Phóng to |
Một buổi diễn trước cửa rạp Thầy Năm Tú xưa - Ảnh: Sơn Lâm |
Do sở đã giao mặt bằng rạp hát cho nhà thầu trùng tu, nâng cấp để bảo tồn nên buổi diễn này được tổ chức phía trước cửa rạp, trên đường Lý Công Uẩn. Một sân khấu dã chiến nho nhỏ và tấm phông sân được dựng lên có vẻ tạm bợ gợi cho người xem nhớ những gánh hát đơn sơ về vùng sâu, vùng xa khoảng 30 năm trước nhưng luôn đông nghịt người xem.
Thăng trầm rạp hát Thầy Năm Tú
Ông Nguyễn Huỳnh Anh, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang, là người đề xướng và cũng là người được giao cầm trịch hoạt động này nhằm mục đích giữ cho sân khấu cải lương đầu tiên ở VN vẫn luôn sáng đèn phục vụ công chúng. Ông cho biết khoảng thập niên 1950, thầy Năm Tú bán lại rạp hát cho chủ tiệm vàng Phước Tín đối diện rạp hát. Ông chủ mới Phước Tín đã cho xây dựng một vòng cung cao ở mặt trước của rạp, gắn biển mới là hí viện Vĩnh Lợi. Mái ngói bị mục nát nên được lợp lại bằng tôn cho đến ngày nay. Trong một thời gian dài, hí viện Vĩnh Lợi vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn, vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng.
Trùng tu rạp hát và nhà Bạch công tử Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Rạp hát Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chấp thuận làm hồ sơ xem xét chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Việc trùng tu rạp hát, cùng với việc trùng tu nhà của Bạch công tử ở P.3, TP Mỹ Tho thành điểm du lịch cũng là một trong những nội dung của đề án xây dựng, bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương ở Tiền Giang”. |
Sau ngày đất nước thống nhất, ông chủ tiệm vàng Phước Tín đi định cư nước ngoài. Hí viện Vĩnh Lợi được Ty Văn hóa - thông tin Tiền Giang quản lý và đổi tên thành rạp hát Tiền Giang. Đến năm 1981 rạp được trùng tu lại toàn bộ. Thời gian này cũng là thời điểm cực thịnh của nghệ thuật cải lương. Tại rạp hát luôn có mặt những tài danh sân khấu như Thanh Nga, Út Bạch Lan biểu diễn nên trở thành điểm đến lý tưởng nhất của người dân Mỹ Tho.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, cho biết khoảng đầu thập niên 1990 số người mê cải lương ít dần do xuất hiện nhiều loại hình giải trí khác. Rạp hát hầu như bỏ không và xuống cấp trầm trọng. UBND tỉnh đã giao Đài Phát thanh - truyền hình Tiền Giang xây dựng phim trường nhưng không có vốn nên trả lại. Sau đó tỉnh giao UBND TP Mỹ Tho quản lý, đầu tư một dự án nào đó. Tuy nhiên cũng vì thiếu vốn mà thành phố chưa làm ngay. Năm 2011 Sở VH-TT&DL lập đề án bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật cải lương và đề nghị tỉnh giao lại rạp hát này. Sở giao cho Hội Văn học nghệ thuật lập kế hoạch tổ chức biểu diễn cải lương hằng tháng để giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo cải lương và để giữ cho sân khấu Thầy Năm Tú xưa vẫn sáng đèn. Hội đã chọn ngày 20 hằng tháng để tổ chức biểu diễn ca cổ, cải lương... Từ đó đến nay sân khấu này luôn sáng đèn đúng vào ngày 20, bất kể trời mưa bão hay sáng trăng. Số lượng khán giả đến xem cải lương ngày càng nhiều, từ người già đến thanh niên. Thậm chí nhiều buổi diễn chúng tôi còn bắt gặp người nước ngoài đến xem. Cuối năm 2013 chúng tôi tình cờ gặp ông Robert Nugier (người Pháp) cùng vợ là người quê gốc ở Tiền Giang đến xem cải lương rất chăm chú. Ông bảo nghe vợ nói ở Tiền Giang có rạp hát cải lương gần 100 tuổi và cải lương là nghệ thuật độc đáo của người dân quê vợ nên đòi đến xem cho biết.
Lúc tiếp nhận lại rạp, bên trong gần như là một đống hoang tàn. Phải mất một thời gian dọn dẹp, tu sửa sơ sài, những buổi biểu diễn không vé vào ngày 20 hằng tháng của ông Huỳnh Anh cùng các nghệ sĩ cải lương mới được suôn sẻ. Trước tết Giáp Ngọ 2014, kế hoạch trùng tu tổng thể rạp hát được duyệt, nhà thầu đóng cửa rạp hát để chuẩn bị thi công, ông Huỳnh Anh mới quyết định dọn ra ngã ba đường trước rạp để tiếp tục tổ chức.
Phóng to |
Ngôi nhà của Bạch công tử nay là Phòng thông tin văn hóa TP Mỹ Tho - Ảnh: V.TR. |
Giữ nghiệp trăm năm
19g30, tiếng đàn guitar phím lõm bắt đầu nổi lên vang vọng cả một khu vực chợ Mỹ Tho. Những Mỵ Châu - Trọng Thủy, những Thạch Sanh - Nguyệt Nga sống động lần lượt cất lên tiếng ngân nga ngọt ngào. Cả trăm người ngồi ngay ngã ba đường Nguyễn Huệ - Lý Công Uẩn hướng mắt về phía sân khấu dã chiến “ngấu nghiến” từng lời ca, tiếng đàn. Giữa ngã ba đường, những nghệ sĩ cải lương cùng khán giả như hòa vào nhau, chia sẻ niềm vui được hát và được thưởng thức nghệ thuật dân tộc gần gũi đã được những nghệ sĩ thiên tài Phùng Há, Bảy Nam, Năm Phỉ, Năm Châu phát triển thành loại hình nghệ thuật đỉnh cao lấy biết bao nước mắt, nhưng cũng đem tới bao nhiêu cảm xúc cho người dân Nam bộ.
“Những nghệ sĩ tham gia biểu diễn ở rạp Thầy Năm Tú xưa thuộc câu lạc bộ đờn ca tài tử và cải lương Tiền Giang, cũng như nghệ sĩ đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về. Họ đều là những nghệ sĩ chuyên nghiệp”, ông Huỳnh Anh cho biết. Kinh phí một đêm diễn không quá 5 triệu đồng nên việc biểu diễn hằng tháng tại rạp Tiền Giang gần như không có thù lao. Có chăng chỉ hỗ trợ tiền xăng xe cho nghệ sĩ ở xa về Mỹ Tho biểu diễn. Ông Huỳnh Anh cũng là một soạn giả có tên tuổi trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Phần lớn những đoạn tuồng biểu diễn tại đây đều do ông sáng tác không lấy thù lao. Ông cũng kiêm luôn công việc của một đạo diễn từ viết chương trình đến tập dượt cho diễn viên trước khi biểu diễn.
Cởi bộ trang phục Trọng Thủy vừa biểu diễn xong tuồng cải lương, diễn viên Minh Tuấn gấp một cách cẩn thận cất vào túi xách để chuẩn bị cho tiết mục vọng cổ mới. Anh tâm sự: “Một bộ đồ diễn giờ mấy triệu đồng, tụi tui phải giữ để biểu diễn nhiều lần. Được diễn ngay chính trên sân khấu của những giọng ca lừng lẫy từng khiến mình theo nghiệp cải lương là cả một niềm tự hào”. Diễn viên Ngọc Hiền đứng bên cạnh tiếp lời: “Cái nghiệp cải lương đã thấm vào người thì được diễn là nhất rồi”. Họ là những giọng ca trưởng thành từ Câu lạc bộ đờn ca tài tử và cải lương Tiền Giang. Với các diễn viên này, việc diễn hằng tháng ở rạp hát gần trăm năm tuổi cũng là một cách để tạ ơn với tổ nghề.
Bà Nga (60 tuổi, người dân ở P.10, TP Mỹ Tho) tâm sự: “Tôi mê cải lương cũng từ rạp hát này ngày xưa. Giờ già rồi nhưng ngày 20 tháng nào cũng tranh thủ đi gần 10 cây số đến đây xem hát cải lương”. Với những người yêu cải lương như cô Nga, sẽ không có bất cứ dàn âm thanh, hình ảnh hiện đại nào có thể sánh được với không khí của những buổi biểu diễn cải lương gần gũi mà sống động như tại rạp hát Thầy Năm Tú xưa. Hiểu được mong muốn của người dân, ông Huỳnh Anh quả quyết: “Chúng tôi sẽ tổ chức đúng kế hoạch ngay bên ngoài cửa rạp để giữ không khí và tạo thói quen cho người dân. Khi nào trùng tu xong, rạp hát mở cửa trở lại sẽ có một nơi rất đàng hoàng, lịch sự để chào đón những người yêu nghệ thuật cải lương đến xem những nghệ sĩ nổi tiếng, những giọng ca trẻ đầy triển vọng biểu diễn những vở cải lương bất hủ mấy chục năm trước”.
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Ban nhạc tài tử Mỹ Tho đi Tây Kỳ 2: Rạp Thầy Năm Tú và vở diễn đầu tiên Kỳ 3: Gánh hát toàn là phụ nữ Kỳ 4: Bạch công tử và cô đào Phùng Há Kỳ 5: Thầy Năm Châu Kỳ 6: Năm Phỉ và những vai diễn huyền thoại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận