03/12/2021 09:34 GMT+7

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ cuối: Khúc vĩ cầm ở Sa Mù

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TTO - Tôi đã có quá nhiều dịp qua lại núi rừng Sa Mù, Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), đặc biệt là bao lần dừng chân bên chợ biên viễn. Cứ nghĩ rằng nhiều chuyện ở đây mình đã rõ...

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ cuối: Khúc vĩ cầm ở Sa Mù - Ảnh 1.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong thời bình ở Hướng Hóa - Ảnh: P.X.D.

Mỗi năm đến ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trường đều tổ chức cho học sinh đến bia tưởng niệm các liệt sĩ, để giáo dục tinh thần gìn giữ biên cương Tổ quốc.

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng (hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Phùng)


Bia tưởng niệm những người ái quốc thầm lặng

Một buổi sáng tôi đang tác nghiệp ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, chợt một người dân đi ngang qua bất ngờ hỏi: "Chú quay phim cả buổi có biết tấm bia bên kia không?". Người đàn ông trung niên đưa tay chỉ dấu rồi đi. Tôi đến gần. 

Một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ nhưng là hy sinh giữa thời bình, trong hoàn cảnh không hề có tiếng súng giao tranh khi họ thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt và có người không phải là bộ đội. Và câu chuyện bi tráng của thời bình đã được kể lại vào một ngày hè.

Vào năm 1978, theo hiệp định hoạch định biên giới hai nước Việt - Lào, bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ đi cắm mốc biên giới, trong đó có địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên. Chiến tranh mới đi qua, bom mìn hậu chiến ngổn ngang, địa hình hiểm trở, thú dữ đe dọa, nhưng những người được giao nhiệm vụ quyết chẳng từ nan, vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ quan trọng, gian nan và nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Văn Lưu, nguyên chính ủy Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, kể một chứng nhân ngày ấy đã ghi lại chuyện này khá tỉ mỉ và xúc động. "Ngày 11-8-1978, nước sông suối lên cao chảy cuồn cuộn. 

Đồn biên phòng Sen Bụt (nay là đồn biên phòng Hướng Phùng) nhận được lệnh đưa đoàn khảo sát song phương của hai Chính phủ Việt và Lào đi thực địa khảo sát tình hình, cụ thể là phúc tra tọa độ mốc chuyển hướng đường biên giới trên đỉnh Tà Púc để kịp thời phục vụ hội đàm đánh giá kết quả phân đoạn biên giới thí điểm. Đồn trưởng Hồ Mương lấy tinh thần xung phong trong cán bộ, chiến sĩ. Sáu đoàn viên ưu tú được lựa chọn lên đường làm nhiệm vụ...".

Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình nhưng trên đường về gặp trời tối phải ngủ lại giữa rừng. Nửa đêm mưa to, xảy ra sạt lở, nước bất ngờ đổ xuống cuốn trôi cả lán.

Sáng ra khi hay tin dữ, đồng đội và người dân hối hả đi tìm các anh khắp rừng núi. Ba liệt sĩ được tìm thấy đó là thượng sĩ Hồ Văn Trường (chiến sĩ biên phòng), thượng sĩ Châu Văn Dung (nhân viên Tỉnh đội Bình Trị Thiên) và kỹ sư Lê Doãn Tường (Cục Đo đạc bản đồ nhà nước), còn đại úy Nguyễn Văn Tăng và đại úy Võ Cán đã không tìm thấy thi hài dù lực lượng cứu nạn đã làm hết sức mình.

Đại tá Nguyễn Văn Lưu nhớ lại: "Khi đưa thi hài các anh hy sinh ra ôtô, bà con các bản ở xã Hướng Phùng chạy theo cáng khóc nức nở. 

Ngày 15-8-1978 tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh trong quá trình khảo sát, phân giới cắm mốc đường biên giới quốc gia đã được tổ chức trong niềm thương xót của mọi người". Những người già ở bản Cheng (Hướng Phùng) như già làng Hồ Văn Thai khi nhắc lại chuyện cũ đều không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc.

Trung tá Nguyễn Khắc Huy, đồn trưởng đồn biên phòng Hướng Phùng, kể cho chúng tôi nghe gia đình con gái liệt sĩ Lê Doãn Tường đã từ Hà Nội vào đây thắp hương ở tấm bia tưởng niệm và thăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Anh nói thêm đã có ý tưởng chuyển tấm bia sang hướng trông về biên giới để như một lời nhắc nhở về chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và vĩnh cửu.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ cuối: Khúc vĩ cầm ở Sa Mù - Ảnh 3.

Trường Sa được đặt tên đường ở Trường tiểu học Hướng Phùng - Ảnh: P.X.D.

Trường Sa, Hoàng Sa sừng sững ở... biên cương

Không biết tự bao giờ trong hình dung quen thuộc của rất nhiều người thì hình ảnh trường học vùng biên thường hiện lên vẻ nghèo nàn, tạm bợ và lạc hậu. Nhưng đến Trường tiểu học Hướng Phùng chắc chắn mọi người phải thay đổi cách nhìn.

Khi bước chân vào khuôn viên trường, thế đất không bằng phẳng như ở dưới xuôi, nhưng một cán bộ công tác gần đó cũng phải ngỡ ngàng, miệng không ngớt xuýt xoa. Đập vào mắt mọi người là những bảng tên đường như đang ở phố. Mà toàn địa danh nhiều ý nghĩa như Cồn Cỏ, Trường Sa, Hoàng Sa...

Chưa hết ngạc nhiên đã thấy mô hình địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện ra trước mắt, nhìn lên phía trên lại thấy ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Trị ngay trong khuôn viên trường. Nghĩa là liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, còn trường lớp nhìn vào đâu cũng thấy khang trang, vệ sinh và nề nếp. Vậy mà đây là trường biên giới, có đến 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Tên đường ý nghĩa lịch sử, mô hình địa đạo, nhà sàn rồi tượng đài danh nhân Trần Hưng Đạo... không chỉ tô điểm cho nhà trường thêm phần sinh động, đa sắc mà còn thiết thực phục vụ học sinh: học mà chơi, chơi mà học. 

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Phùng, vừa đi vừa chia sẻ với chúng tôi. Thầy còn nói thêm: "Học sinh tiểu học lại gốc gác miền núi thích những gì trực quan, sinh động. Nói "chay" các em dễ chán mà lại khó vào. 

Từ khi về làm hiệu trưởng, tôi đã nỗ lực cùng cán bộ, giáo viên sáng tạo nên những mô hình này và thấy có hiệu quả". Khi hỏi chuyện, các em học sinh Nguyễn Trần Khánh Uyên, Ngô Thị Minh Thư đều nói mình thích thú, nhớ được nhiều hơn về các địa danh và di tích lịch sử. Còn em Hồ Thị Lam, dân tộc Vân Kiều, thì nói giản dị: "Em thấy thích thì em mau nhớ thôi".

Đi ngang một lớp học thấy sạch như lau bóng. Ai nấy sững sờ khi thấy nhà vệ sinh rất... vệ sinh hơn mức bình thường, tiếng nhạc còn vọng ra du dương. Các em học sinh sau khi vào nhà vệ sinh, ra rửa tay bằng xà phòng, động tác khá thuần thục chứng tỏ được làm quen từ lâu. Dáng vẻ của nhà vệ sinh như ở khách sạn, nhà hàng nào đó chứ không phải ở trường miền núi biên cương.

Cô giáo Hồ Thị Thanh Hiền giải thích với khách đây là cố gắng của trường nhằm tạo điều kiện bảo vệ sức khỏe cho các em, rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể và lớp học. Chợt nhớ nhiều trường học dưới xuôi ám ảnh bởi nhà vệ sinh quá mất vệ sinh. Thấy chúng tôi lộ vẻ ngạc nhiên, thầy Trọng nói: 

"Thực ra các anh thấy vậy, chứ ngoài kinh phí nhà nước, trường chỉ thêm chừng 4 - 5 triệu đồng nâng cấp nhà vệ sinh. Kinh phí chúng tôi kêu gọi từ các nguồn khác chứ không nài ép phụ huynh, mà phụ huynh ở đây anh biết rồi đấy, phần lớn khó khăn lấy đâu ra tiền bạc. Khi thực hiện đôi khi thấy cũng vướng thủ tục đôi điều, nhưng mình thấy cái gì có lợi cho học sinh mà không trái quy định thì cứ mạnh dạn mà làm".

Thầy không nói gì thêm nhưng qua tìm hiểu tôi biết đây là trường nhiều năm đạt nhiều danh hiệu thi đua, thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh vừa qua đều đạt giải cao, chưa kể đến những cuộc thi tin học, sáng tạo trẻ, hùng biện tiếng Anh, giao lưu tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Trong đợt dịch vừa qua, để kích thích văn hóa đọc, trường đã tổ chức trao tặng sách đến cho các em để bồi dưỡng tri thức.

Khi chào tạm biệt, thầy Nguyễn Mai Trọng kể thêm: "Năm học 2020 - 2021, Trường tiểu học Hướng Phùng cho trồng và chăm sóc trong khuôn viên trường hai cây bàng vuông mà chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã tặng cho thầy trò. Đó cũng là cách để rừng luôn nhớ đến biển và biển nhớ đến rừng, biên cương nhớ về hải đảo".

Chia tay trường, chia tay đại ngàn hùng vĩ, tôi vẫn nghe như khúc vĩ cầm vọng lại trong tim mình, khúc vĩ cầm gieo niềm tin tương lai...

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh 'đất chết'

TTO - Trong chiến tranh, ở Quảng Trị, đặc biệt địa bàn miền núi chiến sự khốc liệt nhất, bị dioxin, chất độc da cam tàn phá nặng nề và hậu họa lâu dài. Không những con người mà đất đai, cây cỏ cũng gánh chịu di chứng.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên