27/05/2014 13:01 GMT+7

Kỳ 3: Mỏ phosphat khổng lồ ở Hoàng Sa

HUỲNH HIẾU
HUỲNH HIẾU

TT - Chuyến khảo sát thứ hai của tàu De Lanessan tại Hoàng Sa, vào tháng 6 và 7-1926, tìm thấy mỏ phosphat được tạo bởi phân chim trên các đảo. Đó là nguồn phân bón có thể cung cấp cho cả nền nông nghiệp Đông Dương trong 20 năm.

Kỳ 1: Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Việt Nam! Kỳ 2: Phát hiện “cao nguyên đáy biển”

zTX0FtOy.jpgPhóng to
Khai thác phosphat tại Hoàng Sa năm 1940 - Ảnh tư liệu

Nhiều kẻ nhòm ngó

Theo ghi chú của Vụ Các vấn đề chính trị và bản xứ, Phủ toàn quyền Đông Dương, ngày 6-5-1921, một nhóm người Trung Quốc đã tìm cách thăm dò chúng (tức quần đảo Hoàng Sa) về khả năng khai thác các lớp phosphat phong phú.

Cũng theo tài liệu trên, tháng 9-1920 một công ty hàng hải của Nhật là Mitsui - Bussan Kaisha đã hỏi nhà cầm quyền Pháp trước khi khai thác phosphat trên vài đảo nhỏ, ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, việc khai thác của công ty này phải bỏ dở vì vận chuyển phosphat về đất liền khá khó khăn trong điều kiện lúc bấy giờ.

Phosphat lộ thiên trên các đảo ở Hoàng Sa đã được biết đến từ trước bởi các nhà hàng hải qua đây. Nó là nguồn lợi được nhiều thế lực nhòm ngó. Thế nhưng chưa bao giờ nó được khảo sát, nghiên cứu đầy đủ để phục vụ tính khả thi của việc khai thác. Việc làm đó chỉ được tiến hành bởi một đơn vị của quốc gia sở hữu quần đảo này. Và đó là nhiệm vụ của tàu De Lanessan trong chuyến đi lần thứ hai ra Hoàng Sa.

Đưa phân chim đến phòng thí nghiệm

Tại các đảo, các nhà khoa học đã tập trung khảo sát những lớp phân chim dày đang phân hóa. Mẫu vật thu thập được đưa về Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương nghiên cứu và chuyển đến phòng thí nghiệm hóa học ở Sài Gòn. Các phân tích ở phòng thí nghiệm đã làm rõ cơ chế hình thành nên phosphat ở Hoàng Sa, giúp TS Armand Krempf kết luận nguồn gốc đất trên đảo ban đầu được cấu tạo bởi carbonat canxi.

Theo báo cáo năm 1927-1928 của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, TS A.Krempf nhận định: chính trên chất đất rất nghèo và rất đặc biệt đó đã hình thành những khu rừng bao phủ lên các đảo. Những khu rừng này phát triển được là nhờ những hạt từ miền xa trôi đến và phân chim biển trú đêm trên các đảo thải ra đất. Phân chim biển đã cung cấp cho đất axit phosphoric nhờ trong thức ăn của chúng chủ yếu là cá và các loại hải sản.

Qua so sánh với nhiều nơi trên thế giới, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra quá trình hình thành phosphat riêng ở Hoàng Sa. “Nếu khí hậu của quần đảo Hoàng Sa vốn ẩm, mưa nhiều mà lại hanh khô như các đảo ở Chile và Peru phủ đầy chất guano (phân chim) thì axit phosphoric ở đây sẽ ở trạng thái chất guano bình thường như trong các mỏ phân khá quen thuộc ở các vùng biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ. Thế nhưng ở quần đảo Hoàng Sa, do trong đất rừng các đảo này nhiều nước nên axit phosphoric bị hòa tan và các phosphat khi được giải phóng ra thấm vào đất gặp carbonat canxi giữ lại, đồng thời phóng thích axit cacbonic. Như vậy, sự chuyển hóa đó phát triển từ trên mặt đất xuống dưới sâu” - TS A.Krempf phân tích.

pfiA8DAr.jpgPhóng to
Giếng nước ngọt do người Pháp và Việt xây trên đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Mở hướng khai thác

Câu chuyện phosphat được trở lại vào chuyến đi thứ ba của tàu De Lanessan ra Hoàng Sa vào tháng 5 và 6-1931. Chuyến tàu này mang theo vị khách mời đặc biệt là kỹ sư M.Clerget, một chuyên gia mỏ, để có thể thực hiện việc khảo sát mỏ phosphat một cách đầy đủ hơn.

Theo báo cáo của Viện Hải dương học, năm 1930-1931, hơn 1 tấn mẫu phosphat được đưa về Đà Nẵng bằng tàu lưới kéo của tàu De Lanessan để ông Maurice Clerget phân tích. Những kết quả đầu tiên của nghiên cứu ấy cho biết ở Đông Dương số lượng quặng ấy có thể lên tới 8 triệu m³. Chỉ có một khó khăn lớn đó là vấn đề vận chuyển. “Trong tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã quan sát thấy rằng công ty Nhật Bản đã bỏ không khai thác phosphat nữa và trữ lượng bỏ ấy đã được một công ty Trung Quốc lấy đem đi bằng tàu chở hàng đến Hong Kong không khó khăn gì. Vấn đề khó khăn là đưa lên tàu một khối lượng vận chuyển lớn và cồng kềnh, trong vùng biển Đông thường xuyên có gió mùa, dễ gặp phải nguy hiểm khi đụng đá ngầm là chướng ngại vật chìm trong nước. Về mặt này những kinh nghiệm của thủ thủy tàu De Lanessan trong hai lần đi nghiên cứu các đảo Hoàng Sa sẽ là thông báo quý báu cho tất cả những ai muốn thử khai thác những lớp quặng rất phong phú ấy ở Đông Dương” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1930-1931).

“Trong số những kết quả đã thu thập được ở quần đảo Hoàng Sa, nơi đã nghiên cứu vào tháng 6-1931, cần lưu ý là trong đó có một số kết luận của M.Clerget, người cùng cộng tác với chúng tôi, kỹ sư mỏ thuộc dân sự... Theo kết quả nghiên cứu, dự trữ về quặng phosphat dự tính ít nhất 1 triệu tấn có thể cung cấp phosphat canxi cho toàn Đông Dương trong 20 năm. Hơn nữa quặng ở đây gồm một tỉ lệ khá lớn phosphat hòa tan, như thế về mặt nông nghiệp rất có lợi. Các chuyên gia được hỏi ý kiến về vấn đề này cũng thống nhất như vậy” (trích báo cáo của Viện Hải dương học năm 1931-1932).

Khả năng khai thác phosphat năm năm sau đó được nhắc lại lần nữa, sau khi các nhà khoa học đến quần đảo Hoàng Sa bằng tàu La Marne vào tháng 10-1937. Trong đề xuất các định hướng khai thác và quản lý tài nguyên ở Hoàng Sa của Viện Hải dương học, cùng năm đó, các nhà khoa học cho rằng: “Việc khai thác phosphat rất dễ dàng, chỉ cần lao động chân tay. Ngược lại, việc vận chuyển sản phẩm khai thác lại rất khó khăn. Ông Dauguet, thuyền trưởng của tàu De Lanessan, cho rằng đôi khi người ta phải mất 9-10 ngày để chất đầy một khoang tàu 1.600 tấn. Tuy nhiên, có thể tự hỏi liệu có thể đạt được kết quả tốt nhất bằng cách tổ chức các công trường khai thác hoạt động trên đảo trong tất cả các mùa và hạn chế vận chuyển trong giai đoạn gió đổi mùa, từ tháng 3 đến tháng 6...”.

Hi vọng nguồn khoáng Hoàng Sa

“Do nguồn axit phosphoric của khoáng sản Bắc bộ nghèo nàn, nền nông nghiệp Đông Dương đòi hỏi phải sử dụng đúng đắn phân hóa học như một phương thức cứu nguy nền nông nghiệp, đang đe dọa bởi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất khác ở châu Á. Vả lại chúng ta không thấy được mỗi năm xuất khỏi Đông Dương vài chục ngàn tấn axit phosphoric nằm trong những hạt lúa xuất khẩu. Mối ưu tư trong quản lý tài sản của chúng ta, như người cha trong gia đình, bắt buộc chúng ta phải hoàn trả cho đất Đông Dương lượng phân bón mà đất bị nghèo đi mỗi năm.

Phân bón hóa học từ thiên nhiên hiện có được ở Đông Dương trên thềm lục địa được chia làm ba nhóm: những nguồn khoáng trong các hầm mỏ ở miền Bắc VN và Campuchia (nguồn khoáng do canxi hóa chất vôi, nguồn gốc từ khoáng vật), những nguồn khoáng từ quần đảo Hoàng Sa (nguồn khoáng canxi hóa san hô, nguồn gốc hữu cơ), những nguồn khoáng đang dò tìm trong thung lũng sông Hồng ở vùng Lào Cai, phát sinh tùy vào đá núi lửa (khoáng chính là apatite).

Mong muốn những thử nghiệm thực tế về phân bón khoáng sản mở đầu cho chuyến nghiên cứu năm 1931-1932 bởi Văn phòng lúa gạo Đông Dương đem lại hi vọng cho sự phát triển trong tương lai việc khai thác phosphat tại Hoàng Sa”.

(Theo tài liệu Đề xuất các định hướng khai thác và quản lý tài nguyên ở Hoàng Sa của Viện Hải dương học, năm 1937)

________________

Một “báu vật” khác ở Hoàng Sa được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, qua những trang ghi chép hằng ngày ngay trên đầu sóng...

Kỳ tới: Nhật ký về chim biển

HUỲNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên