Người lao động làm việc tại một xưởng may ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters
Hôm 25-10, trong bài viết có tiêu đề "Các tai họa kinh tế của châu Âu ảnh hưởng đến những nhà xuất khẩu Đông Nam Á", Đài Deutsche Welle (Đức) nhận định các thách thức kinh tế mà "lục địa già" đang đối mặt thực sự đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Đông Nam Á.
Xuất khẩu bị ảnh hưởng
Nhận định được Deutsche Welle đưa ra trong bối cảnh giới quan sát ngày càng lo ngại nếu suy thoái kinh tế diễn ra ở các nước phương Tây thì điều đó có thể gây căng thẳng cho những nỗ lực phục hồi kinh tế của Đông Nam Á vào năm 2023.
Cụ thể, lạm phát và chi phí năng lượng tăng vọt, cũng như các tác động kinh tế khác của cuộc xung đột Nga - Ukraine, có thể khiến các nền kinh tế châu Âu gặp khó khăn trong 12 tháng tới. Khi đó, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, đặc biệt với hàng hóa bán lẻ.
Điều này dự kiến tác động đáng kể đến các nhà xuất khẩu Đông Nam Á, nhất là các nhà sản xuất dệt may - lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của một số nước trong khu vực.
"Sự sụt giảm xuất khẩu từ Đông Nam Á sẽ còn tồi tệ hơn" - chuyên gia kinh tế Brian Lee Shun Rong thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất Malaysia là Maybank cảnh báo.
Ông nói thêm: "Tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm thêm nữa và nguy cơ suy thoái đang tăng. EU có thể rơi vào suy thoái khi khối này tiếp tục đối mặt với những cú sốc về chuỗi cung ứng và chi phí sinh hoạt do tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine".
Tự tin về tương lai
Các số liệu thương mại chính xác từ Đông Nam Á có thể sẽ được công bố vào cuối năm nay. Tuy nhiên, số liệu sơ bộ tại một số nước cho thấy xuất khẩu đã giảm đáng kể từ tháng 7 năm nay và đây là tín hiệu xấu.
Chẳng hạn, xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia (chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước này) tăng 37% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6-2022 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm còn 19,9% vào tháng 7 và chỉ 2,7% trong tháng 8.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia cho thấy kim ngạch xuất khẩu giảm 7,5% trong tháng 9-2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ken Loo, tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng may mặc tại Campuchia, cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang các thị trường châu Âu sẽ tiếp tục giảm trong quý 4 năm nay và kéo dài sang năm 2023.
Tại Malaysia, xuất khẩu có vẻ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022 với mức tăng 26%, nhưng dự kiến giảm xuống mức 1,3% vào năm 2023, theo UOB Research - bộ phận phân tích của Ngân hàng UOB (Singapore). Thái Lan và Myanmar, các nhà xuất khẩu dệt may lớn khác tại Đông Nam Á, cũng ghi nhận mức giảm xuất khẩu sang các nước EU.
"Lạm phát và viễn cảnh suy thoái đang hiện ra lờ mờ ở châu Âu đã khiến xuất khẩu từ Đông Nam Á chậm lại" - ông Lay Hwee Yeo, giám đốc Trung tâm Liên minh châu Âu tại Singapore, giải thích. Ông nói: "Sự suy thoái kinh tế ở EU chắc chắn sẽ có tác động lớn đến các nước Đông Nam Á vì EU là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Đông Nam Á".
Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh ảm đạm như trên cũng có một bức tranh màu hồng về thương mại giữa EU và ASEAN được vẽ ra cho tương lai gần. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, chiếm khoảng 1/10 kim ngạch thương mại hằng năm của khu vực nhưng lại chiếm tỉ trọng cao hơn nhiều trong kim ngạch xuất khẩu của khối.
Ông Chris Humphrey, giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN (đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu ở Đông Nam Á), cho biết đầu tư của châu Âu vào khu vực này đã "phục hồi mạnh mẽ" sau khi đạt 25,5 tỉ USD vào năm 2021.
Ông nói thêm thương mại của EU với 10 thành viên ASEAN đã gần như phục hồi trở lại mức trước đại dịch COVID-19, khi đạt 270 tỉ USD vào cuối năm 2021. Ông Humphrey cho biết viễn cảnh trao đổi thương mại giữa hai bên giảm đi trong những tháng tới không phải là điều bất ngờ, nhưng "chúng tôi vẫn tự tin về mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ giữa EU và ASEAN trong tương lai".
Bài học từ sai lầm của châu Âu
Ngày 25-10, trả lời phỏng vấn bên lề Tuần lễ năng lượng quốc tế Singapore, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi các nước Đông Nam Á rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu.
Ông cho rằng châu Âu đã mắc sai lầm, dù IEA đã nhiều lần nhấn mạnh "không nên phụ thuộc vào một nhà cung cấp chính duy nhất cho bất cứ thứ gì".
Ông đánh giá Đông Nam Á dễ bị ảnh hưởng do khủng hoảng năng lượng vì nhu cầu ngày càng tăng nhanh bên trong khu vực, do đó cần đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận