29/11/2021 11:26 GMT+7

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 1: Tìm khói sương huyền thoại

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TTO - Đại ngàn bắc Hướng Hóa, Quảng Trị, xưa nay chất chứa nhiều huyền thoại và sự thật.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 1: Tìm khói sương huyền thoại - Ảnh 1.

Già làng Hồ Văn Nông với chiếc mâm đồng xưa, kể chuyện vua Hàm Nghi - Ảnh: P.X.D.

Chuyện bàn cờ tiên trên đỉnh núi Voi Mẹp, thảo dược quý hiếm, đặc biệt là những chuyện về vua Hàm Nghi như các khu rừng bí hiểm, các kho báu nhà vua để lại dọc đường kháng chiến ly kỳ, hư - thực tựa khói sương sơn cước.

Hồi còn nhỏ rất nhiều lần tôi nghe bà ngoại tôi và mẹ kể về đại ngàn thâm u. Họ là những người am hiểu miền tây Quảng Trị, nói tiếng Vân Kiều gần như người bản địa, được bà con dân tộc thiểu số gọi là "Cà lơ ba ry", tức là kết nghĩa anh em, thân thiết như ruột thịt theo phong tục đồng bào miền núi.

Những lời truyền bí ẩn

Bà ngoại tôi kể rằng ngày xưa có một ông vua từ Huế đánh giặc Tây, rồi lên rừng kháng chiến theo ngả Hướng Hóa, dọc đường để lại nhiều của quý giữa núi rừng. Ngoại nói ở trên đó có hang đựng chén bát của vua, dân bản mỗi lần cúng bái đều đến đó khấn rồi mới vào hang mượn chén bát về làm lễ, xong việc trả lại đàng hoàng. 

Về sau có người không làm đúng phép tắc, lễ nghi, nên cửa hang đóng lại, cây cối um tùm che khuất làm mất dấu lối vào hang. Từ đó, không ai có thể vào hang được nữa.

Sau này lớn lên, tôi cũng nhiều lần nghe những chuyện tương tự. Như chuyện con voi của vua Hàm Nghi ở lại núi rừng Quảng Trị sau khi vua đã ra đến Quảng Bình - Hà Tĩnh, đeo vật quý vùng vẫy khắp núi rừng vì thương nhớ chủ nhân. 

Rồi chuyện con cọp tinh khôn như có tài thay hình đổi dạng gần khu vực vua Hàm Nghi cất giấu kho báu... Toàn những chuyện khiến người nghe thích thú, tò mò.

Mới đây có thêm một điều càng thôi thúc tôi đi tìm sự thật. Đó là khi tôi gặp nhà sưu tầm cổ vật có tiếng là Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế. Anh cho biết chính mình đã tìm thấy chiếc hoàng bào thượng triều ở một bản làng Hướng Hóa. 

Anh đã "mai phục" 4 tháng trời ở núi rừng và nhờ bao người uy tín thuyết phục mới đem được chiếc "áo vua" quý hiếm như châu về Hợp Phố.

Có người bảo tôi tìm cho được già làng Hồ Rầm sẽ biết mọi chuyện. Và tôi quyết định lên đường khám phá với bao háo hức.

Đi tìm già làng

Lần theo khói sương huyền thoại, tôi tự nhủ phải đến được tận nơi dù có phải đến chốn sơn cùng thủy tận. Tôi hỏi đường vào bản Hoong (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi được cho là xuất xứ những câu chuyện truyền kỳ được dân gian truyền tụng.

Vào nhà trưởng thôn Hoong Mới là phụ nữ Vân Kiều, tôi hỏi chuyện ông chồng thì mới biết chị trưởng thôn đã đi họp. Hỏi anh về chuyện mâm đồng, chuyện voi của nhà vua thì nhận được câu trả lời không biết. Anh cũng băn khoăn nên chỉ ra sân, bảo nên hỏi mẹ mình thì rõ hơn. 

Tôi hỏi mẹ anh những điều đã hỏi anh, bà lắc đầu cũng bảo rằng không biết, những bà lão Vân Kiều hàng xóm cũng lặng im. Tôi lại lên đường vào sâu hơn, tìm đến bản Hoong Cũ dưới chân thác Chìn Hinh để tìm manh mối.

Tới bản này đã quá trưa, tôi cũng quên cả bụng đói, chỉ muốn gặp già làng Hồ Rầm. Một bà cụ bên đường bảo già làng Hồ Rầm đã mất 6 năm nay, chỉ còn người con là Hồ Vàng. Đến nơi thì chỉ gặp một nhà toàn phụ nữ, già có, trẻ có, có cả người vợ cụ Hồ Rầm đã hơn trăm tuổi tên Hồ Thị Khưn. 

Cụ Khưn có biết rừng thiêng liên quan đến vua nhưng cũng không nhớ rõ, tiếng Kinh cũng gần như xóa sạch trong trí nhớ, chuyện trò phải nhờ cháu con "phiên dịch".

Bà Khưn kể có biết rừng thiêng nhưng không dám vào đâu rồi rụt cổ vẻ thành kính. Hỏi ông Hồ Vàng đi đâu, người nhà bảo đi thả trâu xa lắm. Hỏi điện thoại liên lạc được không, bà vợ ông là Hồ Thị Dơi bảo không thể được vì ông không biết dùng điện thoại. 

Nhưng không thể bỏ cuộc, tôi lại tiếp tục lên đường sau khi biết thông tin già làng này đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 1: Tìm khói sương huyền thoại - Ảnh 2.

Bản làng ở núi rừng bắc Hướng Hóa, Quảng Trị còn ẩn chứa nhiều truyền tích đặc biệt - Ảnh: P.X.D.

Giáp mặt truyền kỳ

Rồi tôi cũng gặp già làng gần trăm tuổi Hồ Văn Nông, cũng là một đại thụ của núi rừng kế tục già làng Hồ Rầm đã khuất bóng.

Ông ngồi dậy khi nghe khách lạ bước lên nhà sàn. Khi nghe tôi hỏi chuyện, ông trầm ngâm một lúc rồi kể: "Chuyện vua Hàm Nghi là có nghe đời trước kể lại. Vua đánh Tây rồi bị Tây đuổi theo phải đi theo đường Khe Van, Kà Reng, lên đây rồi sang Quảng Bình. Gần đây có Động Xoong có nghĩa là Động Vua đó. 

Hai khu rừng cạnh bản có tên là Rừng Súng và Rừng Miếu. Gọi là Rừng Súng vì ngày xưa cất giấu súng ở đó, còn Rừng Miếu trước đây có miếu thờ. 

Hai khu rừng này thiêng lắm, dân bản không ai dám tự tiện vào. Bà con chỉ đến đây vào những dịp cúng lễ. Như Rừng Súng thì cúng gà, heo, trâu, còn Rừng Miếu thì cúng một trâu bạc, một trâu đen. Mỗi khi bản có sinh chuyện không may thì dân bản lại cúng bái".

Tôi nhìn quanh, ánh mắt dừng lại ngay khi bắt gặp những chiếc mâm đồng có bề ngoài xưa cũ xếp cạnh bàn thờ. Từng nghe chuyện những chiếc mâm đồng liên quan đến kho báu vua Hàm Nghi nên tôi lên tiếng xin cho xem. Già làng đồng ý. 

Chúng tôi truyền tay nhau những chiếc mâm đồng thời xưa, không ngớt bàn tán. Hỏi ra thì già làng cho biết khi ông còn nhỏ đã thấy những chiếc mâm này từ ông bà để lại, được coi là bảo vật gia đình vì rất quý giá mà chỉ những người có địa vị và giàu sang mới sắm nổi.

Một người trong đoàn chúng tôi reo lên khi phát hiện một chiếc mâm đồng duy nhất có chạm khắc chữ Hán và các họa tiết. Đặc biệt, có hình ảnh một người đàn ông đội mũ thời xưa đang cưỡi chiến mã xông trận, gương mặt và tư thế hùng dũng. 

Mọi người lặng ngắm chiếc mâm đồng kỳ lạ, chứa đựng nhiều bí ẩn cần giải mã. Góc nhà già làng còn có một chiếc nồi đồng to chưa từng thấy, còn trên bàn thờ những vật dụng sành sứ lung linh trong khói hương đang cháy.

Đợi tiếng lao xao lặng xuống, già làng nói: "Còn chuyện này cũng liên quan đến con voi của vua Hàm Nghi. Con voi bị giặc bắn ở Xà Bai, cách đây không xa. Voi chết, một con chó cắn một miếng thịt voi ra báo cho dân bản được biết. Nhiều chuyện lắm không nhớ hết. Đi theo tôi, cho coi những vật quý này mà chưa có người lạ nào được nhìn thấy đâu". 

Tôi hồi hộp đi theo già làng. Ông mở một cánh cửa phòng nằm cạnh bàn thờ, từ từ mở tủ lấy ra hai vật xưa và giảng giải: "Đây là ống đồng, đục hai lỗ, đeo ở cổ con voi để phát ra tiếng kêu. Còn đây là bình vôi ngày xưa cũng làm bằng đồng, quý lắm". 

Tôi sững sờ, lặng ngắm những bảo vật hơn cả thế kỷ hiển hiện trước mắt mình bằng chất liệu đồng gần như nguyên vẹn trước sự tàn phá của thời gian. Già làng gõ vào bình vôi và ống đồng treo ở cổ voi. 

Những âm thanh như vọng về từ quá khứ đánh thức cả núi rừng trong khói sương huyền tích nhắc nhở cháu con về những người dám xả thân vì nước.

Chia tay già làng khi chiều tà trên sơn cước, chúng tôi bước vào khu Rừng Miếu thiêng liêng và bí ẩn, bên tai còn văng vẳng tiếng già làng Hồ Văn Nông: "Tôi sẽ không bán những báu vật này đâu".

Tôi như bị đại ngàn linh thiêng mê hoặc khi đứng trên đỉnh Sa Mù với sương mù bay là là trước mặt. Một ngày có thể đủ cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông...

Kỳ tới: Sa Mù mê hoặc

Nhớ thương trên đỉnh Sa Mù Nhớ thương trên đỉnh Sa Mù

TTO - Hơn 40 năm, đã bao nhiêu vật đổi sao dời, sư đoàn 337 được mệnh danh là Cánh cửa thép Lạng Sơn những năm chiến tranh Biên giới 1979 -1980 khốc liệt ấy nay đã trở thành Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đứng chân tại miền Tây Quảng Trị.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên