Phóng to |
Họ hạnh phúc vượt qua bóng tối - Ảnh: D.T.H. |
Vợ
Chị cảm thấy đất dưới chân mình đổ sụp. Chị chỉ nghĩ tới cái chết vì có sống cũng chẳng ích gì lại thêm vướng bận người thân. Cha chị đã già, mình không thể nuôi dưỡng ông được, rồi mai này cha về trời mình sẽ sống với ai! Chị nghĩ quẩn muốn cắn lưỡi chết đi cho rảnh. Cha chị khuyên: “Cha mẹ sanh ra con chỉ mong thấy được hình hài khôn lớn. Con chết đi thì cha ở với ai”.
Nuốt nước mắt vô trong, chị lần mò mọi thứ đồ đạc trong nhà, cố gắng làm mọi công chuyện từ quét nhà tới rửa chén, chỉ bằng xúc giác còn lại. Chị quen dần với bóng tối và tự chấp nhận số kiếp đã an bài. Một lần ngồi trên chiếc võng trước hiên nhà, bàn tay rờ rẫm từng sợi vải đan chặt, chị nghĩ sao mình không đan võng bán kiếm tiền. Rồi chị lần mò “coi” cách đan võng làm sao, cột gút như thế nào, tự mày mò tháo võng ra, đan lại năm lần bảy lượt. Chừng một tháng sau thì chị biết cách đan. Chị nhờ cô thợ may hàng xóm xin vải vụn về, ráp nối từng miếng vải bỏ đi thành sợi dây vải chắc chắn. Chị tẩn mẩn đan thành cái võng xinh xinh, đủ màu sắc. Khoảng 4-5 ngày thì xong một cái, bán được 30.000 đồng. Lần đầu tiên cầm được số tiền trong tay do tự mình làm ra, chị mừng phát khóc. “Từ nay mình sẽ là người có ích” - chị tự nghĩ như vậy.
Rồi chị nghĩ ra việc đan cái bội nhốt gà, chằm lá lợp nhà đem bán. Chị xin hàng xóm cho làm cỏ mướn, đánh lá mía... bất cứ chuyện gì người sáng mắt làm chị đều làm được hết. Thấy chị siêng năng, bà con cũng vui vẻ giúp đỡ tận tình.
Năm chị 20 tuổi, người chị ruột kêu chị lại chỉ cách làm men rượu. Men tốt thì bán, men bể (vụn) thì nấu rượu, nuôi heo. Có tính cần mẫn, chị học nghề chỉ trong hai tháng là biết làm. Không ngờ cái nghề này lại đẩy đưa chị tới một bước ngoặt của cuộc đời...
Chồng
Anh tên là Lưu Xì Rết, chàng trai nghèo ở vùng quê xa (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Năm lên 5 tuổi, đôi mắt anh bị mù do di chứng bệnh đậu mùa. Khi 15 tuổi, anh biết đời mình sẽ chẳng có tương lai gì ngoài bóng tối đen đặc. Anh trở nên cau có, lì lợm và bi quan trước cuộc sống. Nhưng rồi cha anh dạy: “Ở đời mình khổ còn có người khổ hơn mình. Con tuy mù đôi mắt nhưng sống sao cho cái tâm trong sáng thì vẫn đáng sống con à”.
Còn mẹ anh thì gần gũi, chăm sóc và chia sẻ mọi nỗi niềm anh ôm ấp. Một lần bà bệnh nặng, anh lo sợ cuống cuồng, sợ mẹ mất mình biết sống với ai. Bà dặn dò: “Cha mẹ không ai sống cả đời với con cái. Nhà còn chút ruộng vườn, con ráng làm lụng mà sống. Có người sáng mắt, tay chân lành lặn mà vẫn ăn xin. Cũng không ít người tuy mù mà thành đạt, có ích cho xã hội”. Anh nghe lời cha mẹ dặn, trong lòng cứ suy nghĩ hoài. Mình đâu phải bỏ đi!
Rồi anh tập làm những việc trong nhà, dừng lại tấm vách, sửa cái chân bàn, trộn cám heo ăn, mang củi ra phơi... Công việc làm anh vui vẻ, phấn chấn hơn. Anh nhổ cỏ, đắp bờ ruộng, ban gò đất, mò cua bắt cá... không thua người sáng mắt. Rồi anh tập đờn ca vọng cổ, tụm năm tụm ba đám thanh niên trai gái trong xóm hết sức vui vẻ. Ông trời quả công bằng, bù lại cho anh ngón đờn ngọt lịm mỗi khi “rao” câu vọng cổ. Rồi anh góp mặt trong mỗi dịp đám giỗ, cưới, hỏi của xóm làng với cây đờn kìm réo rắt, cây ghita phím lõm mùi mẫn. Dần dà anh hòa nhập với “người thường” hồi nào không biết.
Và tổ ấm
Năm 1991, lúc này anh đã 47 tuổi mà vẫn sống mình ên. Một lần tình cờ đứa em gái đi mua bán dưới Ngan Dừa về, kêu anh lại nói nhỏ: “Có một cô cũng không thấy đường như anh mà coi bộ dễ thương lắm. Em dẫn anh đi “coi mắt” nghen”. Anh giãy nảy: “Mù gặp mù sanh con ra... làm sao”. Cô em trợn mắt: “Hổng lẽ mù luôn, anh nói nghe kỳ”. Anh nghĩ lại: “Ờ hén. Sao mình hổng tính chuyện cưới vợ ta!”. Cô em láu lỉnh bày kế dẫn anh đi mua... men về bán. Bữa gặp nhau đầu tiên, anh Rết và chị Nhàn chỉ nói chuyện... mua bán men. Chị đâu biết tình ý của anh, cứ vô tư kêu anh đem men về bán.
Rồi anh nôn nao cậy người mai mối. Chị Nhàn lúc này cũng đã 34 tuổi. Lòng chị không dám mơ ước có ai để ý tới mình. Bữa nghe có người đánh tiếng coi mắt chị tưởng nói chơi, ai dè ở bển qua thiệt. Rồi một đám cưới đơn sơ diễn ra trước sự vui mừng của bà con hai họ.
Rồi hai đứa con gái xinh xắn lần lượt ra đời, cô chị cách cô em hai tuổi. “Lúc mới sanh con gái đầu lòng, nó “rối” không biết đâu mà lần - anh Rết tâm sự - từ chuyện nấu nước, đốt than cho vợ nằm lửa, cho con bú, giặt tã... tui đều mò mẫm làm. Lúc đầu rị mọ hoài không được, con lại khóc la, tui cứ loay hoay như gà mắc tóc. Riết rồi cũng quen”. Anh kể có lần con bé khóc dữ quá, dỗ mấy cũng không nín, tưởng con đau bụng nên cạo gió. Không nín. Cho bú, cho uống nước... đủ cách cũng không. Nửa đêm phải nhờ chị hàng xóm qua coi. Thì ra kiến cắn!
Có thêm đứa thứ hai, anh phải đi mò cua, bắt cá cả ban đêm để cho con ăn. Thiếu sữa mẹ, anh năn nỉ dì Hai xóm trên cho con bú nhờ. Một lần trời chạng vạng tối, đang lui cui dọn cơm thì đứa lớn đâu mất tiêu. Kêu hoài không nghe lên tiếng, quanh nhà có mấy cái mương, họ sợ con rớt xuống dưới bèn la làng. Hàng xóm chạy qua mò hết mương này tới mương kia vẫn không thấy. Cuối cùng thì nghe tiếng khóc của bé ở bên kia mương. Không biết sao mà bé bò lên cây cầu rồi qua được bên kia.
Một lần đi mò cá, anh thò tay vô trong hang đụng con rắn thiệt bự bèn nắm đầu mang về nhà. Con rắn nặng 2,6kg, dài hơn 2 thước. Ở nhà, mọi người tá hỏa vì đó là con rắn hổ mang, cái mặt trăng bự “tổ bố” ngay trên đầu. Chỉ cần cắn một cái là sùi bọt mép tức khắc. Giết rắn xong mọi người mới cho anh biết đó là loài rắn cực độc. Anh giật thót người “số mình lớn thiệt”.
Biết cha mẹ mình tật nguyền, hai con anh chị là Lưu Thị Hữu Nhân, Lưu Thị Ái Nhân đều thương yêu cha mẹ hết lòng. Nhân hiện học trung cấp kế toán (ĐH Cần Thơ), cô em đang học lớp 8 Trường THCS Xà Phiên. Từ năm học lớp 8, Hữu Nhân xin cha mua chiếc xe đạp cũ để đi học. Cha nói để chờ bán lúa. Nhưng con bé nói nó có tiền rồi. Số tiền cha cho ăn sáng mỗi ngày em bỏ ống heo tới giờ. Nhân nói giản đơn: “Người sáng mắt nuôi con đã cực khổ rồi. Cha mẹ mù càng cực khổ hơn. Con chỉ muốn cha mẹ bớt cực thôi”.
Từ trong bóng tối, họ đã bước ra ánh sáng của tổ ấm cuộc đời như vậy đó!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1:Bức tranh hạnh phúcKỳ 2: Hoa trong sỏi đáKỳ 3: Chuyện tình ở đồng chiêm trũngKỳ 4: Đời khoai củKỳ 5: Tình già nơi ốc đảoKỳ 6: Em đợi anh về
Đón đọc kỳ tới: Một thời vác đá xây Trường Sa
Từ bao đời, các thế hệ người Việt đã nối tiếp vun bồi công sức, góp từng viên đá, mồ hôi và cả máu để xây dựng nên một Trường Sa. Tuổi Trẻ đã tiếp cận với những người lính của thế hệ gần nhất cùng những ký ức dữ dội và oai hùng của thời vác đá xây Trường Sa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận