26/05/2024 11:16 GMT+7

Kịch 'Buồn hết đêm nay' từ tác phẩm nổi tiếng của Higashino Keigo

Để mở màn mùa diễn thứ 8, Sân khấu Báo chí Nhân văn giới thiệu đến các bạn sinh viên vở kịch Buồn hết đêm nay. Đây là vở được chuyển thể từ tác phẩm "Thư" của nhà văn Nhật Higashino Keigo.

Cảnh trong vở kịch Buồn hết đêm nay - Ảnh: LINH ĐOAN

Cảnh trong vở kịch Buồn hết đêm nay - Ảnh: LINH ĐOAN

Buồn hết đêm nay (kịch bản: Đức Huy - Hoàng Khôi) do đạo diễn Đức Huy dàn dựng. 

Sân khấu Báo chí Nhân văn là dự án thuộc Câu lạc bộ kịch Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Khi định kiến có thể hủy hoại một con người

Higashino Keigo là một tác giả nổi tiếng ở Nhật Bản với nhiều tác phẩm mang màu sắc trinh thám. Ông đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá ở thể loại này.

Tại Việt Nam, có mấy chục đầu sách của ông được dịch và phát hành. Tác phẩm Thư nằm trong số những quyển sách đã được bày bán tại Việt Nam.

Tác phẩm cũng đã được dựng thành phim, gây được sự chú ý. 

Khi chuyển thể thành kịch nói, vở Buồn hết đêm nay giữ nguyên không khí, không gian đất nước Nhật, không Việt hóa.

Đó là câu chuyện của hai anh em Naoki là Tsuyoshi. Người anh Tsuyoshi vì muốn kiếm tiền lo cho em nên vào trộm một ngôi nhà và lỡ tay giết chết chủ nhân.

Anh bị kết án 20 năm tù. Người em Naoki ở bên ngoài phải đối diện với biết bao khắc nghiệt vì là em của một tên tội phạm.

Định kiến xã hội khiến cuộc sống của anh lâm vào bế tắc. Vở kịch dài gần 3 tiếng cũng là ngần ấy thời gian các bạn trẻ muốn chuyển tải đến người xem về những phận người đầy đau đớn và chua xót.

Cảnh kết thúc vở diễn Buồn hết đêm nay - Ảnh: LINH ĐOAN

Cảnh kết thúc vở diễn Buồn hết đêm nay - Ảnh: LINH ĐOAN

Qua hết đêm nay liệu có hết buồn?

Câu lạc bộ kịch Khoa Báo chí và Truyền thông thành lập từ năm 2017. Đến nay, qua 7 năm hoạt động, câu lạc bộ đã phục vụ khán giả sinh viên 8 mùa diễn với các vở kịch: Lá hát như mưa, Nằm khóc một mình, Trái tim hóa thạch, Đạo chích và quốc vương

Đây là sân chơi mà các bạn sinh viên đảm nhiệm hết tất cả mọi khâu từ đạo diễn, tác giả, diễn viên, cảnh trí, phục trang đến âm thanh, ánh sáng…

Người gắn bó ở vai trò tác giả, đạo diễn và "linh hồn" cho sân chơi này là Đức Huy, cựu sinh viên của khoa. 

Đến giờ sau nhiều năm tốt nghiệp, có công việc ổn định bên ngoài nhưng cứ đến mùa diễn là Huy lại trở về đồng hành cùng câu lạc bộ.

Huy đồng thời cũng là nhà tài trợ "bự" khi kinh phí cho mỗi vở kịch không đủ thì anh là người bù vô.

Buồn hết đêm nay có sự tham gia thực hiện của khoảng 30 sinh viên và cựu sinh viên, chuẩn bị, tập dượt cả 2 tháng trời.

Đức Huy có thời gian gắn bó với sân khấu Hoàng Thái Thanh nên xem kịch anh dựng ở câu lạc bộ mọi người hay đùa là… tiểu Hoàng Thái Thanh!

Bởi chủ đề kịch luôn khai thác những phận đời, phận người. Màu kịch có thể hơi "già dặn" so với sinh viên nhưng có lẽ đó là điều các bạn đang hướng tới, khai thác chất văn học không chỉ từ những tác phẩm, giảng đường mà còn qua lăng kính của kịch nói.

Soi chiếu yếu tố chuyên nghiệp vào kịch sinh viên thì có lẽ sẽ bắt đầy lỗi như thoại không rõ lời, diễn vụng về, xử lý ánh sáng yếu…

Tuy nhiên, điều mà Buồn hết đêm nay đã làm được là thể hiện sự nhiệt huyết, nghiêm túc và quan trọng đã chạm đến cảm xúc của người xem.

Vở kịch không làm người ta hoang mang với những nghiệt ngã của số phận. Tình thương, sự bao dung bao đời vẫn là liều thuốc cho mọi cơn đau.

Các bạn sinh viên chuẩn bị phục trang, cảnh trí cho vở diễn - Ảnh: BTC

Các bạn sinh viên chuẩn bị phục trang, cảnh trí cho vở diễn - Ảnh: BTC

Hết đêm nay liệu những nhân vật trong vở kịch hay những con người trong đời thật có hết buồn? Ừ, thì Buồn hết đêm nay thôi như là lời động viên mong chữa lành mọi nỗi đau trần thế.

Sau đêm diễn tối 25-6, vở sẽ có thêm đêm diễn tối 1-6 tại hội trường Văn Khoa (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q.1), sau đó ban chủ nhiệm sẽ tính toán thêm các suất kế tiếp.

Vở diễn mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh: Hồi xưa biển ngọt…Vở diễn mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh: Hồi xưa biển ngọt…

TTO - Chuyện kể rằng hồi xửa hồi xưa nước biển ngọt lắm. Rồi có người đàn bà bị chồng phụ bạc, chị ngày ngày ra đứng trước biển ngóng chồng mà khóc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên