Những ngày này, khán phòng rạp Thanh Vân hoạt động liên tục từ sáng đến chiều, có lúc xuyên trưa không nghỉ.
Các nghệ sĩ trong và ngoài nước đang cùng dàn nhạc HBSO ráo riết chuẩn bị cho dự án nghệ thuật đặc biệt: biểu diễn năm concerto trong hai đêm concert vào tối 25 và 26-8 tại Nhà hát TP.HCM.
Thông thường, một đêm hòa nhạc (concert) chỉ chơi một hoặc hai concerto vì thể loại này rất khó, đòi hỏi tập luyện kỳ công.
Ý tưởng "điên rồ"
Với NSƯT Bùi Công Duy, mỗi lần trở lại TP.HCM đều thân thương như thể về nhà. Học nhạc tại Nhạc viện TP.HCM trước khi sang Nga du học, năm nào Duy cũng sắp xếp về thăm thầy cô và chơi nhạc cùng đồng nghiệp.
Nhưng concert lần này có ý nghĩa đặc biệt vì hội tụ nhiều lý do. Đầu tiên là niềm tự hào được quay về biểu diễn trong một chương trình lớn, cột mốc gần "chốt sổ" chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập HBSO (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM).
Ở góc độ làm nghề, đây là sự kiện đánh dấu cuộc marathon thứ hai của Bùi Công Duy. Năm 2018, anh từng chơi bốn concerto của Beethoven, Brahm, Mendelssohn... trong hai concert.
Trước ý tưởng "có hơi điên rồ", Bùi Công Duy thấy mình may mắn và biết ơn vì đồng nghiệp sẵn lòng ủng hộ. Chương trình khó nên phải chuẩn bị từ sớm, giai đoạn này nhà hát và nghệ sĩ lại có nhiều hoạt động biểu diễn chồng chéo.
Dàn nhạc ngày nào cũng tập miệt mài, có hôm liên tục sáu tiếng không nghỉ, tất cả đều nỗ lực, vất vả nhưng đầy hào hứng. "Thử thách lớn giúp mình khám phá thêm khả năng bản thân, cũng là dịp rèn luyện chuyên môn và cả thể lực.
Mình học rất nhiều khi chơi violin cường độ cao. Mỗi tác phẩm lại chơi với những nghệ sĩ khác, tạo nên sự giao lưu, giao thoa. Đây là một trải nghiệm đáng có và đáng quý" - Bùi Công Duy tâm sự.
Chuỗi concerto lần này còn đặc biệt vì có hai concerto của nhạc sĩ Việt Nam. Đó là bản concerto Grosso số 1 cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, đã rất lâu mới trình diễn lại.
Hai là lần đầu tiên công diễn bản concerto Việt Nam bốn mùa cho hai đàn violin và dàn nhạc, cũng là món quà nhạc sĩ Đặng Hồng Anh viết riêng tặng hai nghệ sĩ Bùi Công Duy và Chương Vũ. Tác phẩm gồm bốn chương: mùa Xuân - Lúa vàng, mùa Hạ - Chèo thuyền, mùa Thu - Lễ Phật trong chùa, mùa Đông - Múa Rồng đón Tết, tôn vinh đời sống tươi đẹp của người Việt xuyên suốt bốn mùa.
"Viết cho khí nhạc rất khó, ít người làm vì quá công phu. Mình hy vọng các nghệ sĩ sẽ sáng tác thêm nhiều tác phẩm hay, có thể vang lên trong các phòng hòa nhạc và giảng đường để các con được học sáng tác của người Việt chứ không chỉ có Beethoven, Chopin..." - Bùi Công Duy bày tỏ.
Vinh danh nhà hát HBSO qua 30 năm
Cuộc marathon lần này còn hội tụ nhiều đồng nghiệp thân thiết lâu năm với Bùi Công Duy - những người bạn, người anh em cùng lớn lên, cùng học và sau này cùng nắm những vị trí quan trọng trong giới âm nhạc cổ điển.
Đó là nhạc trưởng Lê Ha My - giám đốc nhà hát HBSO, cũng là bạn cùng phòng khi du học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh - tác giả concerto Grosso, cũng là bạn cùng du học tại Nga. Hay nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji đã có 9 năm cùng đứng trên sân khấu...
Cũng là các khách mời danh tiếng như Max Levinson - nghệ sĩ piano "số má" không chỉ ở Mỹ mà cả quốc tế. Grace Ho - nghệ sĩ cello nổi tiếng người Mỹ gốc Đài Loan. Yi-Wen Chao - nghệ sĩ viola Đài Loan từng biểu diễn và "đốn tim" khán giả ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM.
Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc, tiến sĩ - nghệ sĩ violin quốc tế Chương Vũ xuất thân từ TP.HCM và thành danh ở Mỹ cũng về tham gia... "Tất cả cùng trở về đóng góp, vinh danh nhà hát hàng đầu của TP.HCM và phía Nam với rất nhiều thành tích suốt 30 năm qua..." - Bùi Công Duy bộc bạch.
Là người gắn bó với HBSO từ Giai điệu mùa thu năm 2000, Bùi Công Duy đã chứng kiến sự phát triển của nhà hát qua các thời giám đốc từ nhạc sĩ Võ Đăng Tín đến NSƯT Trần Vương Thạch, hiện tại là nhạc trưởng Lê Ha My.
Nhà hát đã trở thành nơi hội tụ nhân tài, là đầu tàu âm nhạc của miền Nam với vị trí vững chắc, được kiểm chứng qua nhiều chương trình chuyên môn cao cả về học thuật và xã hội hóa, những chương trình lớn hợp tác với nước ngoài với đa thể loại nhạc - vũ - kịch...
Là phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Bùi Công Duy mong liên kết chặt chẽ hơn cùng HBSO, tạo thêm nhiều chương trình hay mang ra Hà Nội biểu diễn và ngược lại, mở thêm cơ hội giao lưu giữa các thế hệ nghệ sĩ.
Anh mong TP.HCM sẽ có thêm nhà hát mới, thêm các dàn nhạc để nghệ sĩ có đất diễn, khán giả có dịp thưởng thức những chương trình chất lượng, qua đó tiếp tục đào tạo nhân sự trẻ và góp phần phát triển âm nhạc hàn lâm Việt Nam.
Một số hình ảnh của Bùi Công Duy và dàn nhạc - Ảnh: HUỲNH VY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận