Việt Nam đã mất con tê giác cuối cùng Kỳ 1: Từng chung sống hiền hòa Kỳ 2: Từ dấu chân đến hình ảnh
Phóng to |
Tê giác Java, những gì còn lại - Ảnh: Đ.Tuyên |
Báo cáo của các tác giả Sarah Brook (WWF Việt Nam), Peter Van Coeverden de Groot (ĐH Queen, Canada) và Simon Mahood (WWF Việt Nam), Barney Long (WWF Mỹ) đã cho thấy bức tranh của câu chuyện dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn. Xin lược trích góc nhìn của những nhà khoa học quốc tế cũng như tiếng nói của người trong cuộc.
Nhiều loài đối mặt nguy cơ sẽ tuyệt chủng
Tháng 4-2010 vườn quốc gia Cát Tiên và WWF gửi 20 mẫu phân tê giác tới ĐH Queen để phân tích. Tính đa dạng trong các mẫu này cho thấy ít nhất có hai cá thể còn sống ở Cát Tiên trong thời gian 2003-2006. WWF và vườn quốc gia Cát Tiên đã tiến hành khảo sát sâu về loài tê giác Java một sừng từ tháng 10-2009 đến tháng 4-2010. Các chú chó nghiệp vụ từ nước ngoài đã được đưa về để tăng khả năng tìm ra các mẫu phân. Đội đã tìm kiếm trên diện tích 6.500ha với ba lần/tuần và mở rộng ra thêm 3.500ha nữa, dù khu vực này đã không có dấu hiệu của tê giác kể từ năm 1993.
WWF nhận định nạn săn bắt trộm có thể là nguyên nhân dẫn đến kết cục bi đát của loài vật này. Con tê giác cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam bị bắn vào chân. Khi người ta tìm ra thi thể nó, chiếc sừng đã bị lấy ra khỏi đầu. Sinh cảnh dành cho tê giác vốn từ diện tích 75.000ha khi tê giác được phát hiện tái xuất năm 1988, nay chỉ còn rộng chưa tới 30.000ha. Khốn khổ hơn, thực tế con vật chỉ còn không gian khoảng 6.500ha do các hoạt động của con người. Săn bắt trộm và mất sinh cảnh không phải là chuyện riêng ở vườn quốc gia Cát Tiên, mà là chuyện của cả nước Việt Nam. WWF cho rằng nguyên nhân là do thực thi pháp luật kém và các biện pháp bảo vệ nghèo nàn, cũng như quản lý khu vực kém hiệu quả. Báo cáo nhận định: “Do đó, Việt Nam đang đối mặt với thực tế hàng loạt các loài khác có nguy cơ tuyệt chủng”.
Vào thời Pháp thuộc, số tê giác vẫn còn nhiều ở Việt Nam, nhưng sau chiến tranh chống Pháp và Mỹ, với các dụng cụ săn bắn hiện đại hơn, số tê giác Java một sừng giảm mạnh và ít nhất 39 con đã bị giết ở khu vực rừng Cát Tiên từ 1957-1991. Năm 1989, các nhà nghiên cứu dự đoán ít nhất 10-15 cá thể sống ở khu vực Cát Tiên trên diện tích chưa tới 75.000ha, dựa trên quan sát thực địa, phỏng vấn người dân và quan chức. Tới năm 1999, các phân tích của WWF và rừng quốc gia Cát Tiên kết luận còn ít nhất bảy cá thể, và nhiều nhất tám cá thể tê giác ở Cát Lộc, sống trong diện tích khoảng 6.500ha. Dân số tăng nhanh, môi trường của tê giác bị thu hẹp, thay đổi, nguồn nước bị hạn chế... đều khiến cuộc sống của tê giác thay đổi lớn.
WWF khuyến nghị cần phải đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và tăng cường quản lý các khu vực cần được bảo tồn ở Việt Nam với sự hợp tác giữa các tổ chức bảo tồn và các khu vực cần được bảo tồn, để các loài khác không chịu chung số phận với tê giác Java.
Thế nhưng, theo WWF, một số khuyến nghị quan trọng của WWF đã không được thực thi ở thực tế. Báo cáo cho biết ví dụ như thời gian tuần tra ở khu vực Cát Lộc đã không như khuyến nghị, hay luật pháp không được thực thi khiến khả năng theo dõi các diễn biến bị hạn chế. Các biện pháp canh phòng đã được thống nhất với vườn quốc gia Cát Tiên, tiền được hỗ trợ và các đợt tuần tra được theo dõi bằng GPS, sau đó chuyển thông tin tới WWF. Tuy nhiên, những công việc này đã không được làm theo tiêu chuẩn yêu cầu. “Các dấu đường GPS khi tuần tra đã không được cung cấp cho WWF hằng tháng mà gửi trễ hơn vài tháng, khiến các chuyên gia rất khó theo dõi thực tế dự án đang được thực hiện ra sao”.
Cơ chế bảo vệ
Việc pháp luật không được thực thi trong thời gian từ năm 2009 đến đầu năm 2010 dĩ nhiên không thể là nguyên nhân khiến số lượng loài giảm và dẫn tới việc cá thể tê giác cô đơn còn lại ra đi, nhưng rõ ràng nó thể hiện những thách thức lớn khi đưa ra những cách bảo vệ rừng. Thiếu đi các cơ chế bảo vệ cơ bản cho tê giác và những loài khác ở Cát Lộc, nơi mà nạn săn bắt trộm cuối cùng đã khiến con tê giác chết. Vấn đề này không chỉ duy nhất ở Cát Tiên, nhưng thể hiện rõ nhất ở Cát Tiên do số lượng ít ỏi của tê giác Java hiện nay.
WWF cảnh báo thực tế này cho thấy (những bên có trách nhiệm) cần phải duy trì mức độ tối thiểu theo tiêu chuẩn về diện tích đi tuần, thời gian đi tuần và tần suất đi tuần để bảo vệ rừng, cũng như bảo vệ các loài có giá trị cao khác như hổ, voi, rùa...
Tê giác có lẽ là món hàng đắt giá nhất, với chiếc sừng trị giá tới 100.000 USD/kg. Ở khắp châu Phi và châu Á, những con tê giác bị săn đuổi vì sừng của mình.
Theo báo cáo, WWF khuyến nghị mỗi tháng kiểm lâm phải đi tuần ít nhất 16 ngày trên diện tích rộng, và cần các kỹ thuật khác nhau để hạn chế các nguy cơ đe dọa từ những tay săn có súng, chó, bẫy...
Các khuyến nghị cụ thể mà WWF đưa ra tại các khu vực đang có động vật gặp nguy hiểm gồm: tăng số nhân viên kiểm lâm được đào tạo để tuần tra ở các khu vực được bảo vệ; tăng ngân sách hoặc tái phân bổ ngân sách để đảm bảo đi tuần đủ; áp dụng tiêu chuẩn tuần tra của thế giới; thành lập hệ thống quản lý và các giám đốc, nhân viên phải chịu trách nhiệm đối với việc thực thi công việc được giao phó. (Có thể đọc thêm tại http://www.worldwildlife.org/who/media/press/2011/WWFBinaryitem24584.pdf)
Đó là quan điểm và cách nhìn của WWF về sự kiện này. Những khuyến cáo cũng đã được đưa ra, thế nhưng mọi việc đã quá trễ để cứu con tê giác...
Chúng tôi có là thánh cũng không bảo vệ được Chúng tôi cũng như anh em kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên có là thánh cũng không thể bảo vệ được những loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, khi mà nhu cầu sử dụng những sản phẩm từ thú quý hiếm của một số người có tiền, thậm chí của một bộ phận người có chức có quyền vẫn còn tồn tại. Việc tê giác Java - loài tê giác một sừng của Việt Nam - tuyệt chủng là một nỗi đau cho chúng tôi cũng như những người làm bảo tồn và người dân nói chung. Chúng ta đã không thể bảo vệ được cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam. Chúng tôi cũng phải có trách nhiệm khi để vụ việc này xảy ra. Tuy nhiên từ vụ việc tê giác một sừng bị tuyệt chủng, chúng ta cũng phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chúng tôi, Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân ra sức bảo vệ những loài thú quý hiếm còn lại. Tránh để những loài thú quý hiếm khác phải chung số phận bi thảm như tê giác Java. |
__________
Trên đây là câu chuyện bảo vệ tê giác ở Việt Nam, còn với thế giới, loài tê giác Java hiếm hoi còn lại đã được bảo vệ như thế nào?
Kỳ tới: Tê giác Java trong vòng bảo vệ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận