05/03/2014 10:35 GMT+7

Ban nhạc tài tử Mỹ Tho đi Tây

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Theo GS.TS Trần Văn Khê, cải lương được sinh ra từ ca ra bộ, mà ca ra bộ được hình thành từ nghệ thuật đờn ca tài tử. Có một câu chuyện thú vị là ca ra bộ chỉ ra đời sau khi ban nhạc tài tử đầu tiên của VN được mời sang Pháp biểu diễn cách đây hơn 100 năm.

Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) được xem là nơi khai sinh nghệ thuật cải lương. Ngày 15-3-1918, tức cách đây tròn 96 năm, vở cải lương đầu tiên đã trình làng. Và cũng ở vùng đất cây lành trái ngọt đã sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh cho sân khấu cải lương. Tìm về quá khứ, chúng tôi phát hiện thêm nhiều câu chuyện thú vị mà có lẽ chưa nhiều người biết.

rL5YzRmG.jpg
Ban nhạc tài tử Tư Triều tại Marseille năm 1906 - Ảnh: tư liệu

Bước ngoặt Marseille

Những năm đầu thập niên 1900 ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) rất nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Tiếng đờn kìm Tư Triều càng ngày càng hay. Ông Diệp Văn Cương - một trí thức có tiếng thời ấy - đã dùng những mỹ từ để nói về Tư Triều: “Sau khi tôi nghe Tư Triều đờn kìm và tiếng đờn tì bà của ông Năm Diệm thì tôi không muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác”. Ông Pierre Châu Văn Tú (còn gọi là thầy Năm Tú) là chủ rạp chiếu bóng ở Mỹ Tho mời ban nhạc của ông Tư Triều cộng tác, đờn ca tài tử trước khi chiếu phim nhằm mục đích câu khách. Cũng vì sự nổi tiếng này mà ban nhạc tài tử của ông Tư Triều được mời đi Pháp biểu diễn.

Trong quá trình tìm hiểu về sự kiện này, chúng tôi đã tiếp cận khá nhiều tư liệu. Phần lớn đều viết ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp năm 1910 hoặc 1911. Còn điểm đến ở Pháp là thủ đô Paris. Với những tư liệu chúng tôi có được, những chi tiết đó không chính xác.

Tại hội thảo về cải lương tổ chức ở Tiền Giang ngày 18-1, TS Mai Mỹ Duyên cũng khẳng định các tư liệu hình ảnh mới tìm thấy đã “đính chính” thời điểm ban nhạc tài tử của ông Tư Triều sang Pháp: năm 1906. Ban nhạc này biểu diễn tại hội chợ đấu xảo cho các nước thuộc địa tổ chức ở TP cảng Marseille từ ngày 15-4 đến 15-11-1906. Hình ảnh chụp gần 100 năm nhưng vẫn rất rõ nét cho thấy ban nhạc đứng bên căn nhà gỗ được mang từ VN sang Pháp lắp đặt.

Ban nhạc có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp biểu diễn với các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Điểm đặc biệt của ban nhạc tài tử Tư Triều trong thời gian ở Pháp là được nhà tổ chức đưa lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem chứ không phải ngồi dưới sân khấu đờn hát cho khán giả nghe như ở VN.

Khi về nước, ông Tư Triều kể lại sự việc ban nhạc của ông được người Pháp cho xuất hiện trước công chúng một cách rất trịnh trọng và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Thầy Năm Tú thấy có thể áp dụng cách này được bèn đưa hẳn ban nhạc đờn ca tài tử lên sân khấu của rạp chiếu bóng của mình trình diễn. Cái màn bạc dùng làm phông, giữa sân khấu có lót một bộ ván. Đến lượt ai ca thì người đó đứng trên bộ ván, trình diễn một bài ca và có ra điệu bộ để minh họa. Vì có thêm yếu tố diễn xuất nên các bài ca thu hút thêm người xem hơn trước. Hồi ký của cụ Vương Hồng Sển xác nhận việc này như sau: “Trước năm 1915, chưa có tỉnh nào dám đưa đờn ca lên diễn trên sân khấu công khai. Tỉnh khởi đầu việc này có lẽ là tỉnh Mỹ Tho, vì danh tiếng không thua Sài Gòn. Và dàn đờn tài tử ra đờn cho công chúng đi xem hát bóng thưởng thức chờ quay phim, y như giáo đầu tuồng bên hát bội, là dàn đờn của ông Tư Triều ở Mỹ Tho”.

wElPqCRH.jpg
Một ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Ca ra bộ

Hồi ký 50 năm mê hát của cụ Vương Hồng Sển và quyển Sân khấu VN của học giả Trần Văn Khải đều đề cập chuyện sau khi đi Pháp về, ông Tư Triều có nhận lời mời của ông chủ khách sạn Minh Tân (nằm cạnh ga xe lửa Mỹ Tho, bây giờ là khu vực công viên Lạc Hồng, TP Mỹ Tho) và thầy Năm Hộ (chủ rạp chiếu bóng Casino ở Mỹ Tho) đưa ban nhạc tài tử đến biểu diễn hằng tuần. Ở khách sạn Minh Tân diễn cho khách thưởng thức, còn ở rạp Casino diễn trước khi chiếu phim.

Học giả Trần Văn Khải kể về thời kỳ đầu của đờn ca tài tử được đưa lên sâu khấu từ “hiệu ứng Marseille” thế này: “Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh Mỹ Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm phông, kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang”. Tuy nhiên với ban nhạc tài tử của ông Tư Triều thì khác.

Cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán nhan đề Bùi Kiệm-Nguyệt Nga một mình cô diễn xuất vai của ba nhân vật: Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga rất duyên dáng: “Kiệm từ khi thi rớt trở về/ Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề/ Cũng tại mầy ham bề vui chơi/ Kiệm thưa: Tài bất thắng thời/ Con dễ nào không lo bề công danh/ Tuổi con còn xuân xanh/ Ơn cha mẹ chưa đền/ Bùi Ông nghe/ Tiếng nỉ non vuốt ve khuyên Kiệm/ Thôi con ở nhà, đặng khuya sớm với cha”. TS Mai Mỹ Duyên cho rằng ban nhạc tài tử của ông Tư Triều đi Pháp biểu diễn đã học hỏi được phong cách trình diễn âm nhạc mới mẻ, tiến bộ của các nước trên thế giới. Khi về VN, ban nhạc này áp dụng theo nên đã làm thay đổi phong cách biểu diễn, với cách thức trình diễn gần gũi với công chúng hơn.

Thời ấy người ở các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá... muốn đi Sài Gòn đều phải ghé ga xe lửa Mỹ Tho nghỉ một đêm rồi sáng hôm sau đi xe lửa lên Sài Gòn. Trong số du khách ấy có ông Tống Hữu Định (còn gọi là Phó Mười Hai) ở Vĩnh Long, là người rất hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho nghỉ chân, ông đi xem hát và được nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán nói trên. Lúc này cô không ngồi chung dàn nhạc ca như trước mà đứng riêng. Sau khi trở về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định nảy ra ý tưởng cho các tài tử ca ở nhà mình đứng trên bộ ván ca và có ra điệu bộ minh họa. Thay vì một tài tử ca đóng vai ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga như ban nhạc tài tử của ông Tư Triều làm ở Mỹ Tho, ông Tống Hữu Định phân vai cho mỗi người ca và diễn xuất một nhân vật. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, khoảng năm 1915-1916.

Bài Tứ đại oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga là tác phẩm ca ra bộ đầu tiên của ông Trương Duy Toản. Nó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp - một yếu tố cho điệu cải lương sau này. Ông Trương Duy Toản có bút danh là Mạnh Tử (1885-1957), từng bôn ba ở nước Pháp, là cây bút tài hoa về văn chương, báo chí, về sau là tác giả của những vở cải lương đầu tiên như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha. Từ lớp Tứ đại oán ca ra bộ mà một số nơi đã thử nghiệm, ông Toản phát triển thêm bài bản và lời ca đối đáp cho từng nhân vật.

Năm 1916 Lê Văn Thận (André Thận, chủ hãng tàu người Sa Đéc) đã thành lập gánh xiếc và ca nhạc Tân Nam Việt (Cirque Jeune Annam) chính thức trưng biển quảng cáo ca ra bộ như sau: “Gánh hát Thầy Thận. Ca ra bộ. Các diễn viên của gánh gồm có Bảy Thông, Tám Cang, Tư Hương, Hai Cúc, Năm Thoàng, Hai Biêu, Ba Vui ca toàn những bài lớn như sáu bài Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản và ba bài Nam: Đảo ngũ cung, Nam xuân, Nam ai”. Hình thức ca ra bộ dần đạt đến đỉnh cao, nhiều người ca diễn gọi là hát chập. Đây mới là tiết mục sân khấu, là sự thai nghén chuẩn bị cho sự ra đời của sân khấu cải lương.

___________

Kỳ tới: Rạp thầy Năm Tú và vở diễn đầu tiên

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên