Ngày xuân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNV) - dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn cởi mở về kiều bào.
Tết nghĩa là hy vọng
* Đối với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, Xuân quê hương, Tết cộng đồng có ý nghĩa gì, thưa bà?
- Có một câu nói rất hay: "Tết có nghĩa là hy vọng". Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền là thời khắc gác lại vướng mắc, ưu tư của năm cũ và bước vào năm mới với một tâm thế mới, nhiều hy vọng.
Thế nhưng không phải tất cả người Việt ở nước ngoài đều may mắn có điều kiện được về quê hương sum họp với gia đình.
Thấu cảm điều đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hằng năm luôn tổ chức các chương trình Xuân quê hương, Tết cộng đồng cho kiều bào ở sở tại, cho cả du học sinh và người lao động có thời hạn.
Trong bốn mùa Tết cộng đồng mà tôi tham gia tổ chức khi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại London (Anh), kiều bào đều bộc bạch cả năm chỉ trông chờ một ngày Tết để bước chân vào đại sứ quán, như trở về một mái nhà chung, hưởng hương vị ngày Tết ấm áp.
Những sinh viên hay lao động người Việt ở xa không thể đến đại sứ quán cũng tự tổ chức các hoạt động vui Tết, mời bạn bè và người dân sở tại đến chung vui. Đây cũng chính là một dịp để giới thiệu truyền thống, nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
* Những hoạt động như Xuân quê hương, đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tham dự giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam… được kiều bào hưởng ứng ra sao?
- Từ khi có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã có nhiều hoạt động để gắn kết kiều bào với quê hương và gắn kết kiều bào với nhau. Bà con rất mong chờ các sự kiện này, đăng ký tham dự ngày càng đông.
UBNV cố gắng tổ chức các hoạt động với số lượng đại biểu tối đa có thể, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con kiều bào. Có thể kể đến Xuân quê hương, giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè thanh thiếu niên, đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1…
Năm 2016, tôi đã cùng đoàn kiều bào đi thăm và động viên cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Tôi cảm nhận bà con rất xúc động khi được đến tận nơi, được chứng kiến tận mắt từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, được bắt tay hay ôm vào lòng những chiến sĩ trẻ, như con em mình, đang ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.
Chương trình này cũng có tác động rất lớn. Khi trở về, bà con đã thành lập các câu lạc bộ yêu biển đảo, Câu lạc bộ Trường Sa, gần nhất là sự ra đời của Liên hiệp các câu lạc bộ Trường Sa ở châu Âu.
Kiều bào ta cũng tổ chức các triển lãm ảnh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mùa hè vừa qua tại Paris (Pháp), kiều bào lần đầu tiên tổ chức hội thảo về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bên cạnh đó, bà con còn đóng góp vật chất như trao tặng ca nô cho các đảo mà bà con đặt tên là "xuồng chủ quyền".
Hay như sự kiện Trại hè Việt Nam đã 18 lần tổ chức, có sự tham gia của hơn 2.100 thanh thiếu niên kiều bào trên toàn thế giới. Trở về đất mẹ, các bạn được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm đền Hùng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, làm công tác thiện nguyện…
Các bạn trẻ đã vô cùng xúc động khi đến thăm những "địa chỉ đỏ", thăm nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ, có những người đã hy sinh khi chỉ trạc tuổi các bạn.
Tôi đã nhiều lần nhìn thấy những giọt nước mắt trên gương mặt các em, nhiều em còn là con lai mang hai dòng máu Việt và nước ngoài. Trở về nước sở tại, chính các em đã truyền tải tình yêu quê hương đến bạn bè cùng trang lứa và cả bạn bè nước ngoài.
* Chương trình Xuân quê hương ở Việt Nam dịp Tết đến xuân về luôn được kiều bào mong chờ. Năm nay có các điểm nhấn gì?
- Năm 2024, chương trình Xuân quê hương sẽ lần thứ ba được tổ chức tại TP.HCM. Không chỉ là trung tâm kinh tế - thương mại - tài chính lớn nhất cả nước, TP.HCM còn là địa phương có nhiều dấu ấn về văn hóa, lịch sử và là địa phương có số lượng kiều bào đứng đầu cả nước với khoảng 2,8 triệu người.
TP.HCM chịu tổn thất rất nặng nề trong đại dịch COVID-19, nhưng bằng bản lĩnh kiên cường vốn có, TP.HCM đã nhanh chóng phục hồi và vươn mình đứng dậy.
Chúng tôi mong rằng Xuân quê hương là một món quà, sự tri ân, động viên của cả nước, cả dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.
Kiều bào sẽ tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa để tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của đất nước và TP.HCM như tham quan thành phố thông minh Thủ Đức, trải nghiệm hệ thống tàu điện ngầm.
Đặc biệt, bà con cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ thực hiện nghi thức dâng hương, thả cá chép truyền thống tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - bến Nhà Rồng, dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng" tại hội trường Thống Nhất.
Tôi tin rằng đây là một chương trình phong phú, đặc sắc, mang lại nhiều thông tin cũng như nhiều cảm xúc đối với kiều bào.
* Người Việt hiện nay đang giữ gìn, thể hiện, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có Tết cổ truyền, đến cộng đồng sở tại như thế nào?
- Có một câu nói nổi tiếng "Còn văn hóa là còn dân tộc". Tôi cho rằng văn hóa trước hết phải được giữ gìn từ trong gia đình, sau đó đến cộng đồng và toàn xã hội. Mỗi kiều bào là một sứ giả sống hằng ngày ở nước sở tại.
Có một câu chuyện khiến tôi rất xúc động về một kiều bào sinh ra ở Mỹ thuộc thế hệ 8X. Gia đình cô sống lẻ loi ở một thị trấn nhỏ, không có người Việt nào.
Đi học, dù đôi khi gặp phải sự kỳ thị sắc tộc, cô ấy vẫn luôn tự hào về gốc gác Việt của mình nhờ luôn được giáo dục và giữ gìn truyền thống của gia đình. Mỗi dịp Tết cả nhà phải đi rất xa để mua về những món đồ, thức ăn để đón năm mới.
Giờ đây, đã trưởng thành và thành công trong sự nghiệp, có vị trí trong hệ thống cơ quan Chính phủ Mỹ, cô ấy có dịp đến Hà Nội.
Cô chia sẻ với tôi rằng lần đầu tiên về Việt Nam và đến Hà Nội, cô đã rất xúc động, thấy thật gần gũi, thân thương, dường như có sợi dây vô hình kết nối cô với nguồn cội. Cô sẽ tiếp tục dạy truyền thống, văn hóa người Việt cho con gái mình.
Gìn giữ văn hóa còn là giữ gìn, bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Cuối tháng 8-2023, tôi có dịp sang thủ đô Bratislava Slovakia dự lễ chúc mừng cộng đồng người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này.
Giây phút chào cờ Tổ quốc thiêng liêng trong thanh âm bài Tiến quân ca hùng tráng vang lên từ giọng hát của một ca sĩ opera trẻ gốc Việt, tôi trào dâng cảm xúc.
Cũng trong năm vừa qua, tôi đã được đến thăm Vietnam Town (Phố Việt Nam) của người Việt ở Udon Thani.
Khu phố dài gần 1km có tới 99% là người Thái gốc Việt, sẽ là nơi phát triển các hoạt động kinh doanh, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thái Lan. Đây cũng là Vietnam Town đầu tiên trên thế giới.
Trao "tấc đất cắm dùi"
* Trong các hoạt động đối ngoại năm nay, nhiều người ấn tượng với việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà tận nhà riêng khi đến Áo. Cuộc gặp này gửi gắm thông điệp gì, thưa bà?
- Trong chương trình đi thăm nước ngoài, dù lịch trình bận rộn nhưng lãnh đạo Việt Nam luôn dành thời gian để gặp cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thậm chí đến tận nhà riêng để thăm hỏi. Qua các hoạt động đó, bà con ta cảm thấy sự quan tâm, tình cảm gần gũi của lãnh đạo Việt Nam.
Tôi đã tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Áo hồi tháng 7-2023 và trực tiếp chứng kiến giây phút cảm động khi Chủ tịch nước đến thăm gia đình tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà - chuyên gia vật lý lượng tử, giáo sư giảng dạy tại Đại học Bách khoa Vienna.
Khi nghe tiến sĩ Hà chia sẻ rằng chỉ cần có ý tưởng khoa học, dù là "điên rồ" thì luôn có người sẵn sàng đầu tư cho ông thực hiện, Chủ tịch nước đã nói với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy rằng khoa học là phải dấn thân và đôi khi cũng cần đầu tư "rủi ro", đó cũng là một kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam.
Bản thân tiến sĩ Hà cũng xúc động bày tỏ sẵn sàng cống hiến những thành tựu khoa học của ông cho Việt Nam.
Các cuộc gặp như vậy đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây cũng là một nguồn lực to lớn mà có lẽ chúng ta cũng chưa đánh giá và phát huy đầy đủ. Về nguồn lực kinh tế, hiện có nhiều doanh nhân kiều bào thành đạt đầu tư về quê hương.
Tính đến tháng 11-2023, đã có 421 dự án với tổng số vốn 1,722 tỉ đô la Mỹ đầu tư ở hơn 40 tỉnh thành. Năm 2022, dù có những khó khăn song Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất, ước đạt khoảng 19 tỉ USD.
Về nguồn lực trí thức, hiện có khoảng 600.000 kiều bào có trình độ từ đại học trở lên, trong số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. 80% cộng đồng sống ở các nước phát triển.
Rất nhiều người Việt đang làm việc trong những lĩnh vực quan trọng và tiên phong như công nghệ nano, lượng tử, làm việc ở Thung lũng Silicon, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng.
* Vậy làm sao để phát huy hơn nữa nguồn lực kiều bào trí thức sắp tới?
- Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn của GS Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp, chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam) đã được Chính phủ hỗ trợ cơ chế về sử dụng đất.
Giáo sư từng chia sẻ với tôi mong muốn trung tâm sẽ là địa chỉ thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, cống hiến, để các nhà khoa học nước ngoài đến giao lưu với các nhà khoa học Việt Nam.
Ông cũng có một trăn trở là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu vắng những vườn khoa học để trẻ em đến đọc sách và khởi tạo tình yêu với khoa học. Với những trí thức có nhiều sáng kiến tâm huyết như vậy, chúng ta phải tạo ra cơ chế, đãi ngộ phù hợp để họ cống hiến.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong một lần gặp gỡ kiều bào đã từng chia sẻ tâm tư của bà con người Việt mình là ở đâu cũng lo có "tấc đất cắm dùi" để an cư lạc nghiệp.
Như vậy, muốn bà con trở về đầu tư hay tham gia nghiên cứu khoa học để đóng góp trực tiếp xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta phải có chính sách về nhà ở, đất đai, tạo thuận lợi nhất định cho kiều bào.
Cũng cần tạo điều kiện, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ xứng đáng cho trí thức về nước giảng dạy, nghiên cứu. Các trường đại học của Việt Nam đã được trao quyền tự chủ về tài chính thì cũng cần chủ động, tự chủ trong tuyển dụng, chiêu mộ trí thức người Việt ở nước ngoài về không chỉ để giảng dạy mà quan trọng hơn là để nghiên cứu khoa học.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia mới được khai trương, tôi cho rằng cần chính sách đặc biệt để thu hút trí thức về đây làm việc, nghiên cứu. Hiện có nhiều hội trí thức, hội chuyên gia ở các nước như Úc, Anh, Pháp, gần đây nhất là Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở châu Âu quy tụ nhiều bạn trẻ tài năng và tâm huyết.
Mong rằng ngoài việc mưu sinh, sống và làm việc ở nước sở tại, các trí thức người Việt của chúng ta sẽ đóng góp cho đất nước thông qua việc đồng chủ trì đề tài nghiên cứu, tham gia từ xa hay chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình...
6 triệu và 19 tỉ
Hiện nay có gần 6 triệu người Việt sinh sống ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 600.000 trí thức có trình độ từ đại học trở lên.
Năm 2022, kiều hối chuyển về Việt Nam đạt gần 19 tỉ USD. Năm 2023, riêng lượng kiều hối về TP.HCM đạt khoảng 9 tỉ USD, gần gấp ba lần FDI (3,4 tỉ USD). Kiều hối trong 20 năm tương đương với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân.
Tiếng "mẹ" thân thương
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, ngày 8-9 hằng năm được chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Ngày Tôn vinh tiếng Việt là đề án mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tiếng Việt.
Trong năm 2023, UBNV cũng đã triển khai xây dựng tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước như Nhật Bản, Slovakia, Áo, Hungary... Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan và Lào tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp trao tặng kiều bào hàng ngàn cuốn sách học tiếng Việt.
"Khi tháp tùng Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong chuyến thăm đến Na Uy, chúng tôi đã có dịp thăm và tặng thư viện thành phố Oslo một số bộ sách tiếng Việt và song ngữ Anh - Việt. Tôi vô cùng bất ngờ khi biết rằng thư viện cũng có hơn 2.000 đầu sách Việt Nam. Họ rất trân trọng món quà từ đoàn, vì người dân Việt Nam và Na Uy đều có điểm chung là ham đọc sách.
Tặng sách cho cộng đồng nghĩa là chúng ta cũng muốn cộng đồng giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc. Sách là tri thức, không chỉ dạy chữ mà còn dạy giá trị nhân văn, đạo lý của dân tộc qua những câu chuyện cổ tích, sách là bài hát, là lịch sử, là văn hóa" - bà kể.
Theo nữ lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sách không chỉ dành cho cộng đồng người Việt Nam mà còn dành cho những người vì yêu văn hóa Việt, yêu người Việt mà nảy sinh tình yêu với tiếng Việt.
"Vì vậy, chúng tôi chú ý đến việc tặng các cuốn sách song ngữ để mọi người tiếp cận dễ dàng hơn. Tôi vẫn trăn trở với sách và tiếng Việt. Thời gian tới, UBNV sẽ đặt hàng với nhà xuất bản những đầu sách theo như mong muốn và nhu cầu của kiều bào, chứ không chỉ mang tặng những cuốn sách sẵn có" - bà chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận