Mấy ngày qua, vụ việc cà phê pin bị phát hiện ở Đắc Nông đã làm dậy sóng dư luận, trở thành chủ đề nóng trong những câu chuyện của người uống cà phê, trong đó có tôi.
Gắn bó với Buôn Ma Thuột - thủ phủ của cà phê Việt Nam gần 30 năm, uống cà phê mỗi ngày, tôi cho rằng ở mảnh đất cao nguyên nắng gió này cứ ra ngõ là gặp quán cà phê. Hầu như ai cũng có liên quan đến cà phê, không trực tiếp thì cũng gián tiếp.
"Pháp luật cần phải xử lý những hành vi kiểu như sản xuất cà phê pin này vào tội đầu độc hàng loạt thì mới đủ sức răn đe những kẻ khác đang có hành vi tương tự".
Lại Thị Ngọc Hạnh
Mẹ tôi, các cậu, dì của tôi, chị em của tôi là những nông dân trồng cà phê chính hiệu, nhịp tim lên xuống theo giá cà phê tăng giảm. Bạn tôi có người làm nghề phân phối, bỏ mối cà phê bột cho các quán, có người tự rang xay cà phê theo công thức riêng của mình rồi mở quán cóc bán cà phê.
Cô em dâu của tôi, sau mấy năm đi phụ bán hàng quần áo nay cũng nghỉ việc, ở nhà bán nước mía và cà phê…. Thỉnh thoảng tôi lại được bạn bè rủ đi uống cà phê ủng hộ cho một người quen mới khai trương quán.
Có người chủ quán là sinh viên có máu làm ăn tập tành kinh doanh, có người thì về hưu rảnh rỗi, tận dụng khoảng sân nhà rộng rãi mở quán bán cho đỡ buồn. Có anh tốt nghiệp đại học không xin được việc mà nhà lại ngay gần xóm trọ sinh viên nên mở quán bán đồ uống, dĩ nhiên món chính là cà phê.
Cũng có bạn ít vốn nên sắm một cái xe đẩy ra vỉa hè bán cà phê mang đi chứ không có địa điểm để phục vụ tại chỗ. Tôi có một cậu bạn ngày là sinh viên nghèo đã sống nhờ việc bỏ mối cà phê từ Đắc Lắc xuống Đà Nẵng.
Loại cà phê mà bạn nhập cho các quán nhỏ là loại do chính người thân quen của bạn tự sản xuất và đóng gói hoàn toàn thủ công.
Mỗi người bán cà phê là một cảnh đời khác biệt, không ai giống ai. Nhưng nhiều người trong số đó đang mưu sinh, đang sống nhờ những quán cà phê bé nhỏ.
Một ly cà phê của những tiệm bình dân này giá chỉ từ 7 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng - một mức giá để những bác xe ôm, anh thợ hồ, cậu sinh viên và những người thu nhập thấp khác có thể vui vẻ móc ví ra trả không chỉ cho mình mà cho cả những người quen vô tình gặp ở quán.
Mức giá đó đủ để người bán kiếm một vài ngàn tiền lời/ly. Lời ít nhưng nếu khách đông thì cũng đủ giúp người bán đủ ăn qua ngày.
Tôi tin tất cả những con người lương thiện đó không bao giờ lại chấp nhận bán thứ cà phê pin độc hại kia vì khách hàng chính là những người thân quen, thậm chí là người thân trong gia đình mình - những người đôi khi uống cà phê không phải vì thích uống mà vì ủng hộ chủ quán.
Vậy nhưng những kẻ vô lương tâm, tàn ác đến độ sản xuất ra loại cà phê pin - một loại hàng hóa mà họ biết thừa là vô cùng độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe con người cho dù không có kiến thức chuyên môn đi chăng nữa, đã bóp chết con đường sống của biết bao người lương thiện đang hàng ngày mưu sinh nhờ cà phê.
Sau những thông tin về loại cà phê nhiều bắp, đậu nành cháy mà ít cà phê thật một thời làm hoang mang những người yêu thứ đồ uống có vị đắng mê hoặc này thì nay vụ việc cà phê pin đã làm cho nhiều người phải cân nhắc, đắn đo khi mỗi sáng ghé vào quán quen.
Bản thân tôi, dù rất thèm món đồ uống yêu thích của mình đã không đủ can đảm để gọi cà phê mà thay vào đó là trà lip-ton đá.
Câu chuyện bên tách trà của chúng tôi giờ xoay quanh chuyện làm sao người bán quán cà phê không lao đao trước cơn bão cà phê pin và người tiêu dùng được bảo vệ an toàn trước đủ loại đồ ăn thức uống có chất độc hại?
Lòng tin của người tiêu dùng không dễ gì tạo dựng được và lại càng khó giữ được lâu dài nếu như những kẻ làm ăn gian dối kia cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cứ coi thường tính mạng của người khác mà kiếm lời, bất chấp đạo lý làm người.
Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận