26/06/2020 10:37 GMT+7

Kỳ vọng 'đầu tàu' Việt Nam ở ASEAN

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Hôm nay (26-6), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 chính thức diễn ra. Thay vì lãnh đạo các nước tay bắt mặt mừng như thường lệ, hội nghị năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử do tác động của đại dịch COVID-19.

Kỳ vọng đầu tàu Việt Nam ở ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu việc đón tiếp khách phải đảm bảo trọng thị, chu đáo, an toàn, thể hiện sự hiếu khách của nước chủ nhà khi kiểm tra công tác chuẩn bị hội nghị ngày 25-6 - Ảnh: VGP

Như vậy, các nhà lãnh đạo ASEAN gặp nhau gần hai tháng sau khi hội nghị này bị hoãn vì các lo ngại về đại dịch. Trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên khai mạc, phiên họp toàn thể và các phiên họp đặc biệt.

Ứng phó dịch bệnh

Ngay trước sự kiện quan trọng này, báo Jakarta Post của Indonesia ngày 25-6 đã đặt câu hỏi: "Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tiếp cận như thế nào về phản ứng khu vực với COVID-19 tại hội nghị lần thứ 36 này?".

Phát biểu trước báo giới ngày 25-6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng hội nghị lần này tại Việt Nam tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo khu vực "củng cố và phối hợp các nỗ lực thêm nữa để giảm thiểu các tác động của COVID-19".

Tại khu vực ASEAN, Indonesia đang là quốc gia có số ca bệnh COVID-19 cao nhất, với hơn 50.000 ca nhiễm. Trong khi đó, các quốc gia như Việt Nam, Brunei và Lào đều không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng vài tuần qua.

ASEAN đã bắt đầu thảo luận về việc phối hợp hành động ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát COVID-19 là "tình trạng y tế công khẩn cấp gây quan ngại quốc tế" vào ngày 30-1-2020.

ASEAN cũng đã kích hoạt nhiều cơ chế hiện có của khu vực như Mạng lưới phòng thí nghiệm y tế công khu vực (PHLN) và Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN (EOC Network). 

Những cơ chế khẩn cấp y tế công này đã hình thành trước nhờ những bài học đã rút ra, gồm dịch SARS năm 2003.

Về mặt song phương, các quốc gia ASEAN đã hỗ trợ nhau bằng việc cung cấp thiết bị y tế. Tuy nhiên, tất cả 10 nước thành viên đều ở những giai đoạn khác nhau trong phản ứng với COVID-19, với một số nước đã thành công trong việc kiềm chế dịch trong khi một số nước gặp khó khăn do tỉ lệ lây nhiễm cao.

Ông Jose Tavares, tổng vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ phát một tuyên bố về vấn đề phản ứng với COVID-19 của khu vực.

Nhà nghiên cứu Dewi Fortuna Anwar tại Viện Khoa học Indonesia cho biết trong số những vấn đề quan trọng có thể được thảo luận là những biện pháp để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, làm dịu các tác động xã hội và kinh tế do đại dịch gây ra như tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và các kế hoạch phục hồi kinh tế.

COC và Biển Đông

Trước hội nghị một ngày, Robert Borje, trợ lý của tổng thống Philippines về các vấn đề đối ngoại, cho biết các vấn đề khu vực gồm Biển Đông cũng sẽ được thảo luận.

"Tổng thống Philippines (Rodrigo Duterte) luôn rất rõ ràng trong lập trường của Philippines về các diễn biến ở Biển Đông và các mục tiêu, gồm việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" - ông Borje cho biết.

Hôm 24-6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nói rằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về COC - vốn bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 - nên bắt đầu lại sớm để giảm các căng thẳng trong khu vực. Bà nói: "Chúng tôi tin rằng COC sẽ góp phần tạo ra một môi trường có lợi ở Biển Đông".

Trong năm nay, ASEAN và Trung Quốc có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về COC ở Brunei vào tháng 2, ở Philippines vào tháng 5, ở Indonesia vào tháng 8 và ở Trung Quốc vào tháng 10, tập trung hoàn tất vòng rà soát thứ hai (vòng rà soát thứ nhất đã hoàn tất cuối năm 2019) văn bản dự thảo COC. Tuy nhiên, tất cả hoạt động này đã bị hoãn do đại dịch COVID-19.

Theo báo Jakarta Post, hiện ASEAN và Trung Quốc vẫn còn các bất đồng về những chi tiết của COC, bao gồm liệu có mang tính ràng buộc pháp lý hay không và liệu việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử này sẽ bị hạn chế nghiêm trọng về phạm vi hay không.

Viết trên báo Bangkok Post ngày 25-6, cựu phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai cũng đề cập nhiều tới vấn đề Biển Đông. 

Ông cho rằng đối thoại trong khu vực về vấn đề Biển Đông cần được tăng cường, đồng thời mong muốn thúc đẩy Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình và hợp tác.

Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị

Chiều 25-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh rằng là một hình mẫu của thế giới về kiểm soát thành công COVID-19 sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước và những thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy thương mại, tăng cường liên kết phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dự kiến trong phiên khai mạc sẽ có 300 khách mời quốc tế và trong nước tham dự, ngoài ra có hơn 200 phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp đưa tin.

D.AN

000_1u19r5 6(read-only)

Banner Hội nghị cấp cao ASEAN lần 36 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ở Hà Nội chụp ngày 25-6, một ngày trước khi diễn ra hội nghị - Ảnh: AFP

* GS Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc):

Uy tín Việt Nam tăng cao

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 đã nâng cao uy tín của Việt Nam trong vai trò lãnh đạo ở cương vị chủ tịch ASEAN, khi khu vực đang chiến đấu với virus corona chủng mới.

Những thành viên ASEAN đang vật lộn với dịch bệnh có thể học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam khi cùng hợp tác để đưa ra đối sách chung của khu vực.

Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến cùng dịch bệnh cũng trấn an các thành viên ASEAN khác rằng Việt Nam có thể cống hiến thời gian và năng lượng trong vai trò chủ tịch ASEAN, giúp các thành viên ASEAN lên kế hoạch phục hồi.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, việc tổ chức hội nghị trực tuyến đã giúp kéo các lãnh đạo ASEAN lại với nhau để thống nhất các chính sách chung.

Điển hình, nhờ vai trò chủ tịch của Việt Nam, hội nghị trực tuyến giữa các bộ trưởng y tế ASEAN đã diễn ra hồi tháng 4. Việt Nam cũng nhanh chóng tổ chức Hội nghị ASEAN+3 cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tiếp nhận các hỗ trợ từ bên ngoài cho nỗ lực chống dịch. Một hội nghị trực tuyến khác được tổ chức cùng Mỹ.

Việt Nam cũng đã mở Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức trực tuyến.

Đây là bước đầu quan trọng trong việc đảm bảo sự đồng thuận trên con đường phía trước, thông qua việc thiết lập quỹ COVID-19 để mua và chia sẻ vật tư y tế và các hỗ trợ khác.

* Ông James Borton (nhà nghiên cứu tại Trung tâm khoa học ngoại giao của Đại học Tufts, Mỹ):

Lợi thế lớn

Rõ ràng không còn gì để bàn cãi về cách lãnh đạo của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN.

Tôi tin rằng việc chống dịch tốt xuất phát từ sự minh bạch của Chính phủ trong quá trình trao đổi với người dân cũng như sự phản ứng nhanh của chính quyền về việc đóng cửa biên giới. Đại dịch đã trở thành một kẻ thù nữa bị Việt Nam đánh bại.

Với số ca nhiễm thấp và không có tử vong, cả vai trò chủ tịch ASEAN, đây là một lợi thế lớn để Việt Nam có thể giành sự ủng hộ từ các quốc gia khác cho chương trình nghị sự địa chính trị của riêng mình.

NHẬT ĐĂNG ghi

ASEAN 36 sẽ bàn về Biển Đông và COC, không lẩn tránh vấn đề quốc tế ASEAN 36 sẽ bàn về Biển Đông và COC, không lẩn tránh vấn đề quốc tế

TTO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng ngày 23-6 cho biết tại hội nghị ASEAN 36 sắp tới, ASEAN và Trung Quốc dự kiến bàn việc sớm nối lại các thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên