Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng kinh tế toàn cầu, lạm phát vẫn neo ở mức cao; tăng trưởng thấp, không đồng đều và còn bấp bênh.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết tại châu Âu, Mỹ, cũng như dự báo gần đây tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm.
Kinh tế phục hồi khả quan nhưng chưa như kỳ vọng
Trong bối cảnh đó, nước ta chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.
Mặc dù vậy, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn giữ được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất - nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…
Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực…, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…
Đặc biệt, các bộ ngành địa phương cần nỗ lực để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Chính phủ cho hay tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng "tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý".
Tăng trưởng GDP quý 3 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế
Dù vậy theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng lưu ý tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, khi tính chung 9 tháng GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ, trong khi kịch bản tại nghị quyết số 01 hồi đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu là 6,3%.
"Điều này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trường kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn. Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô", báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023. Bao gồm: Kịch bản 1: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý 4 cần tăng 7,0% (quý 4-2022 tăng 5,92%); Kịch bản 2: kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh các bộ ngành địa phương cần thúc đẩy mạnh tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cạnh đó, tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận