24/04/2021 09:29 GMT+7

Kiến tạo hòa bình cho Myanmar

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia là thời điểm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò kiến tạo hòa bình, cầu nối cho đối thoại tìm giải pháp về khủng hoảng Myanmar.

Kiến tạo hòa bình cho Myanmar - Ảnh 1.

Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo (bìa phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phủ tổng thống ở Bogor, Indonesia ngày 23-4, trước thềm thượng đỉnh ASEA N ngày 24-4 - Ảnh: Reuters

Hôm 23-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Jakarta để tham dự Hội nghị các lãnh đạo ASEAN.

Trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ưu tiên thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN.

Sẵn sàng hỗ trợ Myanmar

Lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên ASEAN đều đến Jakarta, ngoại trừ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo không tham dự để giải quyết vấn đề trong nước. Ông Prayut và ông Duterte cử ngoại trưởng đi thay.

Thái Lan và Philippines đang đối phó với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 mới.

Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, bắt đầu từ 24-4, diễn ra sau nhiều nỗ lực trao đổi và tham vấn của các nước thành viên, với sự tập trung dành cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như ứng phó dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các thảo luận xung quanh tình hình Myanmar dự kiến phủ bóng chương trình nghị sự.

Quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác vào hôm 1-2. Sau sự kiện chính biến này, Myanmar chìm ngập trong các cuộc biểu tình chết người và trở thành mối quan tâm hàng đầu của ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.

Áp lực từ các cuộc biểu tình hậu chính biến cũng đang đè nặng lên Myanmar, đặc biệt là Thống tướng Min Aung Hlaing. Lãnh đạo quân đội Myanmar đã xác nhận tham dự Hội nghị các lãnh đạo ASEAN tại Jakarta và được kỳ vọng sẽ thể hiện lập trường, hướng giải quyết cũng như ý chí hợp tác với ASEAN nhằm tháo gỡ vấn đề này.

Sự có mặt của Thống tướng Min Aung Hlaing, chính vì vậy, đóng vai trò quan trọng cho kết quả làm việc của cuộc họp này, trong bối cảnh ASEAN phải giải quyết bài toán khó khi vừa đảm bảo đáp lại sự kỳ vọng của quốc tế dành cho ASEAN, vừa tìm cách thực hiện điều đó trong điều kiện tôn trọng nguyên tắc không can thiệp nội bộ nước thành viên như Myanmar.

Thực tế suốt thời gian qua ASEAN đã theo sát diễn biến Myanmar và phối hợp tìm giải pháp thông qua nhiều kênh đối thoại khác nhau. ASEAN đã thể hiện sự quan tâm, lo ngại và nhất trí rằng cần phát huy vai trò và tiếng nói, tìm cách tham gia hỗ trợ Myanmar để có giải pháp nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường.

Thúc đẩy vai trò của ASEAN

ASEAN, thông qua nhiều phiên làm việc chính thức và không chính thức, đã nhắc lại các mục tiêu, nguyên tắc đã thống nhất trong Hiến chương ASEAN - bao gồm nguyên tắc dân chủ, thượng tôn pháp luật và quản trị tốt, bảo vệ quyền và tự do cơ bản của con người, bày tỏ quan ngại sâu sắc với tình hình và diễn biến gần đây cũng như kêu gọi kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, sớm tiến hành đối thoại xây dựng để tìm giải pháp hòa bình, tiến tới hòa giải vì lợi ích và cuộc sống của người dân.

Chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu, Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình gần đây tại Myanmar và khẳng định ủng hộ việc áp dụng các phương thức của ASEAN trong tiếp cận tình hình Myanmar, mong muốn Myanmar sớm ổn định.

Cách thức Việt Nam nỗ lực và đóng góp vào việc tháo gỡ vấn đề cho Myanmar, bao gồm việc làm cầu nối và tích cực kêu gọi đối thoại, đến nay được xem là cách tiếp cận đúng đắn, góp phần quan trọng mở ra lối thoát cho tình hình Myanmar.

Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng đã thông tin, cập nhật cho Hội đồng Bảo an về những nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar.

Trong tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 4-2021), Việt Nam có những bước đi chủ động, thông tin tích cực về các hoạt động của ASEAN và kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc với các tổ chức khu vực.

Đây cũng là điểm mạnh được phát huy từ thành quả và nỗ lực của Việt Nam trong năm 2020 - thời điểm Việt Nam vừa là chủ tịch luân phiên ASEAN vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Thành công của ASEAN thời gian qua đã mang lại những bài học quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung.

Với Việt Nam, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này cũng góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong giải quyết các thách thức nổi lên cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Hoạt động của Thủ tướng ở Jakarta

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Jakarta, ngoài Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chào xã giao Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah - chủ tịch ASEAN 2021, có các cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh.

Hơn 250.000 người Myanmar rơi vào tình trạng không nhà Hơn 250.000 người Myanmar rơi vào tình trạng không nhà

TTO - Điều tra viên của Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 250.000 người rời bỏ nhà cửa ở Myanmar do các hoạt động trấn áp của quân đội, kêu gọi thế giới hành động, trong bối cảnh các lãnh đạo ASEAN họp ở Indonesia tuần này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên