26/07/2022 08:02 GMT+7

Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Yêu thương hòa bình giữa 'vườn chiến tranh'

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - 'Vườn ký ức chiến tranh' là khu vườn đặc biệt với hàng chục loại vỏ bom đạn sót lại từ thời chiến mà cựu binh hải quân Trần Văn Quận đã dày công tạo nên giữa quê nhà ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Yêu thương hòa bình giữa vườn chiến tranh - Ảnh 1.

Nhiều trường cho học sinh đến tham quan khu vườn ký ức chiến tranh để biết yêu thương, trân trọng hòa bình - Ảnh: L.T.

Từ ngày khu vườn đặc biệt ra đời, nhiều người đã đến xem tận mắt những trái bom từng là nỗi chết chóc thời chiến. Nhưng ông Quận không tạo khu vườn này chỉ để nói về chiến tranh. 

Điều vị cựu binh muốn gieo vào lòng người đến đây là hiểu chiến tranh, để trân trọng giá trị hòa bình. Bởi chính ông cũng là người từng trải đau thương khi nhà bị thả bom trúng làm ông nội chết, anh trai bị thương...

Khu vườn ký ức chiến tranh

Ông Quận tuổi đã 50 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Khi chúng tôi đến, ông cùng anh trai Trần Văn Hoan đang lúi húi tháo một phần cánh máy bay đã hoen gỉ mà ông vừa sưu tầm được từ lưới đánh cá ngư dân vùng biển Hải Ninh.

Ông cẩn thận dò từng dòng chữ còn rõ trên phần cánh này và gõ lên mạng Internet để tìm thông tin nguồn gốc chiếc máy bay rơi. "Ít nhất phải mất vài ngày nữa khi gỡ hết các bộ phận của phần cánh này ra mới tìm được nguồn gốc. Nhưng tìm được nó đã là quá may mắn. Ít nhất khu vườn của tôi có thêm một hiện vật. Rất có thể hiện vật này lại có liên quan đến những hiện vật khác đã có trong vườn", ông Quận nói.

Khu vườn mà ông Quận nói nằm phía sau gian nhà ông ở, rộng khoảng 300m2. Ông nói vườn này ông cũng "trồng" rất nhiều quả, nhưng là loại "quả" khác với rau quả vườn quê thông thường.

Bước qua lối dẫn đến khu vườn, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là khu vườn không khác gì một bảo tàng chiến tranh. Ở ngay lối đi dọc theo phía hàng rào là một dãy những vỏ bom MK82 được "trồng" thành hàng thẳng theo lối đi. 

Mỗi quả bom được ông Quận lắp trên một chốt sắt gắn với trụ bêtông được chôn sâu xuống đất nên dù cao khoảng 1,5m nhưng khi dùng tay đẩy vào quả bom vẫn có thể xoay nghiêng một góc 45 độ mà vẫn đứng vững chãi. 

Sát bên hai hàng bom này là một cụm gồm 4 quả bom từ trường có tầm cao tương tự nhưng trên đầu có một mâm xòe như cánh quạt đã được trồng dựng đứng.

Ở chính giữa khu vườn là vỏ quả bom MK84 nặng đến 1 tấn được đánh giá là có sức hủy diệt lớn trong các dòng bom Mỹ thả xuống chiến trường Việt Nam. Còn ngay góc sát ngôi nhà là những vỏ bom M117. Điều đặc biệt là những vỏ bom M117 này được ông Quận cho phần đầu cắm sâu xuống đất hơn nửa mét chứ không gắn vào chốt để xoay như những loại bom khác. 

"Ngày xưa khi chiến tranh, những quả bom thả xuống có nhiều tư thế khác nhau khi chạm đất. Cũng có những quả cắm xuống đất mà không nổ và quanh đó người dân vẫn vừa đánh giặc vừa sản xuất bình thường", ông Quận giải thích.

Ngoài các trái bom, ông Quận còn dành một góc trong vườn để đặt các loại vỏ đạn lớn nhỏ. Ông Quận gọi khu vườn với hàng trăm vỏ bom đạn đủ các loại của mình là khu vườn ký ức chiến tranh. Ký ức ám ảnh nhất với ông là trận bom năm 1972. 

"Đó đã là lúc quê tôi sắp giải phóng. Nhưng nhà tôi bị một quả bom rơi trúng. Ông nội tôi hy sinh, anh trai thứ ba của tôi bị thương nặng. Xóm làng nhiều nơi cũng tan tác vì đạn bom", ông kể và nói đó là điểm bắt đầu của khu vườn "trồng" đầy các loại bom đạn này.

Đến tuổi thanh niên, ông vào phục vụ trên tàu chiến hải quân. Ông được học về nhiều loại bom đạn. Hình hài về khu vườn ký ức lại trở nên rõ ràng hơn trong tâm niệm của ông. Năm 2018, trở về quê hương sau hơn 6 năm phục vụ trong quân ngũ và gần 8 năm bôn ba ở TP.HCM, ông bắt tay vào xây dựng vườn ký ức chiến tranh.

Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7: Yêu thương hòa bình giữa vườn chiến tranh - Ảnh 2.

Sau đạn bom, hoa và sự sống vẫn nảy mầm - Ảnh: QUỐC NAM

Để biết trân trọng, gìn giữ hòa bình

Nhà ông Quận ở cách nghĩa trang liệt sĩ xã Hàm Ninh chỉ vài chục bước chân. Không phải bà con thân thích nhưng hằng tháng hai vợ chồng ông đều coi việc hương khói cho liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây là trách nhiệm thiêng liêng. Bởi ông hiểu rõ những đau thương của chiến tranh bom đạn. Từ những hy sinh đó ông càng ý thức được giá trị của hòa bình. 

Và khu vườn là nơi ông muốn gửi gắm thông điệp về giá trị này - nhìn vũ khí chiến tranh để biết trân trọng hòa bình.

Ông Quận dành cả năm trời rong ruổi khắp các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên. Cứ nơi nào có tiệm thu mua phế liệu là ông tìm tới. Ông bỏ số tiền dành dụm được để mua những vỏ bom đạn thời chiến đã rỗng ruột. Nhiều vỏ bom đạn không còn nguyên vẹn ông cũng đem về. 

Suốt từ sáng đến tối, ông cặm cụi mài giũa, tạo hình thành quả bom nguyên vẹn để "trồng" trong khu vườn ký ức chiến tranh của mình. "Ở đây không phải chỉ có đam mê. Cái lớn nhất tôi muốn là biến khu vườn này thành một cầu nối giữa những người của thế hệ sau này với lịch sử", ông tâm niệm.

Khu vườn được ông xây dựng chưa lâu nhưng đã nhiều lần đón người dân trong vùng đến xem. Và điều ông vui mừng nhất là có nhiều trường học trong vùng khi nghe tin về khu vườn đã đưa học sinh đến tham quan. Ông cũng luôn sẵn lòng mở rộng cửa đón các đoàn đến tham quan miễn phí.

Mỗi lần đón các em, ông Quận lại mặc đồ bộ đội, thuyết trình về những quả bom và câu chuyện lịch sử xoay quanh đó. Ông khuyến khích các em chạm tay vào những vỏ bom, quả đạn như cách để chạm vào lịch sử. Những kỷ vật này để nhắc nhở thế hệ trẻ về những hy sinh của cha ông cho nền hòa bình, thống nhất đất nước. Ông cũng hướng dẫn cho các em cách nhận diện và phòng tránh các loại bom mìn sát thương nếu gặp ở bên ngoài.

"Bom đạn là mất mát, đau thương. Sau này, thế hệ trẻ lớn lên sẽ nhìn những chứng tích này để biết nỗi đau của chiến tranh. Từ nỗi đau này, các em mới biết giá trị của hòa bình để mà gìn giữ", ông Quận nói.

Cầu nối lịch sử

Ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, nói khu vườn ký ức này là một mô hình rất có ý nghĩa, có thể lưu truyền lại sau này cho thế hệ trẻ những hình dung sinh động về cuộc chiến tranh vệ quốc của cha ông.

"Khu vườn này cho chúng ta hình dung về một thời bom đạn chiến tranh ác liệt mà hào hùng. Thế hệ trẻ được xem những kỷ vật này sẽ hiểu nhiều hơn về các bài học lịch sử trong sách giáo khoa", ông Phương chia sẻ.

Thủ tướng làm việc với các đơn vị giám định ADN hài cốt liệt sĩ

Chiều 25-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc với các đơn vị giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin gồm: Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc phòng; Viện Pháp y quốc gia, Bộ Y tế và Viện Công nghệ sinh học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động, ám ảnh về niềm hạnh phúc của một mẹ Việt Nam anh hùng ở Nghệ An khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh; cũng như nỗi mỏi mòn ngóng chờ của mẹ trước lúc ra đi khi một người con nữa của mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt.

"Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin con qua "giấy báo tử". Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy những thông tin trên tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân", Thủ tướng xúc động.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ công bố kết quả giám định ADN các liệt sĩ; cùng đại diện các bộ, ngành trao kết quả giám định ADN cho 12 gia đình liệt sĩ; trao sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng/sổ và quà tặng các gia đình liệt sĩ.

TTXVN

Thủ tướng: Hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau Thủ tướng: Hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau

TTO - Chiều 25-7, làm việc với các cơ quan được giao nhiệm vụ giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Thủ tướng nói hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở của những người còn sống.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên