25/10/2013 02:37 GMT+7

Không thể luẩn quẩn chống ngập

TÔ VĂN TRƯỜNG
TÔ VĂN TRƯỜNG

TT - Nhiều bài báo phản ánh tình hình càng chống càng ngập ở TP.HCM làm nhiều người dân quan tâm, lo lắng về tình trạng luẩn quẩn chống ngập!

Đào hồ, khơi rạch để giảm ngậpChống ngập, cần tích hợp nhiều giải pháp

Nguyên nhân gây ngập úng ở khu vực TP.HCM thông thường do thủy triều, mưa, xả lũ từ các hồ chứa thượng lưu và những hoạt động phát triển thiếu quy hoạch của thành phố nói riêng và toàn lưu vực nói chung. Đấy là chưa kể do yếu kém trong quản lý gây ra các trường hợp vỡ bờ bao.

Những ngày qua, nhiều khu vực trong TP người dân phải bì bõm, chịu ảnh hưởng ngập chủ yếu do mưa lại gặp đỉnh cao của thủy triều gây ra. Theo số liệu quan trắc tại trạm Phú An từ năm 1980-2007, mực nước triều cao nhất là 1,49m. Nhưng năm 2012, mực nước triều đã tăng lên mốc lịch sử 1,62m, cao hơn 13cm chỉ trong năm năm và năm nay đã vượt lên 1,68m. Loại bỏ yếu tố gió chướng vì đó là hiện tượng thường xuyên, triều cao vượt mốc lịch sử có thể do hai nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu và do lòng sông, các khu vực trũng chứa nước bị san lấp ngày càng thu hẹp, làm tốc độ truyền triều giảm lại, thì mực nước phải dâng cao theo nguyên lý động năng biến thành thế năng.

Để giải quyết bài toán chống ngập cần thực hiện song song cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể cần rà soát, bổ sung hệ thống cống đã có, kể cả hơn 600 cửa van ngăn triều, nạo vét hệ thống cống rãnh, các cửa thoát nước. Phân các khu tiêu cục bộ, đồng thời với các trạm bơm nhỏ di động giải quyết nhanh việc tiêu thoát nước bằng động lực. Nơi đê bao yếu phải gia cố, quy trách nhiệm quản lý cụ thể, không thể để khi vỡ bờ bao lại đổ tại thiên tai.

Rút kinh nghiệm khi thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã làm theo quy trình ngược là cải tạo cống cấp 4 trước, đến cống cấp 2 và 3, rồi mới đến kênh. Quá trình thực hiện thi công đã làm ngăn dòng chảy, gây ngập úng dưới nguồn. Đáng lẽ ra phải làm theo quy trình ngược lại là cải tạo kênh trước nhất từ hạ nguồn đi lên, đến cống cấp 2, cấp 3, rồi mới đến cống cấp 4. Kinh nghiệm thành công việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được như ngày nay cũng đã tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Về giải pháp lâu dài cần phải rà soát lại chiến lược chống ngập do mưa của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), quy hoạch chống ngập, kiểm soát thủy triều của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các chương trình, dự án của TP thành bài toán tổng thể, mang tính hệ thống để lựa chọn các bước đi và giải pháp ưu tiên theo nguồn lực tài chính. Quy hoạch phát triển mở rộng đô thị phải song hành với đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có quy hoạch cấp thoát nước. Cần phải dành quỹ đất để xây dựng hồ điều tiết vì đó là giải pháp bắt buộc cho cả trước mắt và lâu dài.

Ngoài ra, khi quy hoạch và thiết kế các giải pháp công trình cần lưu ý các bất cập hiện nay có độ chênh về độ cao giữa mốc các trạm thủy văn và mốc địa hình quốc gia. Tại trạm thủy văn Phú An, mức chênh này là 20,6cm. Như vậy, khi Trạm khí tượng thủy văn Nam bộ thông báo đỉnh triều lúc 18g ngày 20-10 là 1,68m thì có nghĩa nó bằng với mức 1,886m theo độ cao mốc (địa hình) quốc gia hiện hành (áp dụng từ năm 2008). Trong khi đó, cấp báo động theo mực nước ở TP.HCM được quy định cấp 3 là 1,30m; cấp 2 là 1,40m và cấp 1 là 1,50m.

Chống ngập TP.HCM không thể luẩn quẩn như kiểu “đẽo cày giữa đường”! Xác định nguyên nhân, phân tích đánh giá hiện trạng và nhiều đề xuất các giải pháp của chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã có. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào bản lĩnh của người ra quyết định lựa chọn chiến lược và bước đi hợp lý, hiệu quả nhất, tạo được sự đồng thuận của người dân.

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên