Vướng mắc về xác định nguồn gốc nhà đất giữa nguyên giáo viên và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, TP Vinh trải qua nhiều buổi đối thoại, giải quyết khiếu nại và thanh tra tỉnh vào cuộc nhưng chưa có hồi kết.
Học trò chen chúc trong ký túc xá tạm
Mới vào những ngày đầu hè tháng 4, cái nóng hầm hập khiến những phòng ký túc xá tạm của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An càng trở nên bí bức hơn.
Mỗi phòng ký túc xá ở đây rộng chưa tới 20m2, theo quy chuẩn sẽ có 8 người ở chung một phòng nhưng hiện tại mỗi phòng phải ghép 12 - 14 học sinh, thậm chí có những phòng có tới 20 em.
Các học sinh phải ngủ hai người trên một giường đơn, mỗi giường chỉ rộng từ 85 - 90cm. Đồ dùng sinh hoạt cá nhân các em xếp chồng lên nhau, quần áo giăng kín chiếm gần hết lối đi ở các tầng.
Thầy Trần Đình Huy - bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An - cho hay nhà trường có gần 800 học sinh, từ 11 huyện miền núi theo học.
Trước đây, các em ở trong hai dãy nhà được xây dựng từ 40 năm trước. Cuối năm 2023, để có mặt bằng xây dựng ký túc xá mới, một dãy nhà cũ bị đập bỏ.
"Nhà trường cũng tính đến phương án tìm vị trí khác thuê cho học sinh. Tuy nhiên, phương án thuê ngoài gặp nhiều bất cập như ăn ở, sinh hoạt và quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn", thầy Huy nói và cho biết vì vậy nhà trường đành cho tất cả học sinh ở lại trường, mặc dù phải đối mặt nhiều bất cập khi các em ở ghép phòng chật chội.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Dự án xây dựng ký túc xá 5 tầng mới của Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An có tổng mức đầu tư trên 62 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024 - đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường.
Tuy nhiên, mới thi công xong phần móng công trình gặp gián đoạn với lý do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vào tháng 6-2006, hiệu trưởng nhà trường lúc đó là ông Nguyễn Đậu Trương ký hợp đồng cho 5 thầy cô mượn nhà ở khu tập thể cán bộ giáo viên do các thầy cô có thời gian công tác lâu năm, nhưng khó khăn về nhà ở.
Trong hợp đồng nêu điều kiện thời gian sử dụng cho đến khi nào nhà trường có nhu cầu thì báo trước ít nhất là 12 tháng để các gia đình thầy cô tìm chỗ ở mới.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An - cho biết năm 2019 khi có chủ trương xây dựng ký túc xá mới cho học sinh, nhà trường đã mời đại diện gia đình các giáo viên mượn nhà (có người nghỉ hưu, có người đã mất - PV) họp, đề nghị các thầy cô sắp xếp tìm chỗ ở khác.
"Sau cuộc họp, các thầy cô xin thời hạn 3 năm để chuyển đi nơi khác nhưng đến nay vẫn còn hai gia đình chưa trả lại mà có đơn thư gửi các cấp với nội dung cần xem xét việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng; xác định lại nguồn gốc đất", cô Hoa nói.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Kỳ - 77 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ sử địa - cho hay gia đình đã trả lại nhà ở tập thể cho nhà trường và bỏ tiền xây nhà ở trên diện tích đất 78m2 trên nền đất của nhà trường cho cộng đất khai hoang, xin thêm hộ dân bên cạnh ổn định từ năm 2006 đến nay.
"Nguyện vọng của gia đình là nếu Nhà nước thu hồi thì phải giải quyết đền bù tài sản nhà ở trên đất và xem xét chỗ ở mới chứ không thể đẩy tôi ra đường được", ông Kỳ kiến nghị.
Không đủ điều kiện được bồi thường
Tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2-2024 của UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An - cho hay khu tập thể Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là một phần diện tích của khu đất được UBND tỉnh cho phép trường sử dụng có nguồn gốc từ năm 1984, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 11.200m2.
Căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2013 và kết quả kiểm tra, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới một số hạng mục công trình của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thì Nhà nước không thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cũng tại buổi tiếp công dân này, ông Nguyễn Đức Trung - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đề nghị UBND thành phố Vinh căn cứ vào quyết định số 78 của UBND tỉnh, xem xét hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ, nếu đủ điều kiện thì cấp đất cho ông theo hình thức định giá, đảm bảo thấu tình, đạt lý.
Ông Kỳ là giáo viên giỏi tỉnh nhiều năm, có Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận