Báo cáo đại biểu Quốc hội về dự án bôxit, thị trường vàng...Giảm thuế để vực dậy doanh nghiệp
Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 22-5 - Ảnh: Mai Hương |
Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ còn chưa sâu. Thực tế nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng rồi”.
Cần đột phá về chính sách tài khóa
Ông Lịch phân tích: "Tác động khủng hoảng tài chính khu vực giai đoạn 1997-1999 đến năm 2000 là hồi phục. Nhưng suy giảm kinh tế kéo dài từ 2008 đến nay đã gấp đôi thời gian".
"Trì trệ hiện nay là nguy cơ sâu. Không thể cứ nhìn tăng trưởng quý này hơn quý kia là được. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Trước đây, nền kinh tế dựa vào 4 yếu tố: nền nông nghiệp ổn định có tốc độ tăng trưởng cao, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Nhưng bây giờ, nền kinh tế duy trì tăng trưởng chỉ còn dựa trên duy nhất doanh nghiệp FDI. Sự sút giảm sức cạnh tranh của cả DNNN và DN tư nhân khiến kinh tế Việt Nam đuối sức, khó vượt đỉnh hay duy trì mức đã đạt trước đây", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Lịch, nếu căn cứ nghị quyết Quốc hội là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì 2013 chỉ tiêu ổn định vĩ mô ổn định hơn. Với sức mua hiện nay thì lạm phát khó mà xảy ra trong 2013-2014. Ổn định tỉ giá tốt, dự trữ ngoại tệ chưa bao giờ cao như hiện nay. Nhưng đạt được điều đó mà để nền kinh tế rơi vào trì trệ là phải tính.
Đến thời điểm này phải vực nền kinh tế bằng những giải pháp đặc biệt. Giải pháp bình thường không thể làm gì được.
Cụ thể, ông Trần Du Lịch đề xuất: “Không nên lưu luyến những chỉ tiêu 5 năm, mà phải đặt chỉ tiêu 3 năm. Ngoài chính sách tiền tệ, cần phải áp dụng chính sách tài khóa. Về chính sách tài khóa, việc ta khống chế nợ công là cần thiết nhưng trong 1-2 năm tới phải có quyết định tăng bội chi ở nhiều hình thức khác nhau để nới rộng chính sách tài khóa.
Tôi biết đây sẽ là quyết định rất khó khăn của Quốc hội nhưng cần phải tính. Chẳng hạn với những dự án đã hoàn thành trên 60% thì nên tiếp tục rót vốn để nhanh chóng hoàn thành để còn đưa vào khai thác.
Ngoài ra, cần ưu tiên xử lý cho được khu vực DN nhà nước, phải lành mạnh hóa khu vực này. Tái cấu trúc DN rất khó khăn nếu bản thân Nhà nước không xử lý được DN của mình”.
Phải thành thật để tạo niềm tin cho dân
Đại biểu Võ Thị Dung trăn trở: “Tôi nghĩ Chính phủ cần thẳng thắn và cầu thị hơn nữa trong việc đánh giá niềm tin của nhân dân về điều hành của Chính phủ. Trước kỳ họp, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì thấy người dân rất xôn xao trước tình hình của đất nước. Nhưng khi nghe báo cáo đánh giá của Chính phủ thì lại thấy mọi thứ bình yên quá.
Khó khăn - nhân dân hoàn toàn chia sẻ với Chính phủ. Nhưng còn trách nhiệm điều hành thì Chính phủ phải thấy được những thiếu sót của mình.
Trong báo cáo, các khuyết điểm nói nghe rất đơn giản, nhẹ nhàng. Qua hành xử của một số bộ ngành đã không nghĩ đến trách nhiệm làm dân tình hoang mang. Ví dụ như chuyện tham nhũng, mỗi lần báo cáo ta cứ nói tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy xấu hổ với cử tri khi chỉ có một câu mà phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần như thế".
Cùng suy nghĩ này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng: “Từ đầu năm đã thấy Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, rồi đưa ra nhiều khó khăn và không đạt được. Tới bây giờ vẫn đánh giá là tình hình khó khăn, không đề ra được giải pháp mới, chỉ thấy tiếp tục đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nói thật, vấn đề niềm tin vào những mục tiêu này là phải xem lại".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì bức xúc: “Những con số nêu trong báo cáo của Chính phủ hời hợt, không trung thực, không phản ánh được tình hình”.
Ông lý giải: “Với những con số báo cáo đó, công luận không cảm nhận hết sự nghiêm trọng của tình hình. Thực chất mô hình tăng trưởng của ta là mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, xem GDP là một thành tích để phấn đấu với nhau, khen thưởng với nhau.
Ta đã thống nhất với nhau là phải sửa đổi mô hình tăng trưởng nhưng 2 năm qua không làm được. Cách làm của ta là lập ra các ban bệ rồi soạn thảo đề án. Rất nhiều khẩu hiệu, rất nhiều đề xuất chung chung. Đề án soạn thảo, trình tới trình lui cũng mất cả năm. Tới bây giờ Quốc hội vẫn chưa nhận được đề án.
Cái mà ta xem là thành tích thì nhiều chuyên gia lại xem đó là chuyện trầm trọng, chẳng hạn như xuất siêu. Trong 1-2 năm xuất siêu tăng thì ta lại ca ngợi nhau, trong khi với VN - một quốc gia cần phải nhập siêu đầu vào để sản xuất - thì đó là một căn bệnh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận