Đó là một trong những chia sẻ tâm đắc của cả nghệ sĩ Chương Vũ lẫn Maxime cùng Tuổi Trẻ trước đêm song tấu "Duo piano & violon: Maxime Zecchini & Chương Vũ" tối 15-9 tại Idecaf, TP.HCM.
Hai nghệ sĩ sẽ tiếp tục tour lưu diễn qua năm TP.HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội từ nay đến ngày 22-9.
Nghệ thuật là cơ hội giao lưu
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, đêm song tấu mang đến cho công chúng một dịp thưởng thức các tác phẩm kinh điển của Saint-Saëns, Debussy, Ravel, các nhà soạn nhạc người Pháp và nhạc sĩ Việt Anh.
Phần đầu đêm diễn, Zecchini chinh phục khán giả với ngón đàn piano điêu luyện, đặc biệt với tác phẩm Bản concerto cho tay trái cung Rê trưởng của Maurice Ravel lần đầu công diễn tại Việt Nam. Không chỉ biểu diễn, anh còn chủ động giới thiệu từng tác phẩm và tương tác gần gũi cùng khán giả.
Từng diễn tại hơn 40 quốc gia và ra đĩa nhạc đầu tiên trong lịch sử chỉ gồm các bản thu dành cho tay trái, ngón đàn tay trái của anh được tạp chí âm nhạc Pháp Classica đánh giá là: "mê hoặc, khiến ta như đang nghe mười ngón tay lướt trên phím đàn với tốc độ cực nhanh, từ cực trầm đến cực cao, nhân lên những lớp lang âm thanh và tiếp nối những quãng kịch tính một cách nhẹ nhàng, thanh thoát".
Lần đầu đến Việt Nam, Maxime rất vui khi đã tới Hà Nội, vịnh Hạ Long và được khán giả TP.HCM đón tiếp bằng cả trái tim. Anh bất ngờ vì thấy mình dễ dàng giao tiếp với bất kỳ ai ngoài đường phố. Mỗi thành phố lại mang đến cảm xúc khác nhau.
Tour diễn cũng là dịp để Maxime khám phá âm nhạc Việt Nam "rất hay và quyến rũ", đồng thời kết hợp với nghệ sĩ violin xuất sắc Chương Vũ. Dù chỉ mới gặp hơn ba ngày nhưng "luồng điện" tương tác giữa hai người vô cùng ăn ý, trôi chảy.
Maxime đặc biệt thích bản Fantasy viết cho violon và piano của nhạc sĩ Việt Anh lần đầu công diễn.
Phần song tấu cùng Chương Vũ cho Maxime nhiều cảm xúc vì "hiếm khi tôi được biểu diễn tác phẩm khí nhạc hay như vậy từ một tác giả "còn sống"!" - Maxime cười.
Anh tin tương lai tác phẩm sẽ được chơi bởi nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.
Maxime cũng có buổi masterclass tại nhạc viện. Anh đánh giá sinh viên Việt rất đam mê và đầy tiềm năng. Với anh, piano là nhạc cụ tuyệt vời vì có thể chơi mọi thể loại âm nhạc nhưng bù lại phải tập luyện rất nhiều, bài bản và gần như mỗi ngày.
Để chơi tốt piano, các bạn trẻ phải cảm nhận được ngọn lửa đam mê bùng cháy trong tim. Vì nếu không, các bạn sẽ không có động lực tập luyện hằng ngày. Hãy kiên trì, kết quả sẽ rất đáng kinh ngạc.
Lưu diễn thì phải hy sinh rất nhiều
Với Chương Vũ, 2023 là một năm đặc biệt khi anh có lịch trình về nước nhiều và lâu hơn mọi khi. Sinh ra, lớn lên và học nhạc ở Nhạc viện TP.HCM trước khi sang Mỹ lập nghiệp, là giám đốc nghệ thuật của Vietnam Connection Music Festival, năm nay Chương Vũ đồng tổ chức nhiều hoạt động với mục tiêu đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng.
Gần nhất là concert mời được huyền thoại Shlomo Mintz về biểu diễn tại Hà Nội đầu tháng 9, một trong những sự kiện quan trọng nhất với nền âm nhạc cổ điển Việt Nam, cũng là điều tự hào nhất trong sự nghiệp biểu diễn của Chương Vũ.
Ánh mắt Chương Vũ lấp lánh vui khi nhắc lại kỷ niệm từ thời thơ ấu cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy, người vừa cùng anh đứng chung sân khấu với huyền thoại Shlomo Mintz.
Khi Bùi Công Duy tổ chức "marathon" 5 concerto trong hai đêm 24, 25-8 tại TP.HCM, Chương Vũ cũng đã bay từ Mỹ về để tôn vinh người bạn anh đã chơi cùng từ năm 4 tuổi, khi anh theo học violin với thầy Bùi Công Thành (bố của Công Duy).
Hai cái tên Vũ Việt Anh, Vũ Việt Chương từng khiến cô giáo vụ nhầm là... anh em ruột khi theo bố mẹ đăng ký nhập học cùng lúc tại Nhạc viện TP.HCM.
Nhạc sĩ Việt Anh cũng là bố đỡ đầu cho con thứ ba của Chương Vũ.
Thân thiết với nhau là thế, dễ hiểu vì sao khi phần trình diễn tác phẩm do Việt Anh viết tặng Chương Vũ lại khiến khán giả rưng rưng xúc động.
Nối tiếp chuỗi 30 năm kỷ niệm thành lập HBSO, Chương Vũ còn tham gia cùng các nghệ sĩ Mỹ và Đài Loan biểu diễn cùng nhóm bạn trẻ yêu nhạc Sài Gòn cuối tháng 8, tham gia tour kỷ niệm 50 năm quan hệ Pháp - Việt cùng Maxime qua năm thành phố trong tháng 9.
Cuối tháng 10, anh sẽ lại bay từ Mỹ về tham gia concert với NSƯT Trần Vương Thạch và dàn nhạc HBSO, rồi lại bay đi chấm thi violin ở Kazakhstan vào tháng 11...
Chính vì vậy, Chương Vũ rất thấm thía chia sẻ "nghệ sĩ lưu diễn phải hy sinh nhiều thứ" của Shlomo Mintz.
Đó là thời gian ở bên gia đình, là cơ hội để theo đuổi những sở thích khác... vì phải luôn ưu tiên cho việc tập luyện mỗi ngày và lúc nào cũng phải tập trung 100% cả khi tập luyện thì mới tiến bộ.
Như chính Shlomo Mintz, dù đã muốn đến Việt Nam từ hàng chục năm trước, nhưng đến giờ ông vẫn chỉ đến được với tư cách biểu diễn chứ không như một người du lịch bình thường và vẫn ước ao có dịp được quay trở lại.
"Sau ba năm đại dịch, nhạc cổ điển trong nước đã trở lại và có nhiều khởi sắc. Riêng ở TP.HCM, HBSO có nhiều concert, nhạc kịch, múa... chất lượng và thường xuyên; cũng có thêm nhiều chương trình do các bạn trẻ du học về tự tổ chức và biểu diễn.
Khi diễn ở nhạc viện, tôi thấy một số gia đình có cha mẹ và con đều là nghệ sĩ diễn cùng nhau.
Nhạc cổ điển vẫn tiếp tục được kế thừa và càng tiến bộ vì các con hiện có nhiều điều kiện phát triển hơn" - nghệ sĩ violin Chương Vũ nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận