19/04/2018 08:58 GMT+7

Làm gì để diệt tận gốc hành vi 'đầu độc người tiêu dùng'?

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Dưới đây là 6 kiến nghị của TS Nguyễn Hoàng Chương.

Làm gì để diệt tận gốc hành vi đầu độc người tiêu dùng? - Ảnh 1.

Bản tin Tuổi Trẻ cho biết tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, có một cơ sở sản xuất cà phê rang xay từ bột đá, vỏ cà phê và được "nhuộm đen" bằng pin Con Ó. 

Lo hơn, mấy tháng đầu năm nay, hơn 3 tấn cà phê "sát thủ" đã tung ra thị trường! Bao nhiêu người uống phải cà phê loại này, gây tác hại đến đâu cho cơ thể, liệu điều tồi tệ nhất về sức khỏe có đến với họ không?

Từ chị công nhân vệ sinh, anh lái xe ôm, ông cụ bán mì gõ đến giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, sinh viên,... nhiều người trong số đó có thói quen: ly cà phê bắt đầu cho ngày mới; rồi bạn bè gặp nhau... đi cà phê, "gặm nhấm" nỗi buồn bên... phin cà phê và còn nhiều, nhiều công việc được giải quyết bên ly cà phê.

"Hãy chung tay để sự độc ác như vụ cà phê... pin và tương tự bị triệt tiêu, mọi người dân tự mình thực hiện phương châm chỉ sử dụng thực phẩm sạch".

TS Nguyễn Hoàng Chương

Vậy mà, vị đắng cà phê... pin, được chế biến từ những con người hám lợi đến độ mù quáng, điên rồ, độc ác - sự độc ác vượt hạn! Không lẽ, cơ quan chức năng, người dân bó tay? Một thách thức đặt ra cho chính quyền các cấp.

Chúng ta hoan nghênh Công an tỉnh Đắk Nông vào cuộc, nhờ vậy 15 tấn cà phê đã nhuộm đen bằng than pin bị thu giữ. Số cà phê ấy mà trôi nổi ra ngoài thị trường, đến người sử dụng, hậu quả không thể đo đếm hết được.

Để sự việc tồi tệ ấy xảy ra từ năm 2016 đến giờ, có trách nhiệm của chính quyền sở tại. Sự việc chỉ được phát hiện qua tố cáo của người dân.

Tôi được biết, để quả Vú sữa của Tiền Giang được xuất khẩu sang Mỹ, mất thời gian 10 năm cho tất cả các khâu chuẩn bị, trong đó có việc họ (người Mỹ) về tận nơi "mục sở thị". 

Còn chúng ta, có quá dễ dãi, xem nhẹ an toàn thực phẩm nói chung và thức uống cà phê nói riêng hay không?

Muốn sự độc ác "dưới hạn" - về nguyên tắc, phải có "thanh điều khiển", đó là những quy định chặt chẽ, đủ sức kiểm soát, răn đe mạnh mẽ để những toan tính độc ác bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng không thể nảy sinh.

Quản lý an toàn thực phẩm mà không kiểm tra, giám sát thường xuyên, chỉ dựa vào sự kêu gọi, tự giác, cam kết, báo cáo xa rời thực tế thì thực phẩm bẩn, không thể xóa bỏ được. Nhân đây, tôi có mấy kiến nghị:  

1- Trước hết, để loại bỏ cà phê... pin và những vấn đề về thực phẩm tương tự, cần điều chỉnh, bổ sung Luật an toàn thực phẩm theo hướng xác định lại tội danh, tăng hình phạt. 

Sản xuất, nuôi trồng, tàng trữ, mua bán thực phẩm bẩn phải truy tố tội danh "Cố ý giết nhiều người", khung hình phạt ở mức cao nhất, kê biên tài sản của bị can để bồi thường cho người thiệt hại. Nếu được, trong năm nay, Quốc hội hãy bàn bạc và quyết định.

2- Có sự giám sát, kiểm tra của chính quyền, đoàn thể, cư dân địa phương; an toàn thực phẩm cho người dân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng; địa phương, ngành chức năng để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu.

3- Thành lập cơ quan chuyên trách an toàn thực phẩm, tổ chức chặt chẽ từ trung ương xuống cơ sở, đủ nhân sự, chịu sự quản lý của Quốc hội hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương; khi thực thi nhiệm vụ có phương tiện làm việc đầy đủ, hiện đại và được giao "thượng phương bảo kiếm".

4- Kinh phí hoạt động ngoài ngân sách, xã hội hóa, có thể ban hành thuế an toàn thực phẩm. Có tổ chức, làm mạnh mẽ, vì sức khỏe của người dân, sẽ không khó khăn khi huy động sự đóng góp, quy định nghĩa vụ đóng góp.

5- Mỗi địa phương cần chủ động vào cuộc, xác định nguồn gốc thực phẩm đang lưu hành tại địa phương mình; không có nguồn gốc rõ ràng, quá trình sản xuất - nuôi trồng - chăm sóc - chế biến không đúng quy định (được phát hiện qua tìm hiểu thực tế từ gốc), nhất thiết cấm bán tại địa phương. Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang,... hãy đi đầu.

6- Tuyên truyền, giáo dục ý thức - xây dựng thói quen sử dụng thực phẩm an toàn ở học đường, tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Đồng thời hướng dẫn cho người sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thực hiện theo quy trình để có thực phẩm sạch; cố tình làm sai phải xử phạt nặng.

Hãy chung tay để sự độc ác như vụ cà phê... pin và tương tự bị triệt tiêu, mọi người dân tự mình thực hiện phương châm chỉ  sử dụng thực phẩm sạch.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết!

Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Cà phê trộn pin: Có nên xem đây là tội giết người hàng loạt? Cà phê trộn pin: Có nên xem đây là tội giết người hàng loạt?

TTO - 'Không thể tin được, thất đức đến thế là cùng, đây là tội giết người hàng loạt, không còn lời nào để nói, đọc mà rùng rợn cả người'... là những bình luận xung quanh vụ sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn... pin Con Ó, vừa được phát hiện.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên