Trong vở, ngoài nghệ sĩ Hoàng Sơn, Hoàng Hải còn có các nghệ sĩ Đinh Mạnh Phúc, Hoàng Yến, Hoàng Mèo, Lê Nam, Khôi Nguyên, Võ Đăng Khoa, Hồng Nhung…
Hoàng Sơn hết hồn với chàng trai… thiến heo Hoàng Hải
Gã thợ may (tác giả và đạo diễn: Đinh Mạnh Phúc) từng được sân khấu Hồng Vân dàn dựng khoảng năm 2018.
Nay vở làm lại với ê kíp mới. Ngoài là tác giả và đạo diễn, Đinh Mạnh Phúc đảm nhiệm luôn vai chính của vở, ông Sơn - gã thợ may mang nhiều đau đớn.
Gần đây, nghệ sĩ Hoàng Sơn về hợp tác với sân khấu Hồng Vân ở cả vai trò đào tạo và diễn viên.
Con trai lớn của ông là diễn viên trẻ Hoàng Hải thời gian qua được nghệ sĩ Hồng Vân tin cậy giao nhiều vở để anh làm đạo diễn.
Vở nhạc kịch sử Việt Tình sử Thăng Long diễn ra mùa Tết 2024 tại Nhà hát Bến Thành cũng do Hoàng Hải đạo diễn. Ba nghệ sĩ Kim Tử Long, Hồng Vân, Hoàng Sơn lùi lại làm cố vấn nghệ thuật.
Trong Gã thợ may, hai cha con Hoàng Sơn vào hai vai phụ. Hoàng Sơn là ông Bảy giàu có mở cuộc kén rể cho cô con gái duy nhất là Trinh (Hoàng Yến đóng).
Hoàng Hải là anh Mập thiến heo đến ứng tuyển. Tuy nhiên, thực tế anh ta chỉ dòm ngó tài sản gia đình ông Bảy. Với bản tính thô lỗ, anh Mập đã làm ông Bảy… lên bờ xuống ruộng vì cách ứng xử và cái nết nói chuyện bạt mạng!
Bi kịch không tới
Gã thợ may khởi đi trong một tiệm may với gã thợ may bị hư một con mắt và tật nguyền một chân.
Một tiệm may đầy bí ẩn khi gã bắt bốn người giàu sang, thành đạt nhốt vào hầm kín…
Gã thợ may pha trộn hài, bi và một chút kinh dị. Lý ra vở có thể hấp dẫn hơn vì có vẻ gây tò mò cho khán giả đến những phút cuối.
Thế nhưng xem Gã thợ may, người ta luôn cảm thấy thiếu thiếu. Cái thiếu này dường như đến từ sự thiếu chăm chút từ kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất.
Nội dung của vở kịch muốn nhấn mạnh lòng tham của con người dẫn đến những thảm cảnh ngất trời.
Thế nhưng lý do và cách dàn dựng để đẩy con người ta vào lòng tham lại hời hợt. Thế nên khi cái ác, bi kịch xảy ra, người xem lại thấy nó quá đường đột, chưa đủ sức thuyết phục.
Gã thợ may cũng rơi vào lỗi mà một số vở kịch giải trí ở sân khấu thành phố hay mắc phải là không biết cân phân như thế nào giữa các yếu tố bi, hài. Bởi vậy, những đoạn hài bị lê thê, thiếu điểm nhấn và làm lỏng mạch vở diễn.
Những đoạn bi cũng chưa được làm thật chặt và sâu sắc để đẩy lên tận cùng khiến người ta đồng cảm với nỗi đau của nhân vật.
Có lẽ đạo diễn phải cân nhắc những cảnh bạo lực trong vở. Vì sân khấu là tương tác trực tiếp nên khi dựng cần tinh tế trong xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận