Kỳ 1: Ban nhạc tài tử Mỹ Tho đi Tây Kỳ 2: Rạp Thầy Năm Tú và vở diễn đầu tiên
Phóng to |
Gánh hát Đồng Nữ Ban - Ảnh: Tư Liệu |
Mặc dù chỉ tồn tại hai năm nhưng đã gây khiếp sợ cho thực dân Pháp nên chúng buộc phải thẳng tay đàn áp, bắt bớ.
Hát cải lương để làm cách mạng
Ông Trần Văn Khê kể khi gánh hát Đồng Nữ Ban được thành lập thì ông đã 5-6 tuổi. Lúc đó ông cũng khá rành rẽ về nhạc tài tử bởi gia đình ông từ ông nội đến cha, mẹ, cô của ông ai cũng am tường âm nhạc và nổi tiếng thời bấy giờ. Khi gánh hát ra đời thì công chúng mới “chưng hửng” vì diễn viên toàn phụ nữ và không có ai là đào kép rành nghề. Đặc biệt hơn là lập ra không phải với mục đích mưu sinh mà để làm cách mạng, giúp khơi dậy tấm lòng yêu nước của người Việt qua tuồng tích. Một gánh cải lương có kỷ luật như trường nội trú, đòi hỏi diễn viên không phải chỉ biết hát mà còn phải có văn hóa. Sau khi trang trải tất cả chi phí, tiền lời dùng để giúp những nhà cách mạng
Nhiều tài liệu ghi tên bà Ba Diện là Viện. Thế nhưng ông Khê quả quyết tên đúng của cô ông phải là Diện. Bà Ba Diện là một nhạc sĩ, nghệ sĩ đa tài. Tiếng đàn của bà rất độc đáo, điêu luyện nhất là ngón đàn tì bà và đàn tranh nên được nhiều người mến mộ. Bà có chồng là con một ông phán mê nhạc ở Mỹ Tho, hơn năm sau có con nhưng chỉ nuôi được ba tháng thì mất. Không lâu sau chồng bà cũng mất nên gia đình chồng cho bà trở về quê Vĩnh Kim. Vì buồn nên bà lên Sài Gòn dạy nữ công gia chánh ở Trường Áo Tím nữ học đường (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Tại đây bà tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ của các nhà yêu nước nên sớm giác ngộ tư tưởng của các nhà cách mạng đấu tranh chống thực dân Pháp. Năm 1926 bà Ba Diện đưa học sinh đi dự đám tang cụ Phan Chu Trinh nên bị nhà trường đuổi việc. Trở về quê, bà được gặp và giúp đỡ ông Nguyễn An Ninh khi ông tới Vĩnh Kim hoạt động cách mạng. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ VN thanh niên cách mạng đồng chí hội Mỹ Tho được thành lập. Sau đó chi bộ Vĩnh Kim cũng ra đời và chỉ đạo thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban để làm cách mạng.
Theo hồi ký của bà Trần Thị Ới (diễn viên của gánh hát) viết ngày 23-3-1976 được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, gánh hát Đồng Nữ Ban ra đời nhằm nhiều mục đích chứ không đơn thuần là hát. Đó là nơi tập hợp, vận động quần chúng đấu tranh công khai và hợp pháp trên sân khấu chống lại chế độ thực dân Pháp. Đó cũng là nơi biểu thị tinh thần bất khuất của nữ giới, phụ nữ có tài không kém đàn ông, nam nữ bình quyền và bình đẳng đúng như câu: “Hai vai gánh nặng sơn hà, Làm cho rỡ mặt đàn bà VN”. Gánh hát có khoảng 30 chị em tuổi từ 17-21 (cá biệt bà Hà Thị Lan gia nhập đoàn khi mới 13 tuổi và sau này trở thành một cán bộ lãnh đạo ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Nữ đóng vai nam mà khán giả không biết
Ông Trần Văn Khê kể: tại gánh hát Đồng Nữ Ban, các diễn viên được đào tạo về nghề nghiệp, nhưng bắt buộc phải học văn hóa như những học sinh trường trung học. Ngoài ra còn học võ thật sự với một người thầy võ Bình Định để diễn các vai có múa võ, đi quyền. Thời khóa biểu tập luyện và sinh hoạt rất chặt chẽ trong cả tuần. Các diễn viên phải tuân theo kỷ luật được đặt ra như trong nhà thì mặc áo bà ba nhưng khi ra đường (đến rạp hát, đi chợ) phải mặc áo dài tím như nữ sinh Trường Áo Tím nơi bà Ba Diện từng dạy. Tóc chị em diễn viên phải bỏ xõa và kẹp sau lưng. Diễn viên sống chung với nhau và theo thời khóa biểu như những học sinh nội trú: ăn, ngủ, học văn hóa, ca, múa, võ thuật...
Bà Trần Thị Ới được giao nhiệm vụ quản lý gánh hát nên nhớ rõ sự phân vai trong vở Giọt lệ chung tình - vở ra mắt của đoàn. Chị Nhuận đóng vai Võ Đông Sơ, chị Hà Thị Lan đóng vai Triệu Dõng, chị Lợi đóng vai Bạch Thu Hà, chị Trần Thị Tước đóng vai hề đồng. Sau khoảng sáu tháng tập luyện tại Vĩnh Kim, giữa năm 1928 gánh hát Đồng Nữ Ban ra mắt vở tuồng đầu tiên tại cầu Bà Lung, xã Vĩnh Kim được người dân hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ trong một đêm gánh hát thu được 270 đồng, một số tiền rất lớn thời điểm đó. Điều làm cho khán giả lúc đó cảm phục là các vai kép trong vở tuồng đều do diễn viên nữ đóng nhưng người ngoài không hề biết vì diễn rất hay, rất giống đàn ông. “Nhiều người không tin nên tò mò vạch phòng hóa trang hoặc đón ở cửa để nhìn tận mặt xem các vai kép vừa trên sân khấu bước xuống là đàn ông hay phụ nữ”-bà Ới kể.
Theo quy định của chính quyền thực dân, mở đầu trước khi vào tuồng phải có một lớp đầu tất cả đào kép đứng trên sân khấu ca bài La Madelon. Khi vãn tuồng phải ca phần điệp khúc của bài La Marseillaise (Quốc ca Pháp). Thế nhưng thầy tuồng Nguyễn Tri Khương (ông Trần Văn Khê gọi ông Khương là cậu) đặt ra những câu mang đậm tư tưởng dân tộc như: dân ta phải giúp cho ta, máu nóng quyết rưới vì nước. Và thay vì hát điệp khúc bài La Marseillaise, bà Ba Diện và ông Khương đồng ý thay bằng bài Long Hổ hội.
Ngăn cản Đồng Nữ Ban
Khi chúng tôi may mắn tìm được những trang giấy đã ố vàng ghi lại lời của bà Trần Thị Ới thì thấy rõ hơn trí thông minh và uy tín của bà Ba Diện cũng như nỗ lực rất lớn của chị em diễn viên thời ấy.
Trong lần ra mắt thứ hai của gánh hát Đồng Nữ Ban ở xã Bình Trưng (Mỹ Tho), địch cho côn đồ lấy đá đổ lên đường không cho đoàn di chuyển, buổi tối thì giả làm ma nhát chị em diễn viên rồi giật tiền của đoàn. Mặc dù vậy gánh hát vẫn biểu diễn thành công và thu được tới 300 đồng tiền bán vé. Lần thứ ba gánh hát Đồng Nữ Ban ra mắt là tại rạp Thầy Năm Tú - Mỹ Tho, bị côn đồ xông vào phòng hóa trang chọc ghẹo và đe dọa. Rồi khi gánh hát Đồng Nữ Ban sang tỉnh Bến Tre biểu diễn lại bị phá hoại một cách táo tợn hơn trước. Bà Ới kể: Khi ghe chở gánh hát vừa cập bến, địch cho côn đồ cởi truồng giả đi tắm sông lảng vảng trước mũi ghe của chị em và buông lời trêu ghẹo khiến chị em sợ phải chui vào ghe đóng cửa lại. Tối, bọn côn đồ ném đá vào rạp hát và cướp tiền bán vé. Bà Ba Diện phải đến gặp tên quận trưởng yêu cầu can thiệp vì nếu để như vậy thì “mất lịch sự và luật pháp bị coi thường”. Cuối cùng đêm diễn cũng diễn ra thành công.
Khi gánh hát Đồng Nữ Ban về Bến Cát (Thủ Dầu Một) thì chúng không cho dọn đồ lên rạp. Bọn mã tà, mật thám bắt bớ không cho bán vé. Khi đoàn cố đưa đồ lên rạp chuẩn bị diễn thì chúng thẳng tay ngăn cản. Bà Ba Diện phải chạy về Sài Gòn cầu cứu. Bác Tôn Đức Thắng cử bốn ôtô chở trí thức tiến bộ như bác sĩ Nhã, Diệp Văn Kỳ... và một số mật thám cảm tình với cách mạng đến tận nơi can thiệp, bảo vệ gánh hát diễn xong mới về Sài Gòn.
Nhưng bước ngoặt quan trọng khiến gánh hát Đồng Nữ Ban phải giải tán năm 1929 là việc Hòe và Lưu bị địch bắt giam với lý do gánh hát Đồng Nữ Ban làm chính trị, tuyên truyền sách động quần chúng phá rối trật tự trị an. Lúc này tổ chức phải cho gánh hát ngưng hoạt động và cho diễn viên phân tán để đề phòng bị địch bắt. Ngoài ra thời điểm này bác Tôn Đức Thắng đi Trung Quốc để dự đại hội hợp nhất ba tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc chủ trì nên chỉ đạo giải tán gánh hát Đồng Nữ Ban. Bà Ba Diện trở về quê Vĩnh Kim sinh sống, góp công nuôi dạy các anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Thị Mộng Trung ăn học thành tài. Bà mất tháng 8-1944, thọ 60 tuổi.
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bà Hà Thị Lan (1915-1992) sinh tại xã Vĩnh Kim trong một gia đình nông dân nghèo, không được học hành. Bà được cha mẹ đồng ý cho tham gia gánh hát cải lương Đồng Nữ Ban khi mới 13 tuổi. Sau khi gánh hát giải tán, bà Lan tiếp tục tham gia phong trào Nam kỳ khởi nghĩa. Năm 25 tuổi, bà được bầu làm bí thư Quận ủy Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thành công ở địa phương. Vì lý do an toàn khi hoạt động cách mạng, bà đổi tên thành Nguyễn Thị Hồng. Bà từng bị địch bắt tra khảo dã man nhưng vẫn giữ khí tiết của người cộng sản. Bà từ trần vào ngày 2-3-1992. Để ghi nhớ công lao của bà, Đảng bộ và nhân dân Vũng Liêm đã đặt tên trường mầm non thị trấn mang tên bà: Trường Mầm non Nguyễn Thị Hồng. |
_________________
Kỳ tới:Bạch công tử và cô đào Phùng Há
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận