06/07/2017 11:38 GMT+7

An toàn giao thông, sao chỉ giao khoán cho cảnh sát?

HẢI VÂN
HẢI VÂN

TTO - "An toàn giao thông - Hãy chú trọng sự sống trước tay lái"; "Gần 20.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm - Hãy giao thông an toàn...." những khẩu hiệu trên có làm cho chúng ta cẩn thận hơn?

Nhằm góp thêm một góc nhìn về chủ đề an toàn giao thông, được xem là thủ phạm gây chết người hàng loạt, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn Hải Vân.

"Trong số chúng ta, hầu như ai cũng có lần thấy, nghe qua khẩu hiệu: "An toàn giao thông - trách nhiệm của mọi người” .

Tuy nhiên, để làm được không phải dễ. Nói cách khác, thấy vậy thôi, nhưng thấy rồi cũng bỏ qua.

Tôi nhớ cách đây hơn 1 tuần, trong buổi đại hội chi bộ ấp, sau khi nghe toàn bộ nội dung báo cáo và phương hướng kế hoạch, đến phần góp ý văn kiện tôi đứng lên phát biểu đề nghị trong nghị quyết của nhiệm kỳ mới nên có đưa ra giải pháp làm thế nào sớm khắc phục những yếu tố nguy cơ về tai nạn giao thông, đừng để sự cố xảy ra rồi mới chấn chỉnh hay rút kinh nghiệm.

Và, thật bất ngờ, sau ý kiến của tôi, một vài đảng viên khác phát biểu đại ý rằng: “Những vấn đề về giao thông đã có hội đồng nhân dân, có công an địa phương lo. Cử tri tiếp xúc với đại biểu quốc hội thì cứ đề xuất giải pháp chứ ở đây là chi bộ ấp thì làm được gì!?".

Ý kiến khác thì cho đó là trách nhiệm của hiệu trưởng ở các trường nên nhắc nhở học sinh vào buổi chào cờ đầu tuần…

Từ thực tế tranh luận đó, tôi thiết nghĩ: hóa ra từ bấy lâu nay người ta cứ quan niệm tai nạn giao thông xảy ra ngày càng tăng là do công an giao thông ít tuần tra, giám sát hay do luật xử phạt chưa nghiêm đối với người vi phạm hoặc do đường xá chật hẹp, xuống cấp…!?

Theo tôi, bấy nhiêu đó không đủ! 

Trở lại trường hợp của mình, nhà tôi cũng ở ven quốc lộ. Mỗi ngày chứng kiến cảnh xe cộ lưu thông loạn xạ, nếu chú ý quan sát sẽ nhận thấy hầu hết người lái xe không có chút biểu hiện gì của sự dè dặt hay lo lắng tai nạn sẽ xảy ra.

Người chạy xe lái nhanh, vượt ẩu. Có người mặc nhiên chạy ngược chiều, chạy hàng đôi, hàng ba. Đã vậy, có người còn lái xe trong tình trạng say xỉn, lạng lách bóp còi inh ỏi.

Còn người qua đường không cần dừng lại quan sát.

Tôi thiết nghĩ dù cho luật pháp có gắt gao đến cỡ nào hay CSGT có tuần tra 24/24 thì vẫn không cải thiện được tình thế, nếu ý thức chấp hành luật giao thông của người dân quá kém.

Còn nữa, hiện nay nhiều  bậc cha mẹ chưa thật sự là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Thực tế, như khi đưa rước con đi học (đa phần là công nhân viên chức) vẫn chạy xe ngược chiều. Tôi từng chứng kiến, có bé hỏi mẹ: “Cô giáo dạy con ra đường phải đi bên tay phải sao mẹ lại chạy xe bên tay trái ?” Hay “sao ba chạy xe lại không đội mũ bảo hiểm?...”

Các bậc cha mẹ sẽ trả lời sao với những câu hỏi đó của con mình? Hay để tai nạn xảy ra rồi mới hối tiếc?

Người ta thường nói: “Một hạt cát thì không làm nên sa mạc”. “Một con én thì không làm nên mùa xuân”.

Nhưng, muốn thành sa mạc thì phải có nhiều và rất nhiều hạt cát gộp lại. Và để có được mùa xuân thì tất nhiên phải có nhiều con én họp đàn bay lượn, mang nhiều màu sắc tươi đẹp.

Tôi có cảm nhận trong lĩnh vực giao thông ở nước ta, đa phần người VN chúng ta không phải lái xe nhanh vì quý trọng thời gian là vàng là bạc mà xuất phát từ tâm lý “ta đây” hay hoặc “mình không tránh họ thì họ cũng tránh mình”.

Vì thế họ cứ chạy mà không màng đến hậu quả. Đừng để "nhanh một phút chậm cả đời"!      

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
HẢI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên