Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Ảnh: Quochoi.vn
Trưa 17-11, trước giờ Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết ông thấy cần phải hoãn việc thông qua dự luật này, theo chương trình dự kiến là chiều nay.
Theo ông, điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 38 dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), cơ quan thẩm định ĐTM "công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Như vậy, cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai Quyết định phê duyệt ĐTM. Việc công khai ĐTM thuộc về chủ đầu tư, theo Khoản 5 Điều 37 của dự thảo luật này.
Trước đó, tại buổi đối thoại, trao đổi với nhóm các nhà khoa học, chuyên gia về những nội dung, vấn đề trong dự luật còn ý kiến khác nhau ngày 5-11, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã nói tiếp thu kiến nghị của các nhà khoa học về nội dung cơ quan thẩm định cũng công khai báo cáo ĐTM khi tiếp nhận thẩm định.
Đồng thời cho biết dự luật sẽ quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM công khai báo cáo này khi tiếp nhận để thẩm định, đồng thời công khai quyết định phê duyệt báo cáo của cơ quan thẩm định.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng "điều chỉnh này là chưa có sự thay đổi rõ ràng về bản chất của điều luật, vẫn đang hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng".
Do Luật tiếp cận thông tin chỉ có phạm vi điều chỉnh cơ quan Nhà nước, chưa điều chỉnh doanh nghiệp, nên vẫn có nguy cơ các nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận mà hạn chế sự tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến sự tác động xấu của dự án đến môi trường sống.
Hơn nữa, điều luật không bắt buộc phải công khai ĐTM, nên trong thực tế hiện nay cộng đồng rất khó khăn để tiếp cận những báo cáo quan trọng này.
Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, cơ quan nhà nước cần công khai toàn bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc cơ quan chức năng chỉ công khai quyết định phê duyệt ĐTM là không đúng vì bản thân Quyết định phê duyệt ĐTM không phải là cơ sở khoa học cho các phản biện với những dự án có nghi vấn về môi trường.
Các thông tin này cần được công bố rộng rãi vì đây là lĩnh vực khoa học - khoa học môi trường. Khoa học lại càng cần phải công khai, minh bạch.
"Việc công khai ĐTM cho phép và đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức độc lập, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường. Nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người", ông Nguyễn Lân Hiếu nói.
Sáng 11-11, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình lùi lịch biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi tới ngày 17-11, với lý do để cơ quan soạn thảo, thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật này.
Tại thời điểm ngày 3-11, sau tọa đàm "Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với luật BVMT sửa đổi" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và nhóm Công lý - môi trường - sức khỏe cùng tổ chức, các tổ chức này đã có thư kiến nghị xem xét chưa thông qua Luật BVMT sửa đổi tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa này.
Các chuyên gia lo ngại nếu Luật BVMT sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 10 này, đồng nghĩa Điều 131 quy định về nghĩa vụ Công khai thông tin về môi trường theo Luật BVMT 2014 sẽ bị bãi bỏ.
Khi đó, việc công dân yêu cầu cung cấp thông tin về môi trường, chắc chắn sẽ khó khả thi. Theo Điều 14 Luật tiếp cận thông tin, người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của luật này.
Cũng trong trao đổi với Tuổi Trẻ nhiều lần trước đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chuyên thẩm định ĐTM khẳng định ĐTM không chứa bí mật doanh nghiệp.
Trong khi đó, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận tại Điều 43: "Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận