13/07/2012 04:47 GMT+7

Không xây thêm thủy điện

TẤN VŨ - L.GIANG - N.LINH
TẤN VŨ - L.GIANG - N.LINH

TT - Ngày 12-7, nhiều vấn đề nóng đã được chất vấn trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 4 HĐND các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Phú Yên.

YGx9ceeg.jpgPhóng to
Nếu không hoàn thành việc sửa chữa rò rỉ trước mùa mưa, chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước- Ảnh: tấn vũ

Ở Quảng Nam, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Đây là quyết định mà hàng vạn ngư dân trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm để họ tiếp tục an tâm bám biển.

Không làm thủy điện, hỗ trợ ngư dân

Trình bày trước HĐND về các dự án thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là sự cố thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết chính quyền tỉnh đã nhiều lần báo cáo với Chính phủ rằng: “Tại sao nước vẫn rò rỉ? Nếu đến mùa mưa mà nước còn rò rỉ thì dứt khoát tỉnh không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước”, thế nhưng các cơ quan của Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đều cho rằng thủy điện vẫn đang an toàn. Cũng theo ông Thanh, từ nay những thủy điện nào thuộc Chính phủ hay Bộ Công thương muốn làm mới trên địa bàn tỉnh, chính quyền tỉnh sẽ có công văn đề nghị không làm. Tỉnh sẽ không đồng ý xây mới một thủy điện nào nữa vì đã có quá nhiều thủy điện ở Quảng Nam.

Về Quỹ hỗ trợ ngư dân, bên lề cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết: nói đến kinh tế biển không ai khác ngoài ngư dân, họ phải là chủ thể của biển. Vì vậy phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngư dân, đặc biệt là rất cần thiết lúc này bởi thiên tai, tranh chấp khiến đời sống ngư dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, việc sử dụng, điều hành quỹ thế nào cho hợp lý đòi hỏi phải có con người năng động. Với số vốn ban đầu 5 tỉ đồng, nhiều đại biểu cho rằng quá ít, có đại biểu đề nghị nâng lên 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, phương pháp hỗ trợ và cách huy động quỹ quan trọng hơn. “Hỗ trợ ngư dân bằng lãi vay ngân hàng, hoặc mang số tiền đó hỗ trợ để ngư dân đóng tàu với lãi suất bằng không, hỗ trợ theo công suất tàu hay theo từng dự án, tất cả điều đó cần tính toán” - ông Hải nói.

Sử dụng bằng giả đang gây nhức nhối

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình, trả lời về việc sử dụng bằng giả của nhiều cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước của tỉnh trong khi nhiều người học hành đàng hoàng lại không tìm được việc làm, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Đoàn Đức Liêm thừa nhận: nổi cộm trong thời gian qua về việc này là ngành giáo dục huyện Quảng Trạch, Chi cục Quản lý thị trường... Sở đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra văn bằng, chứng chỉ ở các trường học thuộc huyện Quảng Trạch và phát hiện ba giáo viên ở Trường mầm non Cảnh Hóa sử dụng bằng giả. Kiểm tra 515 giáo viên mầm non đã tuyển dụng tại 28 trường thời gian gần đây cũng phát hiện gần 30 trường hợp sử dụng văn bằng không hợp pháp. Đã chấm dứt hợp đồng và hủy kết quả tuyển dụng, đồng thời đang chỉ đạo 19 trường có vi phạm kiểm điểm từng cá nhân, tập thể liên quan.

Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở Nội vụ, cho biết còn phát hiện thêm các trường hợp khác ở huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa có sử dụng bằng giả. Do vậy cần thiết phải kiểm tra văn bằng gốc khi tuyển dụng chứ không chỉ kiểm tra văn bằng sao. Ông Sơn đề nghị với các trường hợp sử dụng bằng giả, tỉnh nên có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người, mọi cơ quan đều biết, như vậy người sử dụng bằng giả sẽ không có cơ hội dùng nó để xin việc nữa.

Ông Lương Ngọc Bính, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận: “Sử dụng bằng giả đang gây nhức nhối, bức xúc trong nhân dân. Sắp tới yêu cầu Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan có kế hoạch kiểm tra văn bằng của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh”.

Trước đó, ở cuộc họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 11-7, trả lời chất vấn về tiến độ quá chậm ở các công trình trọng điểm, ông Ngô Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Huế, trả lời: “Đến nay, đường Cao Bá Quát đã được triển khai thi công phần nền đường. Riêng hai tuyến đường Đống Đa và Điện Biên Phủ chưa triển khai vì chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện chủ đầu tư vận động các hộ dân bị giải tỏa ở hai dự án này bàn giao mặt bằng trước ngày 30-9 để thực hiện hạng mục thoát nước dọc đường. Sau khi khu tái định cư tại khu vực 4, P.Xuân Phú hoàn thành sẽ bố trí đất tái định cư cho các hộ giải tỏa”.

Thu hồi đất chuyển nhượng trái phép

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên, trả lời chất vấn về việc buông lỏng quản lý, kiểm tra để Công ty TNHH Hải Vân thuê 197ha đất tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) trồng mía và ca cao nhưng đã chuyển nhượng trái phép cho Công ty TNHH rượu Vạn Phát, ông Nguyễn Như Thức - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên - thừa nhận khuyết điểm thuộc về sở này.

Ông Thức giải trình: việc chuyển nhượng là không đúng quy định pháp luật. Đã hơn tám tháng, kể từ khi UBND tỉnh Phú Yên có quyết định thu hồi đất để giao lại xã Hòa Hội, Sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên đã nhiều lần mời Công ty TNHH Hải Vân làm việc nhưng công ty này đều vắng mặt. Trong khi đó, Công ty TNHH rượu Vạn Phát đã trồng mía trên diện tích đất này nên việc thu hồi đất gặp khó khăn.

“Do trên đất có cây trồng, để tránh thiệt hại, UBND tỉnh cho phép để Công ty TNHH rượu Vạn Phát thu hoạch xong niên vụ mía đã trồng, chậm nhất đến hết tháng 8-2012 phải thu hoạch xong. Sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên có trách nhiệm phối hợp với địa phương khi thu hoạch mía đến đâu phải tiến hành thủ tục thu hồi đất đến đó” - ông Lê Văn Trúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu.

TẤN VŨ - L.GIANG - N.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên