Muốn để trẻ chấp hành tốt luật giao thông, trước hết cha mẹ phải là tấm gương - Ảnh: Tư liệu TTO |
Nhằm góp thêm một góc nhìn về chủ đề an toàn giao thông, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết này.
"Đọc bài viết An toàn giao thông, sao chỉ giao khoán cho cảnh sát? của tác giả Hải Vân, tôi rất đồng tình. Xưa nay, khi sự việc nào đó xảy ra thì người ta thường đổ lỗi cho ngành giáo dục, cho xã hội. Trong khi nền tảng giáo dục từ chính các gia đình mới là quan trọng nhất.
Người quan tâm và giáo dục ta nhiều nhất chính là người thân. Cho nên nếu người lớn không làm gương, làm gương xấu thì việc nâng cao ý thức khi giao thông không thể hiệu quả.
Tai nạn giao thông dẫn đến cái chết đau lòng, những gánh nặng thương tật cho gia đình và xã hội có nguyên nhân cũng từ sự thiếu ý thức mà ra. Dễ hiểu cha mẹ thường vượt đèn đỏ, lấn làn, "tăng tốc chiếm ưu" trước mặt con sao dạy được chúng về ý thức chấp hành luật lệ, về văn hóa giao thông?
Những bài học bổ ích trong trường lớp với thầy cô, những lời tuyên truyền hóa ra mất ý nghĩa khi mà các trẻ em, thanh thiếu niên chứng khiến hằng ngày thói quen xấu của chính cha mẹ, người thân, người xung quanh.
Những điều tưởng nhỏ nhưng cứ tích lũy dần, quen mắt dần đến mức không còn nhận ra là đã ngấm từ bao giờ. Chúng thành thói quen thì rất khó sửa đổi.
Lại nữa, khi nhắc nhở nhau đội mũ bảo hiểm khi ra đường, người ta, thậm chí là phụ huynh lớn tuổi, vẫn quen miệng: "Không đội mũ bảo hiểm sẽ bị công an phạt", chứ chẳng ai chân thành khuyên đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cái đầu, cái não - phần quan trọng nhất của cơ thể, bảo vệ tính mạng nếu có sự việc bất trắc xảy ra lúc tham gia giao thông.
Tâm lý đối phó vẫn là điều phản ứng đầu tiên, thể hiện qua câu nói. Dù việc đội mũ bảo hiểm áp dụng bắt buộc tính ra gần chục năm qua và mang nhiều hiệu quả, cứu mạng sống của nhiều nạn nhân.
Đặc biệt với chị em phụ nữ, việc đội mũ bảo hiểm thường bị cho là "gánh nặng" dịp đi tiệc tùng, đám cưới bởi ảnh hưởng đến... tóc, trang điểm. Thế nên có người sẵn sàng vi phạm luật giao thông, đánh đổi sự an toàn với cái đẹp.
Tôi thấy khá phản cảm khi thậm chí trên truyền hình người ta làm ra một đoạn quảng cáo dầu gội mà nhân vật nữ cho rằng: "Đội mũ bảo hiểm gây khó chịu, hầm bí và gàu ngứa". Một lần nữa cái đẹp được đặt trên sự an toàn, tính mạng.
Ý thức giao thông kém còn bởi thói quen lạm dụng rượu bia của người Việt. Không ít người đã sử dụng chất kích thích nhưng vẫn cố lái xe về, men rượu cao càng khiến cố chấp rằng bản thân có thể kiểm soát được tình hình, lái xe tốt. Tai nạn giao thông xảy ra là dễ hiểu, và là nguyên nhân phần nhiều của các ca tai nạn giao thông được thống kê.
Gánh nặng, đau xót lớn nhất cho gia đình và xã hội là cái chết của những người trẻ trong các vụ tai nạn, và là nhiều nhất.
Khi tôi viết những dòng này cũng là cùng thời điểm gần mười năm trước, một người bạn cùng lớp đã thiệt mạng vì một tai nạn giao thông thảm khốc. Anh là con trai duy nhất trong gia đình nghèo và thiệt mạng ngay trên đường đi nộp hồ sơ công chức giáo dục... Buổi lễ tốt nghiệp năm đó cùng với áo thụng, hoa tươi còn là nhiều giọt nước mắt thương cảm, xót xa cho người đã mất.
Ở quê tôi gần đây cũng xảy ra câu chuyện buồn vì tai nạn giao thông. Chỉ vì muốn nhanh về nhà xem trận đá bóng trên truyền hình, tài xế gây ra tai nạn chết người cho một cô giáo trẻ. Trong tích tắc ấy các cuộc đời, cuộc sống của nhiều người thay đổi theo hướng khác. Là bi kịch. Người tù tội. Người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh. Chồng xa vợ. Trẻ thơ chưa tròn 2 tuổi đầu bỗng chốc chịu thiệt thòi lớn suốt cuộc đời nó vì thiếu vắng tình thương của mẹ mãi mãi...
Người vi phạm trả giá cho hành vi của mình. Nhưng nỗi đau tai nạn giao thông là thảm khốc, không có vật chất nào có thể bù đắp. Bởi sinh mạng người vô cùng đáng quý. Bởi chẳng có cơ hội để người làm sai có thể thay đổi, làm sống lại một con người đã chết oan ức vì hành vi sai trái của mình.
Những cái chết của những nạn nhân là bài học nhắc người còn sống về những sự quý báu ấy và về ý thức, trách nhiệm.
Tai nạn giao thông sẽ giảm chừng nào người dân có ý thức cao. Và những lời tuyên truyền, những bài học dạy trẻ trong nhà trường chỉ hiệu quả khi hằng ngày mỗi người trong mỗi gia đình thể hiện sự gương mẫu, có trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận