21/12/2021 09:38 GMT+7

Kit xét nghiệm của Việt Á được thổi phồng ra sao?

T.HÀ - L.ANH - H.VÂN
T.HÀ - L.ANH - H.VÂN

TTO - Không chỉ công bố trên cổng thông tin, tháng 4-2020, Bộ Khoa học và công nghệ từng gửi thông cáo báo chí và phát ngôn chính thức tại các cuộc họp.

Kit xét nghiệm của Việt Á được thổi phồng ra sao? - Ảnh 1.

Bản tin trên trang web của Bộ KH-CN nay đã bị xóa

Sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an phanh phui việc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á chi hoa hồng để cung cấp kit xét nghiệm COVID-19 cho các địa phương với giá khủng, nhiều thông tin cho thấy sự thật về chất lượng của kit xét nghiệm do công ty này sản xuất có dấu hiệu bị thổi phồng.

Ngày 26-4-2020, Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) công bố trên website của bộ bài viết với tiêu đề "Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận". Bài viết nêu rõ: "Ngày 26-4, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất".

Không chỉ công bố trên cổng thông tin, tháng 4-2020 Bộ Khoa học và công nghệ từng gửi thông cáo báo chí và phát ngôn chính thức tại các cuộc họp với thông tin chi tiết "WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, gần 2 năm qua, WHO đưa ra quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) nhằm thúc đẩy sự sẵn có của các thiết bị y tế in vitro (trong ống nghiệm) cần cho các tình huống khẩn cấp về sức khỏe để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan mua sắm và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc.

Quy trình EUL bao gồm đánh giá hệ thống quản lý chất lượng và kế hoạch giám sát sau thị trường của nhà sản xuất, đánh giá tài liệu cụ thể về sản xuất cũng như các bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO ngày 20-10-2020, kết quả thẩm định với bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là "Not Accepted" (không được chấp nhận). WHO kết luận: Bộ xét nghiệm LightPower Kit với mã sản phẩm VA.A02-055H, sản xuất bởi Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO.

Lần cập nhật ngày 9-6-2021, WHO tiếp tục công bố danh sách các sản phẩm không được chấp nhận theo quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp với lưu ý các hồ sơ đã được đánh giá và không cung cấp được bằng chứng, tài liệu cần thiết về an toàn, hiệu quả và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng (QMS).

Trong danh sách này, ở mục xét nghiệm virus SARS-CoV-2, có tên bộ xét nghiệm LightPower Kit, mã số sản phẩm VA.A02-055H, số hồ sơ đăng ký EUL 0524-210-00. Có thể hiểu mã số EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, chứ không có nghĩa bộ xét nghiệm này được chính thức cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả.

Sau khi vụ việc Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm bị Bộ Công an phanh phui và tổng giám đốc Phan Quốc Việt bị bắt, ngày 19-12 thông tin công bố "chấp thuận" nói trên vẫn còn trên cổng thông tin www.most.gov.vn của Bộ Khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đến chiều 20-12 sau khi các báo đăng thông tin WHO không chấp nhận, bài viết đã bị gỡ khỏi trang web.

Trả lời về việc gỡ bỏ thông tin nói trên khỏi website chính thức của bộ, theo VTC, ông Trịnh Thanh Hùng, phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành kinh tế - kỹ thuật Bộ Khoa học và công nghệ, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit xét nghiệm này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng".

"Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và công nghệ", ông nói.

Kit xét nghiệm của Việt Á được thổi phồng ra sao? - Ảnh 2.

WHO chưa chấp nhận bộ xét nghiệm của Việt Á

Không chỉ Bộ Khoa học và công nghệ, đầu năm 2020 nhiều quan chức cấp cao của Bộ Y tế và nhiều bộ ngành khác cũng rất "tán thưởng" chất lượng bộ xét nghiệm của Việt Á về độ nhạy, độ đặc hiệu. Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó cũng cho biết "đây là lần đầu tiên Việt Nam có một sinh phẩm được đăng ký quốc tế, ngay khi bệnh dịch bùng phát ở quy mô toàn thế giới". Thông tin Việt Á đăng ký và được WHO phê duyệt đã được vị lãnh đạo này thông báo tại nhiều phiên họp chính thức.

Bộ Khoa học - công nghệ gỡ tin bộ kit test COVID-19 của Việt Nam Bộ Khoa học - công nghệ gỡ tin bộ kit test COVID-19 của Việt Nam 'được WHO chấp thuận'

TTO - Những thông tin đăng tải trên website của Bộ Khoa học - công nghệ công bố thông tin 'đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới' và 'Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu' cho bộ kit test của Công ty Việt Á đã bị gỡ.

T.HÀ - L.ANH - H.VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên