TS.BS Hàng Quốc Tuấn - giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang - cho biết 6 bệnh nhân đầu tiên được sử dụng chụp PET-CT là những người đang bị bệnh ung thư hoặc muốn tầm soát ung thư.
Trước khi chụp, người bệnh được tiêm vào cơ thể chất FDG-18 (thuốc phóng xạ), khoảng 10mCi (hoạt độ phóng xạ - PV)/người.
Sau khi tiêm khoảng 60 phút, bệnh nhân sẽ được đưa vào chụp PET-CT. "Mỗi bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc phóng xạ điều trị khoảng 19 triệu đồng (có bảo hiểm y tế)", ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, bệnh viện đang điều trị hơn 300 người bị bệnh ung thư. Máy PET-CT được đầu tư trên 60 tỉ đồng hơn 4 năm nay, nhưng chưa sử dụng được. Đây là máy duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long để giúp chẩn đoán, đánh giá giai đoạn chính xác trong bệnh lý ung thư, từ đó có hướng xử lý kịp thời.
"Hệ thống thiết bị Cyclotron sẽ sản xuất ra thuốc phóng xạ để phục vụ máy chụp PET-CT, nhưng hơn 10 năm qua máy chưa hoạt động được. Chúng tôi đã ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy để cung cấp nguồn thuốc phóng xạ (khoảng 6 tỉ đồng trong 2 năm - PV) và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm", ông Tuấn nói thêm.
TS Nguyễn Xuân Cảnh - trưởng khoa y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay chụp PET-CT là kỹ thuật hình ảnh chuyển hóa và hình ảnh cấu trúc tế bào trong cùng một lần ghi hình bệnh nhân.
Ghi hình một lần có thể bao phủ toàn thân, cho bức tranh toàn cảnh về hình ảnh chuyển hóa về các tổn thương trong cơ thể. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm hơn so với kỹ thuật hiện tại trong lĩnh vực ung bướu.
"Ngoài ra, chúng còn đo lường được các thông số tổn thương, chuyển hóa... Với kỹ thuật này, chúng ta có thể phát hiện sớm ung thư để có những biện pháp điều trị kịp thời", bác sĩ Cảnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận