26/06/2020 09:00 GMT+7

Kinh tế đêm, động lực mới cho ngành du lịch

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Chính phủ sẽ thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại một số TP lớn, nơi có đông khách du lịch và người dân có thu nhập cao như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Đà Lạt, Huế...

Kinh tế đêm, động lực mới cho ngành du lịch - Ảnh 1.

Phố đêm Bùi Viện, TP.HCM đông đúc khách trước thời điểm dịch COVID-19 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Hoạt động kinh tế đêm như mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, thể thao về đêm sẽ là động lực kích cầu du lịch thời gian tới.

Kinh tế ban đêm, "TP không ngủ" từ lâu là một phần không thể thiếu ở các đô thị lớn, nhất là đô thị du lịch. Ngoài TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng với khu "phố Tây" Bùi Viện, vài năm gần đây, các khu chợ đêm, phố đi bộ ở nhiều đô thị khác cũng được ghi nhận là những điểm đến hút khách.

Sôi động phố đi bộ Hà Nội

Năm 2016, Hà Nội chính thức mở phố đi bộ quanh hồ Gươm và tạo điều kiện cho các dịch vụ ban đêm phát triển, các cửa hàng kinh doanh trong khu vực phố cổ được mở cửa tới 2h sáng, được tổ chức chợ đêm 3 ngày cuối tuần.

Phố đêm quanh hồ Gươm đã trở thành điểm hẹn của nhiều người trẻ đất Hà thành. Nam - nhân viên một công ty công nghệ trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy - cho biết khoảng 1 năm nay anh cùng nhóm bạn luôn chọn những quán bia vỉa hè trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) hoặc những quán trà đá, trà chanh bên bờ hồ Gươm để tụ tập.

Có những đêm cuối tuần, cả nhóm overnight (qua đêm) để xả hơi sau một tuần làm việc căng thẳng.

Còn Nguyễn Phương Anh - hướng dẫn viên Công ty du lịch V.S Travel tại Hà Nội - cho hay du khách tới từ châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc rất thích khám phá phố đêm Hà Nội, với các hoạt động âm nhạc đường phố và ẩm thực vỉa hè rất đặc trưng của thủ đô.

Trong khuôn viên 36 phố phường Hà Nội về đêm, du khách có thể ghé các bar quanh bờ hồ để nghe nhạc, thưởng thức đồ uống theo cách rất riêng của Hà Nội.

Tan cuộc vui trong các quán bar, khách du lịch có thể tham quan mua sắm tại chợ đêm Đồng Xuân và thưởng thức những dãy phố bán lẩu vừa rẻ, vừa ngon của đất Hà thành.

Du khách cũng có thể tạt qua phố ẩm thực Tống Duy Tân để thưởng thức hàng loạt món ăn lúc rạng sáng như mì gà tần, lẩu, bún, bánh cuốn... và các hàng cà phê. Đây cũng là địa điểm thường được du khách nước ngoài ghé thăm vào đêm bởi tình trạng lệch múi giờ khiến những vị khách phương xa khó ngủ.

Tại nhiều quán cà phê trên phố Tống Duy Tân, du khách có thể ngả lưng trên những chiếc sofa lấy lại sức để tiếp tục khám phá TP không ngủ vào những dịp cuối tuần.

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội, những dịp cuối tuần khu phố đi bộ quanh hồ Gươm đón từ 18.000 - 25.000 du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm. Những dịp kỷ niệm đặc biệt, lượng khách tăng lên đến 30.000 người.

Kinh tế đêm đang đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, năm 2018 quận Hoàn Kiếm (có phố đi bộ quanh hồ Gươm) thu ngân sách đạt 7.728 tỉ đồng, trong đó có đóng góp không nhỏ của các hoạt động kinh tế ban đêm.

Kinh tế đêm, động lực mới cho ngành du lịch - Ảnh 2.

Phố đi bộ ở Hà Nội cũng là không gian biểu diễn của các nghệ sĩ đường phố - Ảnh: NAM TRẦN

Đà Nẵng khuyến khích kinh tế ban đêm

Sau khi Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế ban đêm, nhiều địa phương đã tính tới việc phát triển các hoạt động kinh doanh về đêm để kéo dài thời gian vui chơi, giải trí, mua sắm của du khách, đồng thời tăng nguồn thu cho ngành du lịch.

Bên cạnh các khu chợ đêm ở khu vực Sơn Trà, Hải Châu, Sông Hàn hoạt động tới 0h hằng ngày, từ tháng 10-2019, TP Đà Nẵng đã thí điểm phát triển kinh tế ban đêm với 3 nhóm dịch vụ chính: ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm.

TP Đà Nẵng cũng quy hoạch, xây dựng nhiều không gian giải trí mới với trải nghiệm bãi biển không ngủ dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành với các khu cắm trại, tắm biển ban đêm, dịch vụ massage chân, chiếu phim trên bãi biển, nhà hàng ẩm thực, quán bar, pub, tổ chức phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn.

Để khai thác tối đa các tour du lịch đêm trên sông Hàn, TP Đà Nẵng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đóng tàu lưu trú đạt chuẩn 4-5 sao, tàu phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển dịch vụ bar, cà phê trên du thuyền.

Các hoạt động, sự kiện văn hóa biểu diễn 2 bên bờ sông Hàn được tổ chức nhiều hơn để tạo điểm nhấn văn hóa vui chơi ban đêm.

Ngoài 3 đô thị lớn nhất nước, hiện các TP Vũng Tàu, Nha Trang, Huế, Vinh, các tỉnh Cao Bằng, Quảng Bình đang phát triển dịch vụ kinh tế ban đêm nhưng mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, các hoạt động kinh tế ban đêm thường kết thúc trước 23h đêm.

Cho đến nay, chưa có địa phương nào có chiến lược, quy hoạch dài hạn để phát triển kinh tế ban đêm.

Động lực tăng trưởng mới

Một chuyên gia kinh tế nhận định muốn phát triển kinh tế về đêm cần xác lập khu vực, không gian công cộng, các khu vực chiến lược riêng biệt để phát triển các hoạt động về đêm như các khu văn hóa di sản mang tính quốc tế, vùng, địa phương đặc trưng, khu vực chuyên về ẩm thực, mua sắm, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, trình diễn nghệ thuật, thể thao.

Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - cho rằng việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời gian, cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Không chỉ khách du lịch mà một bộ phận dân cư đô thị cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống, giải trí vào ban đêm.

Theo ông Ánh, kinh tế ban đêm sẽ là một động lực tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, cần có giải pháp xử lý, quản lý phù hợp những vấn đề có thể phát sinh. Ví dụ, cần quy hoạch những khu tập trung phát triển kinh tế ban đêm, để không ảnh hưởng tới những người dân có nhu cầu nghỉ ngơi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - nói không phải cứ kinh tế ban đêm là có phát sinh tiêu cực. Quán bar, vũ trường, karaoke gắn với ban đêm vì nó phục vụ những người ban ngày họ vẫn làm việc, ban đêm có nhu cầu sử dụng các dịch vụ.

Theo ông Đồng, điều quan trọng là phải có giải pháp hợp lý để các hoạt động kinh tế đêm diễn ra bình thường, đóng góp cho tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế đêm là vấn đề của từng địa phương, cần trao thêm quyền để họ có thể khai thác tối đa lợi thế du lịch gắn với từng vùng đất. Địa phương nào đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế đêm thì nên để HĐND tỉnh, TP quyết định cơ chế.

Địa phương muốn phát triển kinh tế đêm buộc phải chi thêm tiền để bảo đảm an ninh trật tự, đầu tư cho hạ tầng chiếu sáng, các dịch vụ giải trí, mua sắm về đêm để gây ấn tượng với du khách.

* Ông Nguyễn Trùng Khánh (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Sẽ có giải pháp, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế đêm

Bên cạnh đề án kinh tế về đêm do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, xây dựng, hiện Tổng cục Du lịch cũng đang giao cho Vụ lữ hành lập một đề án nghiên cứu phát triển kinh tế đêm.

Qua đề án này, tổng cục sẽ đánh giá cụ thể tác động hoạt động kinh tế về đêm với ngành du lịch, từ đó tham mưu cho Chính phủ đưa ra giải pháp, kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế về đêm.

Tư duy mở về các hoạt động nhạy cảm

Về định hướng phát triển kinh tế đêm, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm như hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm.

Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm nhưng thực tế các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thử nghiệm chính sách kinh doanh dịch vụ nhạy cảm theo hướng hợp thức hóa một số loại hình hoạt động giải trí với người trưởng thành nhằm tăng sức hút với khách du lịch, trình Chính phủ vào năm 2021.

(Nội dung đề án kinh tế ban đêm của Bộ Kế hoạch và đầu tư)

Kinh tế đêm, động lực mới cho ngành du lịch - Ảnh 5.
TP.HCM hạn chế vận chuyển hàng hóa ban ngày, xây dựng đề án kinh tế đêm TP.HCM hạn chế vận chuyển hàng hóa ban ngày, xây dựng đề án kinh tế đêm

TTO - Đó là nội dung lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu tại cuộc họp duyệt kế hoạch, nhiệm vụ giải pháp năm 2020 của Sở Giao thông vận tải TP chiều 11-2.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên