Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Ảnh: GIA HÂN
Phó thủ tướng tập trung vào các nội dung liên quan đến tính cấp thiết ban hành nghị quyết, nội dung cơ bản và các cấp, các ngành, địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả nghị quyết, sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
Sau khi phân tích những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong việc phát triển kinh tế tập thể giai đoạn vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời phù hợp với thực tiễn, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hội nghị trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.
Phó thủ tướng nói nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Phó thủ tướng nêu nghị quyết cũng xác định kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Đồng thời đặt ra yêu cầu "tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn".
Nghị quyết nêu rõ kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết đã chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đặc biệt với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Cụ thể, chính sách phát triển nguồn nhân lực; đất đai, tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...
Trong đó liên quan đến chính sách đất đai, theo Phó thủ tướng, nghị quyết chỉ rõ cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Tăng gấp đôi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2030
Trước đó, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (nghị quyết 19).
Theo đó, cùng với việc phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa..., ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được tăng ít nhất gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận