Tổng thống Maithripala Sirisena (trái) và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe - Ảnh: REUTERS
Một cơ quan tình báo nước ngoài đã cảnh báo Sri Lanka về kế hoạch khủng bố từ ngày 11-4. Cảnh sát quốc gia Sri Lanka, nơi nhận được tin tình báo, dường như đã chẳng làm gì để ngăn chặn thảm kịch xảy ra vào ngày 21-4, theo Hãng tin Reuters.
Đây chưa phải là vấn đề duy nhất khiến chính quyền Colombo bị chỉ trích.
Một ngày sau loạt vụ đánh bom các nhà thờ Công giáo và khách sạn hạng sang khiến hơn 300 người chết, 500 người bị thương, Thủ tướng Wickremesinghe nói ông không hề biết đến sự tồn tại của báo cáo tình báo nói trên, theo lời khẳng định của Bộ trưởng Y tế Rajith Senaratne.
Không rõ Tổng thống Maithripala Sirisena có nhận được khuyến cáo này hay không. Thời điểm xảy ra vụ đánh bom ông Sirisena đang công du nước ngoài.
Thông thường, Hội đồng An ninh quốc gia sẽ chịu trách nhiệm báo cáo tin tình báo cho tổng thống.
Tuy nhiên, bất hòa giữa ông Sirisena và Wickremesinghe đã khiến thủ tướng nước này bị đẩy ra khỏi các cuộc họp của hội đồng từ năm ngoái.
Điều đáng nói, ngay trong ngày xảy ra vụ tấn công, Thủ tướng Wickremesinghe đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia nhưng không một quan chức nào xuất hiện.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi thấy các thành viên của Hội đồng An ninh từ chối đến họp dưới sự triệu tập của thủ tướng", Bộ trưởng Senaratne thừa nhận.
Phải đến một ngày sau khi xảy ra thảm kịch, khi Tổng thống Sirisena về nước, một cuộc họp của Hội đồng An ninh mới được triệu tập.
Lần này Thủ tướng Wickremesinghe cũng tham dự và đây là lần đầu tiên người ta thấy ông xuất hiện trong cuộc họp của hội đồng kể từ sau những xích mích với tổng thống hồi năm ngoái.
Tang lễ của các nạn nhân sau thảm kịch - Ảnh: REUTERS
“Với tư cách một người làm trong chính quyền, chúng tôi phải nói rằng chúng tôi vô cùng hối tiếc và gửi lời xin lỗi tới những gia đình có người thân thiệt mạng trong sự việc này”, Bộ trưởng Y tế Senaratne chia sẻ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Sirisena đã sa thải Thủ tướng Wickremesinghe với lý do khác biệt về quan điểm chính trị. Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó, quyết định này bị thu hồi dưới sức ép từ Tòa án tối cao Sri Lanka.
Kể từ đó đến nay, mối quan hệ của hai nhà lãnh đạo rơi vào tình trạng bằng mặt không bằng lòng và sự khác biệt trong quan điểm của họ đã dẫn tới việc nhiều quyết định hệ trọng của Sri Lanka bị trì hoãn.
Vụ tấn công vào hàng loạt nhà thờ Công giáo đúng vào ngày lễ Phục sinh là sự trả thù của những kẻ Hồi giáo cực đoan sau vụ một kẻ cực đoan da trắng xả súng vào hai thánh đường Hồi giáo ở Christchurch (New Zealand) hồi tháng trước, ông Ruwan Wijewardene - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Sri Lanka khẳng định ngày 23-4.
"Nó đã được tiến hành bởi hai nhóm là National Thowfeek Jamaath (NTJ) và Jammiyathul Millathu Ibrahim", ông Ruwan thông tin trước Quốc hội Sri Lanka.
National Thowfeek Jamaath (NTJ) là một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka nhưng chính quyền Colombo không tin một tổ chức nhỏ và vô danh như vậy có thể tiến hành một vụ tấn công đẫm máu có quy mô và tổ chức kỹ như thế.
Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan mới được biết đến tại Sri Lanka vào năm 2018 khi liên quan đến việc phá hoại các bức tượng Phật giáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận