02/10/2015 06:00 GMT+7

Xe vẫn nhúc nhích được có phải là kẹt xe?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN

TTO - "Các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được". Câu nói của giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường mới đây làm cộng đồng mạng "dậy sóng".

Số liệu xe ôtô và xe máy ở TP.HCM (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM) - Ảnh Hữu Khoa - Đồ họa: T.Thiên
Số liệu xe ôtô và xe máy ở TP.HCM (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM) - Ảnh Hữu Khoa - Đồ họa: T.Thiên

Tại cuộc họp báo do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tổ chức ngày 29-9 vừa qua, báo cáo chỉ ra trong chín tháng đầu năm 2015 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút!

Con số đưa ra là: 9 tháng, TP chỉ xảy ra... 18 vụ ùn ứ giao thông. 

Thông tin này đã làm nhiều người ngỡ ngàng.

Nhích từng nửa vòng bánh xe, không gọi kẹt xe, gọi là gì?

Mỗi ngày đi làm trên đoạn đường từ ngã tư Hàng xanh về cầu Bình Triệu, chị Phạm Thị Khuyên (Đồng Nai) nói có khi không “nhúc nhích” được gì trong nhiều phút, có khi phải kiên trì nhích từng nửa vòng bánh xe một. 

“Đừng nói là 30 phút, có khi kẹt cả tiếng hơn. Xe lưu thông trên đường mà phải nhích từng chút một thì không gọi là kẹt xe thì gọi là gì bây giờ?”, chị Khuyên nói. 

Trong khi đó, chị Thảo Nguyên (Bình Thạnh) cho biết có ngày đến công ty trễ cả tiếng đồng hồ vì ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Oanh, đoạn hướng về Gò Vấp.

Nhìn những hình ảnh kẹt xe ở Sài Gòn, một bạn đọc lo lắng nếu lỡ có sự cố có người cần đi cấp cứu, xe cứu thương làm sao tiếp cận với người bệnh? 

“Người tham gia giao thông nghe còi hụ muốn tránh dạt ra nhường lối cho xe cứu thương vào thì tránh, dạt ra chỗ nào?”, bạn đọc viết. 

Chị Phạm Ngọc Liên đưa ra một tính toán: đoạn đường bình thường đi 5 phút, khi kẹt xe phải tốn 30 phút, nghĩa là đã phí phạm 25 phút. Con số 25 phút này nhân lên với hàng triệu phương tiện giao thông thì sẽ ra con số khổng lồ về lãng phí thời gian và cả về hao tổn nhiên liệu, thất thoát kinh tế do trễ giờ làm, đình đốn công việc, năng suất lao động giảm sau nhiều giờ “vật lộn” với kẹt xe. 

Vào năm 2007, PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM) cùng nhóm nghiêm cứu đã đưa ra con số thiệt hại do kẹt xe gây ra vào khoảng 14.000 tỉ đồng. 

Tại một hội thảo được tổ chức vào tháng 9-2014, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, trưởng khoa Đô thị học, ĐH KHXHNV TP.HCM đánh giá tổn thất hàng năm do tắc nghẽn giao thông tại TP.HCM ước tính lên đến khoảng 23.000 tỉ đồng, tương tương 1,2 tỉ USD. 

Kẹt xe lành mạnh và không lành mạnh

Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM)

“Phương tiện cứ lần từng bước một thì đó là kẹt xe rồi. Nếu phương tiện di chuyển rất chậm thì gọi là ùn tắc giao thông”, PGS.TS Phạm Xuân Mai nhận định.

Trao đổi với TTO về vấn đề này, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn kể câu chuyện khi mình còn sống ở New York, một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới cũng hiếm khi vướng vào những vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ mà không di chuyển được bao nhiêu như ở TP.HCM, trừ phi có những sự cố lớn. 

PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Thụ, nguyên giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Giao thông vận tải cho rằng vấn nạn kẹt xe thì nước nào cũng gặp phải. Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhìn nhận việc đặt ra mục tiêu thành phố không kẹt xe là “không tưởng”. 

Tuy nhiên, với các nước có hệ thống giao thông vận tải tốt thì kẹt xe nghĩa là dòng xe lưu thông bị chậm lại so với tốc độ bình thường, thời gian kẹt xe ngắn chứ không giống như TP.HCM là các phương tiện không di chuyển được trong thời gian rất dài, ông Nguyễn Văn Thụ nhận xét.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, có thể hiểu kẹt xe theo hai loại là kẹt xe lành mạnh và kẹt xe không lành mạnh.

Kẹt xe lành mạnh là kẹt xe trong mức chấp nhận được, có thể “sống chung”. Chấp nhận được nghĩa là kẹt xe nhưng phương tiện vẫn di chuyển được với tốc độ chậm trong giới hạn chấp nhận được và có giải pháp khác để lựa chọn di chuyển như các phương tiện giao thông công cộng, ông Sơn nói.

“Chẳng hạn cùng một con đường nhưng khi thông thoáng đi được 60km/giờ thì khi kẹt xe chỉ đi được 15km/giờ. Nghĩa là phải có con số định lượng rõ rệt, chậm là chậm bao nhiêu, bao lâu. Ví dụ anh lái xe từ nơi làm việc ở trung tâm về khu ngoại thành trong giờ cao điểm mất 30 phút, nhưng anh hoàn toàn có thể lựa chọn giao thông công cộng và chỉ mất 15 phút. Tức là anh chấp nhận kẹt xe khi anh chọn đi bằng phương tiện cá nhân”, KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra ví dụ.

Một yếu tố khác của kẹt xe lành mạnh, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn là khi kẹt xe, mọi người có thể lựa chọn dừng lại hai bên đường - nơi có những trung tâm mua sắm, giải trí có bãi xe lớn… và chờ đến khi hết kẹt xe thì đi về. Như vậy, việc kẹt xe lại góp phần giúp những dịch vụ hai bên đường phát triển.

Ngược lại, kẹt xe không lành mạnh là khi phương tiện không thể di chuyển được hoặc di chuyển với tốc độ rất chậm. Thứ hai là người tham gia giao thông không thể có lựa chọn nào khác để di chuyển về phía mình muốn đi cho dù sẵn sàng chọn con đường đi vòng dài hơn. Thứ ba là đã lỡ vướng vào kẹt xe thì phương tiện không thể dừng lại cũng chẳng thể đi lui.

Đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng

Đường Nguyễn Oanh hướng đi Gò Vấp bị ùn tắc kéo dài - Ảnh: Q.Khải

“Các nước giải quyết được tình trạng kẹt xe theo hướng “lành mạnh”, thì Việt Nam nói chung và TP.HCM cũng có thể làm được, với hai điều kiện cơ bản là phải tiếp cận vấn đề một cách khoa học và có sự kết hợp đa ngành - không thể đẩy cho một mình ngành giao thông giải quyết”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, kẹt xe là vấn đề thuần túy khoa học, có thể đo đếm bằng những con số rất cụ thể về diện tích mặt đường, lưu lượng xe lưu thông tại các điểm đi, điểm đến… và đề ra giải pháp.

“Tôi cho rằng việc giải quyết kẹt xe hiện nay còn mang tính chất đối phó. Chẳng hạn thống kê 100 điểm kẹt xe thì chỉ lo giải quyết 100 điểm đó mà không tìm hiểu kỹ thật ra nguyên nhân kẹt xe đến từ một nơi khác cách xa nơi đó. Phải nhìn rộng ra và thu thập đầy đủ số liệu thì mới giải quyết được”, ông Sơn nói.

Mặt khác, ông Sơn đánh giá, kẹt xe không phải là vấn đề của riêng ngành giao thông, nhiều sở, ban ngành như giao thông, xây dựng, kế hoạch đầu tư, quy hoạch - kiến trúc… phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết. 

Giải pháp cụ thể

Về giải pháp cụ thể, PGS. TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng trước mắt, để giảm bớt phần nào tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, cần cấm các xe tải nhỏ,xe rác và những phương tiện không cần thiết đi vào trung tâm thành phố trong những giờ cao điểm. 

Về lâu dài, phát triển đa dạng hệ thống giao thông công cộng là giải pháp theo PGS. TS Nguyễn Văn Thụ là hiệu quả nhất trong vấn đề giảm kẹt xe cho thành phố. 

“Cần nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến metro. Không chỉ 1,2 tuyến mà phải nhiều tuyến, đi đến được khắp các nơi trong thành phố để mọi người lựa chọn”, ông Nguyễn Văn Thụ nói.

Cụ thể hơn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần quyết tâm để đem lại những lợi thế rõ ràng cho giao thông công cộng, chẳng hạn về làn đường ưu tiên trong giờ cao điểm, chỉ dành riêng cho xe buýt, xe taxi hoặc xe hơi chở 4 người trở lên, và phạt nặng các xe cá nhân vi phạm khi không chở đủ số người tối thiểu. Hệ thống giao thông công cộng phải đảm bảo đúng giờ và tiện lợi đi đến mọi nơi trong thành phố. 

“Làm sao để người dân nhận được những lợi ích thiết thực và rõ rệt nhất của việc sử dụng phương tiện công cộng so với phương tiện cá nhân, thì lúc đó tình trạng kẹt xe sẽ giảm đi”, ông Sơn kết luận. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Chị Phạm Khuyên

>> PGS Phạm Xuân Mai

>> PGS Nguyễn Văn Thụ

>> KTS Ngô Viết Nam Sơn

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên