22/05/2013 08:11 GMT+7

Giảm thuế để vực dậy doanh nghiệp

M.HƯƠNG - L.KIÊN - V.V.THÀNH
M.HƯƠNG - L.KIÊN - V.V.THÀNH

TT - Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nhiều đại biểu ủng hộ phương án hạ mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và coi đây là giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Chính sách như vậy là rất đột phá” - đại biểu Nguyễn Văn Bình (chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt Nhật, Hải Phòng) bày tỏ.

EjWRpmtr.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc giảm thuế sẽ tạo cú hích cho các dự án đầu tư mới - Ảnh: Việt Dũng

Và ông Bình đề nghị “cần phải áp dụng ngay từ ngày 1-7-2013 để doanh nghiệp phấn khởi” thay vì đợi tới đầu năm 2014 mới thực hiện như Chính phủ đề nghị. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng việc giảm thuế suất sẽ tạo cú hích cho các dự án đầu tư mới, không lo giảm đột ngột nguồn thu ngân sách. Lộ trình đến năm 2016 thuế suất phổ thông còn 20% cũng là mức tương đối cạnh tranh trong khu vực.

Không nên khống chế mức chi cho quảng cáo

Tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu TP.HCM, đã có cuộc tranh luận sôi nổi liên quan đến tỉ lệ khống chế mức chi cho quảng cáo. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị khống chế mức chi cho quảng cáo là 15% như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa: “Chuyện bỏ tỉ lệ khống chế đó người ta kiến nghị hơn 10 năm rồi. Đừng nghĩ khống chế 15% là khống chế được doanh nghiệp lớn và bao che được cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự thật là chẳng khống chế được gì cả. Khống chế chỉ chết những anh vừa và nhỏ. Với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia thì chuyện quảng cáo là chuyện khu vực, chuyện toàn cầu và họ có rất nhiều cách khác nhau để làm. Thật ra, người ta chỉ đẩy quảng cáo lên vài năm đầu để xây dựng thương hiệu, chứ đẩy lên 30-40% hoài lấy gì mà sống?”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa phân tích: “Chi phí này là chi phí của doanh nghiệp, đồng thời cũng là tác nhân đầu vào để thúc đẩy ngành công nghiệp quảng cáo của ta. Báo đài có quảng cáo thì họ cũng phải đóng thuế cho Nhà nước. Tôi cho rằng không nên khống chế”.

Cần minh bạch, không cần ưu đãi

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và giúp người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ ngày 1-7-2013 và giảm 50% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014 cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật, các đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị không đưa các quy định này vào các luật thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. “Quốc hội nên ra nghị quyết, vì đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời” - bà Thủy kiến nghị.

Xem tiếp

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí nằm trong diện được ưu đãi đóng thuế suất mức 10%. Tuy nhiên, quy định này chỉ có ý nghĩa với những cơ quan hoạt động có lãi.

“Tôi đề nghị nên đưa chi phí in báo và vật tư in báo vào danh mục hưởng mức thuế giá trị gia tăng 5% thay vì 10% như hiện nay. Vì nếu không có chế độ hỗ trợ báo chí, đặc biệt báo in, sẽ dẫn đến một số nguy cơ như tờ báo đóng cửa, phải trở về cơ chế bao cấp... Tôi cho rằng nên có sự hỗ trợ để các cơ quan báo chí có thể tự vận hành, phát triển, đồng thời đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình” - bà Trang nói.

Về điều kiện để được giảm thuế giá trị gia tăng phải là nhà ở xã hội dưới 70m2 và có giá từ 15 triệu đồng/m2 trở xuống, nhiều đại biểu cho rằng không phù hợp vì điều kiện ở mỗi địa phương khác nhau.

“Ở Vĩnh Phúc có những dự án nhà ở bây giờ rao bán 6 triệu đồng/m2 cũng không thấy ai mua” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho biết. Đại biểu Phan Đình Trạc (Nghệ An) cho rằng “quy định này chỉ có ý nghĩa với Hà Nội, TP.HCM chứ ở Nghệ An và nhiều tỉnh khác thì dự án nhà ở xã hội cũng ít và giá chưa đến 15 triệu đồng/m2”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Mọi sự ưu đãi đều không có ý nghĩa nhiều nếu như cơ chế hành thu vẫn không có thay đổi. Có nhiều doanh nghiệp nói rằng: Thôi, chúng tôi không đi xin những ưu đãi đó của các ông đâu vì công sức để đi xin còn tốn kém, cực khổ hơn nhiều. Tốt hơn là các ông nên đầu tư cho cải cách hành chính thì chúng tôi còn cảm ơn nhiều lần so với được ưu đãi”. Ông Nghĩa đề xuất: “Điều sống còn là phải tạo môi trường đầu tư minh bạch, nghiêm trị tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt trong ngành thuế”.

Ông Trần Quang Chiểu (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách):

Đã “giải cứu” thì phải kịp thời

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có một số ưu đãi về thuế, là cần thiết. Như cha ông ta ngày xưa đã dạy nên lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc. Nhiều chính sách ưu đãi về thuế theo hướng nêu trên đã được thể hiện trong hai dự án luật sửa đổi, bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mà Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp này. Vấn đề chung đặt ra: đã gọi là hỗ trợ hay như nhiều người thường nói “giải cứu” doanh nghiệp thì phải kịp thời, thấy đúng là phải làm ngay. Như vậy, lộ trình thực hiện và nhất là các bước ban hành văn bản hướng dẫn để chính sách đi vào cuộc sống cần phải trên tinh thần càng sớm càng tốt, theo đó hiệu lực, hiệu quả của chính sách sẽ được phát huy và lan tỏa mạnh hơn.

Theo dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỉ đồng hoặc tối thiểu 300 triệu USD sẽ nhận được nhiều ưu đãi, trong đó có việc áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm. Như vậy những doanh nghiệp được hưởng ưu đãi sẽ chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp lớn, theo quy luật cạnh tranh thì như vậy sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta cần thu hút đầu tư, nhưng không phải chính sách thuế làm được tất cả. Việc thu hút đầu tư nước ngoài còn phải giải quyết tốt các vấn đề khác như thủ tục hành chính, thời gian giải phóng mặt bằng, chi phí “bôi trơn”... Có ý kiến đưa ra ví dụ như Tập đoàn Intel đầu tư vào VN thì đâu chỉ có vấn đề thuế, điều họ cần nhất mà ta chưa đáp ứng được là nguồn nhân lực trình độ cao. Ở đây cần có ưu đãi nhưng nên trong một giai đoạn không quá dài. Ưu đãi quá thì doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng và mất tính công bằng trên “sân chơi” chung.

Cuối cùng, theo số liệu của Ủy ban Kinh tế thì năm 2012 cả nước có tới 69% doanh nghiệp báo lỗ. Đã nói đến thuế thì phải hoạt động có lãi mới nộp được. Câu chuyện hiện nay không thể chỉ dừng lại ở chính sách thuế, cần tổ chức khôi phục sản xuất đồng bộ thì số doanh nghiệp nộp thuế mới nhiều lên được.

V.V.THÀNH ghi

M.HƯƠNG - L.KIÊN - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên