Vài ngày qua, làng nhạc xôn xao chuyện ca sĩ Đinh Trang tố ba ca sĩ trẻ - những người mà chị gọi là "học trò" - đã "bàn luận, lạnh lùng mổ xẻ thân xác và giọng hát sau sinh" của mình trong một nhóm kín có 33 thành viên toàn sinh viên, nghệ sĩ các trường âm nhạc.
Ngoài Đinh Trang, một số nghệ sĩ khác cũng vào "tầm ngắm" của nhóm này.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 13-10, ca sĩ Lan Anh - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - kể khi chị ra các album nhạc bolero, trưởng nhóm trên có một bài viết cho rằng chị là người "tư duy thẩm mỹ... tồi tàn".
"Trước khi vào Nhạc viện Hà Nội, tôi đã hát và yêu thích dòng nhạc bolero rồi, chứ không phải tự dưng tôi chuyển từ hát opera sang bolero", Lan Anh nói.
Theo chị, mỗi dòng nhạc như một bông hoa có hương sắc riêng, vẻ đẹp riêng: "Sự tồn tại của mỗi dòng nhạc đều làm phong phú hơn nền âm nhạc Việt Nam. Dù theo đuổi dòng nhạc nào, nghệ sĩ cũng phải học tập, bỏ chất xám ra, lao động cực nhọc... Đừng nghĩ mình là cao quý rồi hạ thấp người khác".
Ca sĩ Lan Anh chia sẻ thêm: không phải khán giả nào cũng cảm nhận được nhạc giao hưởng, thính phòng, cổ điển.
Để nhạc cổ điển gần hơn với công chúng, bên cạnh những buổi biểu diễn cổ điển "thuần khiết", một số nghệ sĩ đã chọn làm mới bằng cách "pha", làm loãng chất hàn lâm của dòng nhạc này và vẫn đảm bảo nguyên tắc không bóp méo tinh thần cơ bản của nhạc cổ điển.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết vấn đề này cần đặt trong bối cảnh tiếp nhận tại Việt Nam.
"Ở ta, chỉ có một vài nghệ sĩ dòng này sống được, sống khỏe với nghề". Điều đó dẫn đến việc nhiều nghệ sĩ thính phòng tìm cách thay đổi để âm nhạc của họ đến với công chúng.
"Sự làm mới đó không đáng chê trách, luôn cần thiết trong mọi thời đại", ông Nguyễn Quang Long đánh giá.
Ông Long dẫn ra trường hợp Mozart đã đưa nhiều yếu tố khác để góp phần hoàn thiện thể loại nhạc kịch như bây giờ.
Đến Beethoven, ông phá hết bố cục của một tác phẩm giao hưởng. Chẳng hạn Bản giao hưởng số 9, ông cho thanh nhạc vào chương 4. Như Schubert, ông sáng tác bản giao hưởng chỉ có hai chương.
Thời của ông, người ta cho rằng âm nhạc phải là giao hưởng, nhạc kịch... Những thứ còn lại chỉ mang tính "vui vui". Ông đã sáng tác ca khúc và đưa nó lên vị trí tương đương một bản giao hưởng.
Theo ông, việc làm mới nhạc thính phòng - cổ điển góp phần làm phong phú đời sống của nghệ sĩ; đồng thời cũng là con đường để nghệ sĩ đi tìm công chúng.
"Mặt khác, biết đâu những tác phẩm được làm mới đó gợi mở một hướng tiếp theo trong đời sống âm nhạc để mang nhạc giao hưởng, thính phòng đến gần hơn với công chúng", ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận