ hầu đồng tại hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La - Ảnh: BTC
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi này với đại diện UBND TP Tuyên Quang tại buổi họp báo ngày 19-2 ở TP Tuyên Quang, thông tin về lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2025.
Trung tâm thờ Mẫu Thoải bị bỏ quên?
Theo Phòng Văn hóa thông tin thành phố Tuyên Quang, ba ngôi đền Thượng, Hạ, Ỷ La ở thành phố Tuyên Quang được xây dựng giữa thế kỷ 18 và 19, xếp hạng di tích quốc gia.
Ba ngôi đền đều thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) - vị Thánh Mẫu được dân gian coi như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài, và cũng gắn liền với Lễ hội rước Mẫu.
Hiện ở các đền này còn lưu giữ hơn 10 sắc phong từ triều Lê tới triều Nguyễn đề cao công đức của nhị vị Thánh Mẫu, chính là hai công chúa con gái Hùng Vương là Ngọc Lân và Phương Dung.

Tuyên Quang mong muốn Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ trở thành một lễ hội lớn - Ảnh: BTC
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La ra đời từ rất lâu, diễn ra vào các ngày từ 10 đến 16 tháng hai âm lịch hằng năm, ghi danh Di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2018.
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là dịp để nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang tỏ lòng tri ân công đức Thánh Mẫu đã chở che cộng đồng.
Đồng thời cũng là dịp để người dân bày tỏ khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt là ở Tuyên Quang.
Tuy thế, nếu người dân cả nước đã biết đến và tìm về phủ Dầy Nam Định lễ Mẫu Thượng Thiên và đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn lễ Mẫu Thượng Ngàn rất đông, thì dòng người về trung tâm thờ Mẫu Thoải ở Tuyên Quang còn ít.
TS Nguyễn Vũ Phan - nguyên quyền giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang - cho biết những năm gần đây khách đến Tuyên Quang lễ Mẫu khá đông từ mùng 3 Tết kéo dài đến hết ba tháng lễ hội đầu năm.
Tuy nhiên lượng khách du lịch tâm linh ở Tuyên Quang mỗi mùa lễ hội đầu năm những năm gần đây mới đạt được khoảng 300.000 - 400.000 người.

Lễ rước Mẫu được thực hiện trang nghiêm - Ảnh: BTC
Tuyên Quang muốn du lịch tâm linh thành đặc thù
Bà Vũ Quỳnh Loan - phó chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang - trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online cho biết chính lãnh đạo Tuyên Quang cũng đang trăn trở tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao khách du lịch tâm linh đến địa phương này chưa đông dù có nguồn lực di sản quý giá.
Bà cho biết Tuyên Quang đang từng bước xây dựng thương hiệu Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, đưa lễ hội này vào danh sách sự kiện văn hóa trọng điểm của Việt Nam trong những năm tới.
Tại buổi tọa đàm chủ đề Phát huy giá trị truyền thống của đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang chiều 19-2, ông Hoàng Việt Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - cho biết địa phương đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Tuyên Quang.
Lễ hội đền Mẫu kết hợp với Pháp hội tại Thiền viện Trúc Lâm chính pháp
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2025 diễn ra từ 9-3 đến 15-3 (từ 10-2 đến 16-2 âm lịch), sẽ tái hiện đầy đủ các nghi thức rước Mẫu đặc trưng và tế lễ trang nghiêm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Phần hội sẽ có không gian Trà xứ Tuyên, không gian trưng bày khăn chầu áo ngự, trình diễn hầu đồng, giới thiệu văn hóa thờ Mẫu thông qua màn hình tương tác, các hoạt động thể thao dân gian…
Đặc biệt, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được kết hợp cùng chương trình Pháp hội Trúc Lâm lần thứ ba tại Thiền viện Trúc Lâm chính pháp ở thành phố Tuyên Quang từ 7-3 đến 10-3.
Pháp hội sẽ có các khu thư pháp, thư họa, trưng bày sách, trà đạo, thiền trà, ẩm thực chay, khu trưng bày văn hóa Phật giáo thời Trần, hội thi giáo lý dành cho phật tử, hội thi ẩm thực chay…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận