02/06/2022 14:38 GMT+7

Hàn Quốc hỗ trợ Trường đại học Y dược TP.HCM đào tạo y khoa

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Dự án Giáo dục y khoa cho tương lai (MEF) do KOICA tài trợ cho Trường đại học Y dược TP.HCM sẽ được thực hiện trong 5 năm với sự tham gia hỗ trợ của Đại học Yonsei - đại học y khoa hàng đầu Hàn Quốc.

Hàn Quốc hỗ trợ Trường đại học Y dược TP.HCM đào tạo y khoa - Ảnh 1.

GS Shinki An - giám đốc Viện y tế toàn cầu Đại học Yonsei (trái) ký kết hợp tác với PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - phó hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: MINH GIẢNG

Sáng 2-6, tại Trường đại học Y dược TP.HCM, KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc), Trường đại học Yonsei và Trường đại học Y dược TP.HCM đã tổ chức khởi động dự án MEF.

MEF gồm bốn hợp phần: giáo dục y khoa, đào tạo lâm sàng, năng lực nghiên cứu và hợp tác giữa doanh nghiệp - đại học.

Trong đó, hợp phần giáo dục y khoa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo y khoa. Mô hình giáo dục y tế dựa trên năng lực, có sự tham gia của sinh viên và quy trình giáo dục dựa trên kỹ thuật số bằng cách áp dụng một mô hình như nền tảng kỹ thuật số và học tập đảo ngược sẽ được triển khai. Ngoài ra, hợp phần này cũng chuẩn bị các điều kiện để đạt kiểm định theo chuẩn quốc tế.

Hợp phần đào tạo lâm sàng sẽ nâng cao năng lực lâm sàng, tiêu chuẩn hóa các chương trình giáo dục lâm sàng và tăng cường năng lực của các bác sĩ chuyên khoa.

Mục tiêu cuối cùng của hợp phần nghiên cứu là tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học sức khỏe tại Trường đại học Y dược TP.HCM. Hợp phần sẽ củng cố nghiên cứu khoa học tại các khoa, xây dựng hệ thống hỗ trợ nghiên cứu khoa học hiệu quả và cải thiện tạp chí MedPharmRes của trường.

Đại học Yonsei cũng hỗ trợ đào tạo giáo sư, tạo điều kiện cho các nghiên cứu chung giữa hai trường, triển khai chương trình luận văn chung cho sinh viên sau đại học sẽ thực hiện nhằm cải thiện và tiêu chuẩn hóa các tiêu chí cho bậc học thạc sĩ, tiến sĩ.

Hợp phần cuối cùng của dự án nhằm nâng cao chất lượng và số lượng trong các hoạt động hợp tác giữa ngành công nghiệp và đại học. Hợp tác giữa ngành doanh nghiệp và đại học chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y học, nên việc đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này có thể sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ thống y tế Việt Nam.

Ông Han Deog Cho - giám đốc quốc gia KOICA - cho biết sự hợp tác này là bước đệm để phát triển ngành y tại Việt Nam, nằm trong chiến lược phát triển con người ở Đông Nam Á thông qua chính sách hướng nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.

"Tăng cường chất lượng đào tạo y khoa sẽ tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, từ đó nâng cao chất lượng ngành y, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải thiện cuộc sống tương lai" - ông Han Deog Cho phát biểu.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết trong hơn 10 năm qua, trường đã thay đổi phương pháp, mô hình đào tạo dựa trên tham vấn của giáo sư nhiều trường đại học y khoa Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, hai điểm yếu hiện nay trong hoạt động của trường đó là việc công bố quốc tế, bằng sáng chế dù tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa có sự kết nối tốt giữa nhà trường và doanh nghiệp.

KOICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc là cơ quan thuộc Chính phủ, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao. KOICA chuyên thực hiện các chương trình viện trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay KOICA đang hỗ trợ cho 160 nước trên thế giới và có văn phòng đại diện ở 23 nước trên thế giới.

Đào tạo ngành y dược Đào tạo ngành y dược 'trăm hoa đua nở', cảnh báo hậu quả khôn lường

TTO - Mùa tuyển sinh năm 2021 ghi nhận sự "trăm hoa đua nở" các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường ĐH. Thậm chí, nhiều trường vốn có thế mạnh về kinh tế, xã hội cũng tham gia đào tạo các ngành y dược.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên