22/11/2019 08:06 GMT+7

Kỳ vọng vào tương lai ngành y tế

TT
TT

TTO - Từng là một trong hai bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp nhất, có lẽ ít có bộ trưởng nào trong những nhiệm kỳ gần đây chịu nhiều cơn 'bão dư luận' như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Kỳ vọng vào tương lai ngành y tế - Ảnh 1.

Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

(Phản hồi bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Tôi cảm ơn những lời chỉ trích" )

Để có thêm người dân hiểu được chuyện "phòng bệnh hơn chữa bệnh", ngành y tế cần thay đổi trước, cần coi trọng hơn chuyện phòng ngừa bệnh dịch, nâng cao dần hiểu biết của người dân về sức khỏe.

Tuổi Trẻ lược trích ý kiến bạn đọc như những đặt hàng, gửi hi vọng vào tương lai ngành y tế.

* Bạn đọc TÚ NGUYÊN (Long An):

Chưa đủ niềm tin vào y tế cơ sở

Dư luận đa phần không hài lòng vì dư luận cứ xoáy vào chuyện "bất khả" của ngành y tế: những chuyện 3 trẻ tử vong do tiêm văcxin ở Quảng Trị, vụ tai biến chạy thận chết 8 người ở Hòa Bình, vụ "nhân bản" xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức và gần đây nhất là vụ việc thuốc ung thư giả của VN Pharma…

Bộ trưởng đã nói: "Vấn đề chưa ưng ý nhất là y tế dự phòng, người dân chưa quan tâm nhiều đến phòng bệnh, trong khi đó là cái cơ bản nhất. Trong y tế, phải lo phòng bệnh trước, kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh sớm để giảm bớt biến chứng, tử vong". Bà cũng nói về điều còn tồn đọng khác của ngành y, đó là vấn đề y tế cơ sở chưa tạo được niềm tin của người dân.

Tôi ở vùng nông thôn (huyện Cần Đước, Long An), được khám chữa bệnh qua nhiều cơ sở y tế xã, trung tâm y tế huyện cũng như bệnh viện đa khoa khu vực. Theo tôi, công tác y tế dự phòng tại nông thôn dường như chưa được quan tâm đúng mức. 

Mạng lưới y tế cộng đồng ở nông thôn hầu như chưa có chuyển biến, các thông tin về phòng ngừa bệnh dịch chưa được tuyên truyền sâu rộng. Sự quan tâm và những đổi thay cho lĩnh vực khám chữa bệnh (đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trên) có chuyển biến rõ nhưng y tế dự phòng vẫn mờ nhạt và xa xôi với người dân.

Cần nhìn thẳng thực tế là "niềm tin" của người dân vào tuyến y tế địa phương (xã, phường, quận, huyện) chưa được củng cố. Đây là lý do chính đưa đến sự quá tải của các tuyến trên. Người dân có xu hướng chọn cơ sở khám chữa ở xa hơn, tại các thành phố lớn. 

Điều này cũng có nguyên do từ những hạn chế và thiếu thốn của các cơ sở y tế địa phương, con người và trang thiết bị cho ngành y tế cơ sở chưa đáp ứng được mong muốn của người dân.

Cải thiện dịch vụ, nâng chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở tốt dần lên cũng chính là cách chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn và giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Tôi mong lãnh đạo kế nhiệm nhìn thẳng vào những tồn tại này để tập trung hơn cho y tế dự phòng, quan tâm đến cả con người, trang thiết bị và dịch vụ tại các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế, các bệnh viện đa khoa, đa khoa khu vực để y tế cơ sở thật sự gần dân.

* Bạn đọc NGUYỄN MINH (An Giang):

Quản lý mua bán dược phẩm: cần chặt hơn

Với các dịch bệnh ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, ngành y tế cần chủ động hơn trong tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân yên tâm, tin tưởng. Như chuyện về tiêm văcxin chẳng hạn. Sau một vụ tai biến (như từng diễn ra), người dân cần được giải thích rõ về những tác dụng không mong muốn để tránh hoang mang. 

Thiếu thuốc tiêm chủng cho trẻ hoặc khan hiếm thuốc ngừa bệnh dại từng gây lo âu, hoang mang. Như tình trạng thiếu văcxin diễn ra ở nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hồi tháng 8 vừa qua, người dân đến tiêm văcxin ngừa bệnh dại, nhưng nhiều cơ sở y tế lại không có sẵn. Trong khi dại là dịch bệnh được cảnh báo rất nguy hiểm, gây nhiều vụ chết người trong mùa nắng nóng năm nay.

Không chỉ thiếu văcxin dại, thời điểm đó có tỉnh thiếu cả các loại văcxin khác. Nguyên nhân có thể thiếu cục bộ, cũng có thể do Cục Quản lý dược nhập văcxin về không đủ để cung cấp cho các đơn vị y tế dự phòng. 

Tình trạng thiếu văcxin dại cũng xảy ra những năm trước đây, ngay tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Và việc này người dân được biết qua báo chí phản ánh chứ không phải từ sự chủ động thông tin của ngành y tế. 

Ngành y tế cần quan tâm, quản lý tốt hơn hiện tượng quảng cáo "tiên dược", "thần dược" đang tràn lan trên mạng. Tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của các sản phẩm cũng đang gây ra không ít hệ lụy. Việc này cần sự lưu tâm của cơ quan chức năng, trước tiên từ ngành y tế.

Mong giảm tai biến y khoa

Tai biến y khoa cũng là chuyện rất nóng trong hai nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Vẫn biết, các nước có nền y học tiên tiến, tỉ lệ tai biến y khoa có thể hơn 3%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa, trong đó có nguyên do từ trình độ và tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc, do quy trình khám chữa chưa chặt chẽ... Và cũng có nguyên nhân từ sự quá tải.

Vì quá tải, bác sĩ không có nhiều thời gian giải thích với bệnh nhân, thậm chí không kịp lắng nghe đầy đủ bệnh trạng khi mỗi ca khám diễn ra trong một vài phút. Tình trạng nằm ghép giường, theo Bộ trưởng Tiến, đã có cải thiện nhưng vẫn còn là chuyện đau đầu ở các bệnh viện tuyến trên.

Và chuyện nhiễm khuẩn bệnh viện, thầy thuốc làm việc trong tâm trạng căng thẳng, môi trường làm việc thiếu an toàn cũng là nguyên nhân gây nên những sơ sót trong khám chữa bệnh.

Bạn đọc MINH ĐỨC (TP.HCM)

Bộ trưởng đã dám nghĩ dám làm

"Trải lòng của bộ trưởng rất thẳng thắn! Một chính khách phải tâm thế đĩnh đạc như thế, làm được và cả những gì chưa được đều nhìn rõ" - bạn đọc ĐôQuang đã nhận xét như thế khi đọc bài đối thoại độc quyền với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Nhiều bạn đọc đã nói lời chia tay với bà với thái độ trân trọng và cảm thông: "Tạm biệt cô, cảm ơn những đóng góp và thành quả mà cô và ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua. Vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, nhưng ngành y cũng đã cải thiện ngày một tốt hơn rất nhiều. Ở nước ngoài cũng vậy, chỉ trích bộ trưởng cũng là chuyện thường thấy. Cảm ơn cô Tiến vì những nỗ lực, những quyết tâm, dám nghĩ dám làm" - bạn đọc Duy, Người Sài Gòn và Hoàng Minh góp lời.

Đ.Q. lược ghi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: 'Tôi cảm ơn những lời chỉ trích'

TTO - Trước ngày rời vị trí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ thẳng thắn với Tuổi Trẻ về những điều được và chưa được trong 8 năm nhiệm kỳ bộ trưởng 'bão dư luận'.

TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên