Phóng to |
Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Phóng to |
Ngày 31-10, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã có báo cáo kiến nghị UBND TP xem xét đình chỉ ngay hoạt động của Công ty Hào Dương, đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP rút giấy phép khai thác nước sông Đồng Điền của công ty này.
Theo Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Công ty KCN), Công ty Hào Dương lấy nước từ hai nguồn: nước đã qua xử lý do khu công nghiệp cung cấp và nước mặt sông Đồng Điền. Do vậy, nếu rút giấy phép khai thác nước sông thì Công ty KCN có thể kiểm soát việc xả thải của Hào Dương dựa vào khối lượng nước đã cung cấp và khối lượng nước thải thu được qua hệ thống xử lý để nhận biết có chuyện xả thẳng nước thải ra sông hay không.
Sẽ chỉ đạo xử lý dứt điểm
Theo Công ty KCN, hợp đồng thu gom nước thải giữa công ty này với Công ty Hào Dương năm 2013 có giá khoảng 10.000 đồng/m3 nước thải loại C. Trước tháng 9-2013, mỗi ngày Hào Dương thải khoảng 1.000m3 vào hệ thống thu gom nước thải của Công ty KCN. Từ giữa tháng 9 đến khi Hào Dương bị bắt quả tang xả thải ra sông mới đây, mỗi ngày Công ty KCN chỉ thu về 700-800m3 nước thải từ Hào Dương. Từ ngày 25-10 đến nay (sau thời điểm Hào Dương bị bắt quả tang xả thải ra sông Đồng Điền), nước thải của Hào Dương vào hệ thống của Công ty KCN không tăng nhưng độ ô nhiễm nặng hơn trước rất nhiều. |
Ngày 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ Công ty Hào Dương tiếp tục xả nước thải ra môi trường chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP - cho biết UBND TP đã chỉ đạo giám đốc Sở TN-MT TP rà soát, báo cáo vụ việc. Quan điểm của UBND TP là xử lý nghiêm, kiên quyết, đúng pháp luật. “Không thể để kéo dài như vậy được. UBND TP đã chỉ đạo hai ba lần rồi, tại sao không làm được...?” - ông Tín nói. Ông Tín nhấn mạnh TP sẽ chỉ đạo xử lý dứt điểm và đúng sai như thế nào sẽ trả lời cho công luận rõ. Trả lời câu hỏi: “Công ty Hào Dương đã nhiều lần vi phạm về môi trường, lần này có xem xét đình chỉ hoạt động không?”, ông Tín nói: “Việc này phải làm theo luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đó”.
Cùng ngày, ông Đào Anh Kiệt - giám đốc Sở TN-MT TP - cho biết sau khi nhận được thông tin vụ việc, ông đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn rà soát mọi vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông Kiệt nói rằng đã nhận được phản ảnh: nước thải của Công ty Hào Dương không được tiếp nhận xử lý hết (theo quy định, nước thải của công ty phải đấu nối vào hệ thống xử lý chung của Khu công nghiệp Hiệp Phước) nên buộc công ty thải ra môi trường. “Đây là thông tin mà chúng tôi thu thập được và thấy có cơ sở chứ không phải nói láo, nên phải làm việc với các đơn vị liên quan để cùng làm rõ vấn đề này” - ông Kiệt thông tin. Tuy nhiên, ông Kiệt thừa nhận việc Hào Dương xả nước thải ra môi trường chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn dù với bất kỳ lý do gì cũng phải xử lý đúng quy định.
Vì sao không đưa vào danh sách ô nhiễm?
Ngày 27-6-2013, UBND TP có văn bản góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 (gửi Bộ TN-MT). Trong văn bản này, UBND TP nhận định và đề xuất về Công ty Hào Dương như sau: “Từ năm 2010 đến nay, đơn vị có những biện pháp tích cực trong việc xử lý nước thải và chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Xét về tính chất hành vi vi phạm, để việc xử lý được thuyết phục, đề nghị không đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Được biết văn bản trên do Sở TN-MT TP dự thảo và tham mưu cho UBND TP. Trong khi đó, công văn gửi UBND TP và Sở TN-MT TP góp ý cho dự thảo quyết định trên, Hepza kết luận: Công ty Hào Dương vẫn chưa khắc phục triệt để các vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường!
Giải thích về thông tin Công ty Hào Dương được đề nghị không đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để, ông Đào Anh Kiệt cho biết việc này sở sẽ kiểm tra lại... Tuy nhiên, ông Kiệt nói theo nguyên tắc chung nếu các cơ sở đã tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường thì không đưa vào danh sách, còn nếu tái phạm thì đưa vào “danh sách đen” gây ô nhiễm, buộc phải xử lý.
Ngày 31-10, ông Nguyễn Văn Trường - phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè - cho biết Công ty Hào Dương gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng gần 6.000 hộ dân sống tại hai xã Long Thới và Hiệp Phước. Mỗi khi có gió là toàn bộ hộ dân trên địa bàn xã Long Thới phải chịu đựng mùi hôi. Mỗi lần người dân phản ảnh nước sông ô nhiễm thì chính quyền địa phương đều đến hiện trường lấy mẫu nước, lập biên bản để chuyển đến Hepza hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM): Luật cấm hoạt động Khoản 2, điều 49, Luật bảo vệ môi trường quy định: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp: buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư... và cấm hoạt động. Công ty Hào Dương từng bị đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó hoạt động trở lại và liên tục tái phạm. Ngoài phạt tiền, quy định của luật áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hoạt động, chỉ khi nào khắc phục xong ô nhiễm, đảm bảo không gây ô nhiễm tiếp tục mới được hoạt động trở lại, thậm chí có thể cấm vĩnh viễn lĩnh vực hoạt động gây ô nhiễm. |
_____________________
Phải xử dứt điểm như vụ Vedan!
Phóng to |
ông Bùi Cách Tuyến - Ảnh: X.Long |
Nói về việc Công ty Hào Dương đã chín lần bị xử phạt và lần thứ mười bị bắt quả tang xả chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, ông Tuyến cho biết:
- Tôi nghĩ chín lần bị xử phạt và lần thứ mười bị bắt quả tang vi phạm cho thấy Hào Dương vẫn bất chấp để vi phạm. Đối với vi phạm của công ty này, trong kế hoạch thanh tra toàn quốc năm 2010, Tổng cục Môi trường cũng đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của công ty và kết quả thanh tra cho thấy công ty có nhiều vi phạm về môi trường trong hoạt động. Cụ thể như có những sai phạm, vi phạm chính về độ màu trong nước thải vượt 12 lần, COD vượt 14 lần, có chất vượt tới 19 lần. Tại thời điểm Tổng cục Môi trường thanh tra, công ty này vẫn chưa đấu nối đầy đủ hệ thống xử lý nước thải vào hệ thống chung đưa ra khu xử lý trung tâm, chưa xử lý về mùi hôi khí thải và việc vận chuyển quản lý chất thải nguy hại cũng không đúng quy chuẩn... cùng những vi phạm nhỏ khác.
* Sau thanh tra, khi đó Tổng cục Môi trường đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm của Hào Dương ra sao, thưa ông?
- Trong quá trình thanh tra, lực lượng thanh tra của Tổng cục Môi trường đã lập biên bản, chỉ rõ các sai phạm của Công ty Hào Dương tại thời điểm đó. Sau đó, theo phân cấp, Tổng cục Môi trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ và kiến nghị cho UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt theo đúng thẩm quyền. Tôi được biết từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng của TP.HCM cũng đã kiểm tra thêm công ty này một số lần. Trong những lần kiểm tra đó, TP.HCM có xử phạt, còn việc công ty bất chấp để vi phạm như vậy thì phải làm rõ xem vì sao công ty này xem thường pháp luật. Việc này cứ để cơ quan điều tra của Bộ Công an làm tiếp.
* Theo ông, với một công ty có hoạt động chuyên sâu liên quan nhiều đến môi trường như Hào Dương sau chín lần bị xử phạt, giờ vẫn tiếp tục xả thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường thì cần xử lý thế nào?
- Vừa rồi, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) với chức năng được kiểm tra đột xuất, không cần phải báo trước đã bắt quả tang Hào Dương vi phạm. Như vậy cứ để cơ quan điều tra làm rõ, làm tới cùng. Hiện nay C49 cũng chưa có yêu cầu Bộ TN-MT cùng phối hợp, nếu có yêu cầu bộ sẵn sàng hợp tác. Hiện tại C49 điều tra độc lập.
Tôi nghĩ sau chín lần bị xử phạt mà Hào Dương vẫn tiếp tục vi phạm thì C49 và UBND TP.HCM sẽ phối hợp xử lý rốt ráo. Trách nhiệm chính trong xử lý Hào Dương là TP.HCM - các sở cấp phép, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP có trách nhiệm cùng C49 xử lý tới cùng để việc vi phạm không thể lặp lại.
* Được biết đầu năm 2013 Tổng cục Môi trường có đề xuất đưa Công ty Hào Dương vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng tháng 6-2013 UBND TP.HCM lại đề xuất đưa Hào Dương ra khỏi danh sách này. Tại sao lại có sự trái ngược trong xử lý như vậy, thưa ông?
- Việc đưa công ty ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hay đưa vào danh sách đều thuộc thẩm quyền của địa phương. Còn với lần vi phạm này của Hào Dương, Tổng cục Môi trường đang theo dõi và chờ xem C49, UBND TP.HCM giải quyết, xử lý vi phạm ra sao.
XUÂN LONG thực hiện
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Công ty Hào Dương bị đình chỉ hoạt độngPhạt Công ty Hào Dương 340 triệu đồngĐề nghị xử phạt Công ty Hào Dương theo tình tiết tăng nặngChưa thể “đóng cửa” Công ty Hào DươngHàng trăm tấn chất thải đổ ra sôngCông ty Hào Dương lại “giết” sông Đồng ĐiềnThu hồi quyết định xử phạt Công ty Hào DươngLại bắt quả tang Công ty Hào Dương đầu độc môi trường10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận