Phó thủ tướng cho rằng nhiều bộ ngành và địa phương chưa có sự quan tâm thích đáng đến khu vực kinh tế tập thể - Ảnh: T.L.
Sáng 14-10, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 do Bộ Kế hoạch và đầu tư, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đồng tổ chức với chủ đề cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Theo Phó thủ tướng, số lượng HTX đã tăng lên, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, khi số lượng HTX phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Trong đó có 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tỉ lệ này ở phi nông nghiệp là 50-80% tùy theo từng lĩnh vực.
Đóng góp GDP giảm từ 7,49% xuống 4%
Tuy nhiên mục tiêu tỉ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP chưa đạt hiệu quả. Nếu như năm 2003 tỉ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP là 7,49% thì hiện chỉ còn 4% GDP. Hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vục HTX chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế.
Do đó, để thúc đẩy phát triển HTX, Phó thủ tướng cho rằng cần có giải pháp tăng cường thống nhất nhận thức trong phát triển kinh tế tập thể. Bởi hiện nay sự quan tâm của các bộ ngành chưa nhiều, chưa đồng đều.
"Tôi rất phê bình mấy bộ, đặc biệt các bộ có liên quan đến các chính sách mà Nghị quyết TW 13 về kinh tế tập thể. Bởi đây là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ là kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, tam nông, chất lượng, đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể, trung ương nhận thức rõ, nhưng chúng ta không nhận thức rõ vấn đề này" - Phó thủ tướng nêu vấn đề.
Hệ thống đèn LED trong nhà kính có ba màu xanh, đỏ, vàng phù hợp với kích thước và hàm lượng tinh dầu riêng biệt của từng loại cây để cây cho năng suất tối đa - Ảnh: HOÀNG LONG
Đối với việc sửa Luật HTX, Phó thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu về phạm vi điều chỉnh, thành Luật kinh tế tập thể, mở rộng phạm vi. Nghiên cứu các quy định về tài sản không chia, giá trị gia tăng huy động nguồn lực cho tài sản không chia, tỉ lệ góp vốn, HTX chuyển đổi doanh nghiệp…
Hai là tập trung xử lý vướng mắc, như nhiều trường hợp HTX nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được, nguyên nhân do tồn đọng các khoản nợ. Do đó Phó thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế chính sách thích đáng xử lý tồn đọng để chuyển giao.
Ba là tập trung giải pháp về chính sách, khi hiện nay có nhiều chính sách nhưng tại sao không đi vào thực tế. Theo đó, chính sách cần tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh nhà nước buông lỏng nhưng cũng tránh xu hướng chờ đợi nhà nước mà không có chủ động, tự lực vươn lên.
"Phải có tính chất thị trường, tách bạch thế nào là chính sách thương mại, chính sách tài khoá, như Quảng Ninh chỉ hỗ trợ 6% thôi cho thấy trách nhiệm của địa phương" - Phó thủ tướng nêu.
Giải quyết các vấn đề cấp bách cho kinh tế tập thể
Một vùng chuyên canh lúa - Ảnh: TTO
Về đất đai thì phải có vùng chuyên canh lớn, gắn khoa học công nghệ. Nhưng làm sao để HTX có đất làm trụ sở, kho bãi, xây dựng tài sản lớn như vậy dùng quyền để thế chấp, đi vay ngân hàng.
Vấn đề thuế, Phó thủ tướng nhấn mạnh thuế cần ở mức phù hợp, bằng doanh nghiệp siêu nhỏ. Kết hợp là chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, với cơ quan đầu mối là Liên minh HTX, khi hiện nay trình độ sơ cấp chỉ hơn 40%, còn lại 60% cán bộ chưa được đào tạo.
Ngoài ra là thực hiện tốt chính sách chuyển giao công nghệ, thương mại và mở rộng thị trường, kéo các doanh nghiệp về khu vực nông thôn. Kinh nghiệm là có doanh nghiệp chống lưng, gắn với HTX thì mới phát triển được, HTX cũng cần doanh nghiệp làm đầu ra, HTX cũng cần doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị.
Ngoài ra cần tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không chỉ gồm Bộ KH-ĐT và Bộ NN-PTNT đảm nhiệm. Tới đây cần phải có đầu mối chuyên trách, chịu trách nhiệm về vấn đề này, trong đó Bộ KH-ĐT là cơ quan nhà nước thực hiện. Gắn với đó địa phương phải củng cố tăng cường quản lý nhà nước.
Địa phương chỉ thích ông lớn
Trước đó, nhiều tham luận của các HTX, địa phương và bộ ngành đã phản ánh rõ nét bức tranh hiện nay của khu vực kinh tế tập thể.
Theo bà bà Lưu Thị Chỉ - đại diện Liên minh HTX Thái Bình (tỉnh Thái Bình), dù đã có quan tâm nhưng chỉ có 10% các HTX có sổ đỏ, tức có trên 430 HTX nhưng chỉ 42 cơ sở được cấp quyền sử dụng đất lâu dài (có sổ đỏ).
Ông Hà Quang Huy, giám đốc HTX thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương), cho biết khó khăn lớn nhất là đất đai, bởi để có vùng sản xuất với quy mô lớn thì phải có vùng chuyên canh đủ lớn, rồi cũng không tiếp cận được vốn vay mà phải dùng vốn tự có.
"Khi đi tiếp xúc với bạn hàng, có khó khăn về trụ sở HTX. 9 năm vừa qua dù đã phát triển, nhiều lần đề đạt nhưng không được cấp quyền sử dụng đất về trụ sở nên phải đi thuê. Do đó, nhiều đối tác đến làm việc, đặc biệt là nước ngoài, nhìn vào cơ sở vật chất hiện có, đánh giá năng lực ít nhiều bị ảnh hưởng" - ông Huy bày tỏ.
Ông Đặng Huy Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng có tâm lý hiện nay là khối kinh tế tập thể chưa được quan tâm nhiều nên việc trăn trở, tạo điều kiện, đồng hành cùng HTX là không mấy mặn mà. "Có địa phương chỉ thích mấy ông lớn lớn, tiền nhiều. Nếu không nhiệt tình thì không thể ra được, không tháo được, do đó cần phải có chính sách cụ thể, mà có chính sách rồi mà không nhiệt tình thì khó có thể gỡ được" - ông nói.
Chiều nay 14-10, Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ngành và điểm cầu trực tuyến ở các địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận