Phóng to |
Dù con gái út mới hơn 3 tuổi, nhưng vợ chồng Tuệ - Emiko đã đưa con tham gia những buổi sinh hoạt làm sạch môi trường ven sông vào mỗi cuối tuần - Ảnh: H.T. |
Huỳnh Huy Tuệ và Emiko đều là điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ BAJ (Cầu châu Á - Nhật Bản). Công việc BAJ đang triển khai tại VN là giáo dục cho trẻ em ý thức về môi trường. |
1. Tuệ kể: “Năm 1998, tôi tình cờ đến xóm vạn chài ở phường Phú Bình, TP Huế và choáng váng với những gì mắt thấy, tai nghe và mũi ngửi. Mắt thấy những cảnh đời quá vất vả, tai nghe đầy những tiếng chửi bới tục tằn thốt ra từ miệng các em nhỏ, mũi muốn điếc với mùi hôi thối của phân người thải đầy khắp nơi, mùi tanh tưởi của tôm cá tồn đọng bao đời nay”.
Trong xóm vạn chài ấy có một gia đình mà đi đâu Tuệ cũng nhắc đến, bởi là một hình ảnh đặc trưng của những gia đình trong các khu ổ chuột: nghèo khổ cùng cực, thất học, con đông. Đó là một người đàn ông năm ấy mới 35 tuổi nhưng đã có đến 8 con! Chỉ nghe tên của các đứa con cũng đoán biết người cha: Nem - Chả - Nhậu - Bia - Say - Xỉn… Thế nhưng Nem - Chả - Nhậu - Bia - Say - Xỉn… giờ đây đều biết đọc biết viết cả, đều rành chuyện phân loại rác, chuyện bảo vệ môi trường nước… Thậm chí, cậu bé Bia từng lên sân khấu giữa Tokyo để kể chuyện mình bảo vệ môi trường như thế nào trước cả ngàn cử tọa.
Gia đình Bia đang có những thay đổi lớn lao. Xóm vạn chài cũng đang lột xác. Ông Lê Viết Thịnh, phó chủ tịch UBND phường Phú Bình, nói như thế và khẳng định: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều dự án nhưng quả là chưa có ai làm theo kiểu của Tuệ”. “Kiểu của Tuệ” là kiểu chậm mà chắc, mưa dầm thấm lâu chứ không phải xuống đường rầm rầm rộ rộ với cả ngàn người mà ta thường thấy, nhưng sau đó mất tăm mất tích!
Tôi hỏi điều gì đã khiến chàng “công tử” này bỏ tất cả để đi theo chuyện bảo vệ môi trường, Tuệ - thường được nhiều người gọi là Tuệ “khùng” - cười nói: “Anh có thể thu xếp để đi cùng một đoàn cán bộ từ cấp xã, phường đến TP Huế sang Nhật tham quan vấn đề phát triển bền vững không?”. Chi phí mời bốn cán bộ đi là tiền túi của Tuệ, do hai vợ chồng tằn tiện tiết kiệm từ việc đi dạy, điều hành một công ty nho nhỏ về phần mềm. Tò mò với “kiểu của Tuệ” với những dự án về môi trường nên tôi đồng ý. Sau chuyến đi mười ngày, tôi không còn thắc mắc về cái sự “khùng” của Tuệ nữa, mà câu hỏi điều gì khiến họ sống đẹp như thế đã chuyển sang hai nhân vật khác là Katayama Emiko - vợ của Tuệ và ông Araishi Masahiro - tổng thư ký BAJ.
Phóng to |
Ông Nguyễn Đăng Thạnh - phó chủ tịch UBND TP Huế - trao giấy công nhận ”Công dân danh dự TP Huế” cho ông Araishi (phải) - Ảnh: H.T. |
2. Emiko tốt nghiệp đại học (ngành phát triển đô thị) ở trường mà hầu hết thanh niên Nhật mơ ước đặt chân vào: Đại học Tokyo. Hiện cô đang làm luận án tiến sĩ ở đại học danh tiếng này. Sinh ra và lớn lên ở một đất nước giàu bậc nhất thế giới, tương lai rộng mở trước mắt thế mà Emiko bỏ tất cả để sang VN sống. Vì tình yêu chăng? Bây giờ thì có thật đấy, nhưng khởi đầu thì không vì Emiko sang VN trước cả khi Tuệ trở lại quê hương. Dự án đầu tiên mà cô gắn bó là chuyện ô nhiễm ở kênh Lò Gốm (Q.6, TP.HCM) từ năm 1998.
Tôi chỉ giải mã được câu hỏi về Emiko khi đặt chân đến mỏ đồng Ashio (TP Nikko). Mỏ đồng này đã bị đóng cửa năm 1973 do gây ra đủ bệnh tật. Emiko chỉ tay về phía khu mỏ hoang phế và nói: ”Nước Nhật đã không còn khai thác các mỏ đồng. Nhưng nước Nhật vẫn cần đến đồng, vậy lấy đâu ra ngoài chuyện sang khai thác ở các nước khác?”. Qua cách nói chuyện của Emiko, tôi hiểu cô xấu hổ về chuyện nước mình đã đẩy gánh nặng môi trường sang các nước nghèo khổ hơn. Và đó là lý do vì sao Emiko lặn lội sang VN làm các dự án giáo dục môi trường như một hành động chuộc lỗi.
Tôi đến Nhật cuối tháng 10-2008. Khi ấy, ông Araishi (60 tuổi) đang nằm bệnh viện vật vã với căn bệnh ung thư máu. Tuy nhiên khi nghe có đoàn từ VN sang, ông vẫn ráng xin bác sĩ cho phép rời bệnh viện vài giờ để gặp gỡ các vị khách đến từ đất nước mà ông “lỡ” yêu từ thời sinh viên! Nói “lỡ” là bởi tình yêu ấy phải trả giá nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Ông Araishi yêu VN qua những người bạn du học sinh VN (trong đó có ba của Tuệ) thời VN còn kháng chiến chống Mỹ. Ngay sau khi VN thống nhất, ông vội vã sang ngay VN và làm đủ thứ chuyện để giúp đỡ đất nước này vượt qua khó khăn. Ông không từ bất cứ việc gì, từ chuyện nhỏ như “khai sinh” việc người khiếm thị matxa cho đến việc nhập những thiết bị máy móc mà VN những năm đầu sau ngày thống nhất không thể nào mua được. Tình yêu VN tha thiết đó từng khiến ông phải bán cả nhà, trở thành người nợ nần giăng tứ phía vì nhập máy móc cho VN nhưng lại không được trả tiền. Ông cười bảo: “Tôi đã sống ở VN rất lâu trong thời bao cấp, và tôi hiểu các bạn khó khăn như thế nào trong thời kỳ mới thống nhất đất nước. Vì vậy, những khó khăn mà tôi phải gánh chịu cũng là điều bình thường”.
Sau này, ông chuyển hướng sang giúp đỡ VN trong các vấn đề liên quan đến môi trường. Hàng loạt xe ép rác hiện đại của Nhật xuất hiện ở Hà Nội, TP.HCM, Huế trong thập niên 1980 là do ông đi vận động khắp nước Nhật, cuộc hội thảo cấp quốc gia đầu tiên về môi trường vào năm 1995 cũng do ông tổ chức… Với những gì đã làm cho VN nói chung và đặc biệt là Huế nói riêng, vừa qua UBND TP Huế đã trao tặng ông danh hiệu “Công dân danh dự TP Huế”.
3. Khi tiễn chúng tôi ra sân bay rời Nhật, Tuệ nói: “Tôi không thể sống khác khi gặp gỡ và gần gũi với những người như Emiko và Araishi. Họ dù là vợ tôi, là bạn thân của ba tôi nhưng vẫn là người Nhật thuần túy. Những người Nhật sống như thế, tại sao tôi - một người Việt 100% - lại sống khác?”. Tôi chỉ xin sửa lại một từ trong lời tâm sự của Tuệ, đó là “chúng ta” thay cho “tôi”: Những người Nhật sống như thế, tại sao chúng ta - người Việt 100% - lại sống khác?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận