Khách đi dạo ở phố cổ Hội An về đêm - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Thị Thu Hương - phó trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, người trực tiếp tham gia xây dựng đề án - cho rằng phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu: kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch.
Theo bà Hương, VN hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm như: có nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, dân số trẻ, nhiều đô thị đang hội nhập sâu rộng.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm trên nhiều khía cạnh: VN đang là điểm sáng về du lịch, lượng khách quốc tế đến VN đang tăng nhanh, số lượng khách du lịch quốc tế trong 3 năm (2015 - 2018) đã tăng gấp đôi, tăng từ 7,9 triệu lượt khách lên 15,5 triệu lượt khách.
Riêng năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến VN đạt 18 triệu lượt, doanh thu từ khách quốc tế đạt 726.000 tỉ đồng. Năm nay, ngành du lịch VN đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tiềm năng du lịch của VN, ngành du lịch nước ta đứng 63/140 quốc gia theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, có tỉ lệ tăng trưởng khách quốc tế trung bình 14%/năm.
Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương dự báo du lịch VN sẽ dẫn đầu khu vực giai đoạn 2019 - 2023.
Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Thu Hương, hoạt động kinh tế ban đêm hiện còn manh mún dưới các loại hình như khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm, quán cà phê, bar, rạp chiếu phim, vũ trường, nghệ thuật đường phố.
Có thể kể tới khu phố đi bộ quanh hồ Gươm (Hà Nội), phố đêm Bùi Viện (TP.HCM), chợ đêm Ninh Kiều (Cần Thơ), chợ đêm Hội An (Quảng Nam), chợ đêm Nha Trang (Khánh Hòa).
Hoạt động kinh tế đêm sôi động nhất hiện nay tại các đô thị lớn là karaoke, vũ trường, quán bar, nhưng số lượng hộ kinh doanh đăng ký mở cửa qua đêm rất ít.
Tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, năm 2016 doanh thu các hộ mở cửa đến 2h sáng tăng hơn 50%, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng 30%. Số hộ kinh doanh đăng ký qua đêm tại phố Tạ Hiện sau 2 năm giảm từ 65 hộ xuống còn 54 hộ.
Bên cạnh đó, cả nước mới có khoảng 20 chợ đêm phục vụ khách du lịch, khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, tập trung ở Hà Nội, TP.HCM.
Số liệu nghiên cứu của Master Card cũng chỉ ra rằng trung bình mỗi du khách quốc tế tới Bangkok (Thái Lan) chi tiêu khoảng 173 USD/ngày, trong khi đến VN chỉ chi tiêu khoảng 96 USD/ngày.
"Kinh tế đêm hướng tới giới trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người có khả năng chi tiêu cao. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng tăng nhanh, giai đoạn 2014 - 2016, mỗi năm có 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, có xu hướng dành nhiều tiền, thời gian để tận hưởng du lịch.
Đây là những nhóm người có nhu cầu chi tiêu cao, có nhiều khả năng tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm. Việc phát triển kinh tế đêm thời gian tới sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch" - TS Hương nói.
* Thành phố Sydney (Úc): Doanh thu kinh tế đêm đạt 2,7 tỉ AUD (năm 2012).
* Thành phố New York (Mỹ): Doanh thu kinh tế đêm khoảng 19 tỉ USD (năm 2018).
* Thành phố Toronto (Canada): Doanh thu kinh tế đêm đạt 4,38 tỉ USD (năm 2017).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận