Các cử tri đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử sơ bộ “Siêu thứ ba” ở quận Cam, bang California hôm 24-2 - Ảnh: Reuters
Hơn ai hết, Tổng thống Trump sẽ là người theo dõi sát sao nhất các cuộc bầu cử này, vì ai là người chiến thắng trong ngày "Siêu thứ ba" sẽ đặt một chân vào cuộc đua vào Nhà Trắng với ông Trump tháng 11 năm nay.
"Siêu thứ ba" là gì?
Tới những giờ phút cuối cùng trước khi các địa điểm bỏ phiếu được mở vào sáng thứ ba (tối 3-3 giờ Việt Nam), tất cả ứng cử viên Đảng Dân chủ vẫn đang bận rộn vận động tranh cử.
Năm nay có đến 14 bang ở Mỹ tiến hành bầu cử trong ngày "Siêu thứ ba" (ngoài ra còn có vùng lãnh thổ hải ngoại American Samoa) với tổng số phiếu đại cử tri lên đến 1.344 người, tương đương hơn 1/3 số phiếu đại cử tri (33,8%); trong đó đáng chú ý 2 bang đông dân nhất của nước Mỹ là California và Texas sẽ tổ chức bầu cử vào ngày này.
Với người Mỹ, ngày thứ ba vẫn luôn đồng nghĩa với ngày bầu cử. Hơn 170 năm trước (năm 1844), Quốc hội Mỹ đã thông qua bộ luật trong đó quy định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tiến hành vào "ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11". Và kể từ đó, ngày thứ ba cũng trở thành ngày bầu cử của đại đa số các bang ở Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ chọn thứ ba là ngày của các cuộc bầu cử. Vẫn còn là một nước nông nghiệp lúc đó, ngày chủ nhật được coi là ngày nghỉ và đi lễ nhà thờ, ngày thứ tư là ngày họp chợ, thứ hai và thứ năm không phù hợp vì vào lúc đó các cử tri có khi phải đi cả ngày để đến địa điểm bầu cử. Cuối cùng thứ ba được coi là ngày tốt nhất được chọn để tổ chức bầu cử.
Nhưng khái niệm ngày "Siêu thứ ba" chỉ xuất hiện kể từ năm 1984 khi lần đầu tiên có 9 bang đồng thời tổ chức các cuộc bầu cử. Kể từ đó đến nay, ngày "Siêu thứ ba" trở thành ngày quan trọng thứ hai trong năm bầu cử, chỉ sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 vì yếu tố quyết định đến việc ai sẽ chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống.
Sanders, Biden và "nhân tố bí ẩn"
Lịch sử đã cho thấy "Siêu thứ ba" sẽ là ngày hội đối với một số người nhưng cũng sẽ chấm dứt giấc mơ với những người khác.
Từ năm 1984 trở lại đây, ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tại các cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày này cuối cùng cũng đều trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, như trường hợp của bà Clinton năm 2016, ông Barack Obama năm 2008 và ông John Kerry năm 2004 trước đó.
Do đó bước chân vào ngày "Siêu thứ ba", cả 6 ứng cử viên còn lại đều có rất nhiều kỳ vọng. Sau 4 vòng đua ban đầu, với 3 ứng cử viên thay nhau chiến thắng, số phiếu chênh lệch giữa các ứng cử viên không nhiều.
Trong khi ông Sanders và ông Biden đang tạm có lợi thế với 56 và 48 phiếu đại cử tri. Bà Warren và bà Klobuchar cũng đang ở không xa với số phiếu lần lượt là 8 và 7.
Ứng cử viên số 1 Sanders hi vọng sẽ mở rộng khoảng cách với các ứng cử viên khác, thậm chí hạ knock-out sớm các đối thủ khác nếu giành được đại đa số phiếu tại 14 bang trong ngày "Siêu thứ ba" này.
Sau thất bại trước bà Clinton vào ngày này năm 2016, ông Sanders hi vọng kết quả lần này sẽ khác khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông vẫn đang dẫn đầu cho đến trước ngày bầu cử. Trong trường hợp ông Sanders giành được đại đa số phiếu, khó ai có thể cản được ông trên con đường trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
Sau thắng lợi tại cuộc bầu cử ở bang South Carolina đúng 2 ngày trước đó, cựu phó tổng thống Biden đã hồi sinh và đang có động lực lớn để thu hẹp khoảng cách, thậm chí vượt ông Sanders trong các cuộc bầu cử này, nhất là sau khi ông Buttigieg - một người có quan điểm ôn hòa giống ông Biden - rút lui khỏi cuộc đua.
Đối với vị phó tổng thống từng 2 lần thất bại trong việc ra tranh cử tổng thống, ngày "Siêu thứ ba" sẽ là cơ hội "cuối cùng hoặc không bao giờ". Nhưng với nguồn tài chính ngày càng eo hẹp, khó có khả năng ông Biden có thể làm một cuộc lật đổ ngoạn mục sau những thất bại trong các cuộc bầu cử đầu tiên.
Đối với 3 ứng cử viên nữ lần đầu ra tranh cử tổng thống là Warren, Klobuchar và Gabbard, các cuộc bầu cử "Siêu thứ ba" sẽ là cơ hội để quay trở lại đường đua.
Từng là ứng cử viên số 1 chỉ vài tháng trước nhưng lại chưa giành được thắng lợi nào, chỉ có chiến thắng trong ngày này mới có thể giúp bà Warren đảo ngược tình thế. Còn đối với bà Klobuchar và bà Gabbard, rất có thể đây sẽ là thời điểm đẹp để khép lại cuộc đua nếu không có bất ngờ xảy ra.
Cuối cùng không thể không kể đến "nhân tố bí ẩn" Bloomberg. "Siêu thứ ba" sẽ là màn ra mắt của vị tỉ phú này và cho thấy liệu tiền có mua được sự ủng hộ của cử tri. Khác với các ứng cử viên khác, ông Bloomberg đã lựa chọn một chiến thuật "vô tiền khoáng hậu" khi bỏ 4 cuộc bầu cử đầu và chỉ bắt đầu tham gia cuộc đua từ ngày "Siêu thứ ba".
Không phải bận tâm về các cuộc bầu cử trước đó, ông Bloomberg đã giành toàn bộ thời gian và tiền bạc để vận động tranh cử tại 14 bang này. Một kết quả tích cực sẽ là động lực để ông có thể đi tiếp, còn nếu không sẽ là dấu chấm hết cho giấc mơ tổng thống của vị tỉ phú giàu thứ 8 của nước Mỹ.
Một thắng lợi cho bất kỳ ứng cử viên nào sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc đua. Nhưng nếu kết quả của các cuộc bầu cử trong ngày "Siêu thứ ba" chia đều cho các ứng cử viên như đã xảy ra năm 1988, lúc đó cuộc đua sẽ vẫn rộng mở cho các ứng cử viên. Tổng thống Trump sẽ phải đợi đến các cuộc bầu cử "Siêu thứ ba nhỏ" diễn ra trong tháng 3 và tháng 4 tới mới có thể biết đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 là ai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận