08/07/2011 06:45 GMT+7

Không thể chia tay - Kỳ 2: Hoa trong sỏi đá

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Tháng 5 giao mùa xuân hạ ở Thái Bình, đồng chiêm ngai ngái mùi lúa non. Tìm nhà anh trong con ngõ nhỏ bên bờ sông ven thành phố Thái Bình, mấy bà cụ hóng mát ở đầu ngõ nhiệt tình: “Vợ chồng anh nhà thơ nằm liệt một chỗ mới có em bé à? Nhà số 10 có mấy chậu hoa trước sân đấy”.

alxM9zwd.jpgPhóng to

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và vợ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sỏi đá cuộc đời

Tôi vừa đặt chân vào đến nhà Khơi đã thấy em bé đang bi bô nghịch chơi mấy quả bóng màu trước cửa. Vợ Khơi dở tay nấu nướng, tươi cười đón khách. Anh nằm trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà, vui vẻ: “Bạn miền Nam đã ra đến đây rồi, phải ở lại chơi với vợ chồng mình suốt hôm nay nhé!”.

Không khí tràn ngập nụ cười ấm cúng, khác hẳn những hình dung thường tình về một số phận phải nằm liệt giường gần suốt 50 năm cuộc đời.

Ngược trở lại thời gian 43 năm trước, khi Khơi là một cậu bé 8 tuổi đang mải mê tung tăng trên đồng lúa chiêm trũng ở Hưng Hà, Thái Bình, bất ngờ cảm thấy đau nhói ở ngón chân. Chuyện có vẻ thường tình với cậu bé làng quê suốt ngày chân đất chạy nhảy.

Bố Khơi đi bộ đội vừa hi sinh ở chiến trường miền Trung. Ngôi nhà buồn trống vắng. Mẹ chỉ xoa bóp chút dầu nóng cho chân con và tin rằng chỉ mai mốt sẽ hết. Nhưng thật kỳ lạ, chân Khơi cứ ngày càng đau nặng lên trên và có dấu hiệu teo nhỏ lại.

Người nhà lúc này bắt đầu lo lắng. Mẹ Khơi, rồi ông Khơi cõng cháu đi chạy chữa khắp nơi. Cứ nghe chỗ nào có thầy thuốc hay là họ tìm đến cầu cứu hết Tây y lại đến Đông y. Hàng năm trời ròng rã chạy chữa nhưng bệnh của Khơi không thuyên giảm mà lại càng nặng thêm. Đôi chân Khơi cứ teo đi, rồi cánh tay cũng yếu dần.

Hơn 10 tuổi thì Khơi liệt hẳn. Anh chỉ có thể nằm co quắp một chỗ trên giường, đến đôi chân cũng không thể nào duỗi thẳng ra được. Mẹ con Khơi buồn lắm. Cả dòng họ cũng buồn theo. Ông Khơi là con trai một. Bố anh là con trai duy nhất. Và đến thế hệ Khơi cũng chỉ có mình anh là con trai ...

Không thể còn tự đặt chân xuống giường, thậm chí còn không thể ngóc đầu dậy để nhìn đàn chim chuyền cành ngoài bờ tre trước ngõ, suốt ngày Khơi chỉ biết vùi đầu vào sách để quên đi nỗi niềm tủi thân, cô đơn của mình.

Chưa qua tiểu học phải dở dang vì hoàn cảnh, nhưng Khơi đã lặng lẽ đọc hàng ngàn quyển sách, từ tủ sách gia đình, đến sách do thầy cô, bạn bè thương cảm tặng. Và đến một ngày anh nằm ngửa, một tay co quắp giữ vở, tay kia run run cầm bút để nguệch ngoạc những dòng thơ của riêng mình.

Bên ngoài ô cửa sổ nhà Khơi, cánh đồng chiêm trũng đã bao mùa mạ non, lúa chín. Những người bạn trai cùng lớp anh đã lên đường chinh chiến. Các cô gái cũng lần lượt về nhà chồng. Chỉ có Khơi vẫn nằm đó, im lìm, cô đơn trên chiếc giường cũ kỹ và lặng lẽ làm thơ để quên đi nỗi buồn ở trọ trần gian.

Tuy nhiên, thơ anh không phải lúc nào cũng nhuốm sắc màu ảm đạm mà có cả tình yêu cuộc sống, suy tư thời cuộc và nỗi niềm nhân thế. Người ta nói với tôi rằng/ anh không bước qua được dấu chân của mình đâu/dẫu có đi đến cùng trời cũng thế/Song tôi vẫn kiên trì/bất kể/Tôi chờ đợi vào phép nhiệm mầu của thời gian/Con chim sẻ mổ hạt dẻ ven đường/Con chuồn chuồn chuyển nắng và chờ đợi trái tim tôi/...

Cứ thế, Khơi lặng lẽ làm thơ và gắn liền đời mình trên giường sách. Thơ anh viết chẳng gửi đi đâu, nhưng bạn bè quý anh đã lặng lẽ đưa đến các báo đài, nhà xuất bản. Nhiều tập thơ đã nhanh chóng được in từ Con chim thiêng vẫn bay, Trước ngôi mộ thời gian, Gọi làng đến Tháng mười thương mến, Khúc thương đau, Với tay ngắt bóng...

Anh vẫn nằm đó, vẫn âm thầm viết mà chẳng mong đợi gì. Nhưng bạn bè văn chương hâm mộ cứ dần đến bên anh cùng rất nhiều giải thưởng của báo Văn Nghệ, Hội Văn học nghệ thuật, Đài NHK Nhật Bản...

Nụ hồng vẫn nở

Trong lúc đó, ở mãi nửa bên kia đất nước có một người phụ nữ cũng say mê đọc thơ Khơi và lặng lẽ dõi theo cuộc đời anh. Đó là cô thủ thư Đỗ Kim Oanh ở tỉnh Bạc Liêu. Một lần xếp sách vở, cô tình cờ đọc thơ Đỗ Trọng Khơi và ngẩn ngơ với cảm xúc lãng mạn đến da diết của anh: Ánh trăng non tươi, ánh trăng mỡ màu/ vai mang đầy ánh trăng không thấy nặng/... đã bao mùa thu bên đàng bao cô gái/lấy tà áo hứng trăng rồi đêm đêm trong mộng khóc thầm/ ...”.

Đời Oanh cũng ẩn khuất nỗi buồn sâu kín! Quê hương ở Nam Định, cô say mê đọc sách và có tâm hồn rất lãng mạn. Tình yêu đầu đời đã cho cô gái làng quê này cuộc sống lứa đôi và một bé gái kháu khỉnh. Nhưng rồi sự rạn nứt, đổ vỡ gia đình ập đến. Cô phải dẫn con phiêu dạt tận miền nắng gió phương Nam để chạy trốn chính nỗi buồn của mình.

Mười năm lặng lẽ làm thủ thư ở Bạc Liêu, cô đã âm thầm đọc hàng trăm bài thơ của Đỗ Trọng Khơi. Có lúc cô đã rưng rưng nước mắt trước những lời thơ đượm buồn, da diết về thân phận con người, mà đôi khi cô cảm thấy như có cả hình bóng mình trong đó. Nhưng cũng có lúc cô cảm giác cuộc đời vẫn thật đẹp, vẫn đáng yêu biết bao trong những câu thơ tươi vui, tràn ngập tình yêu cuộc sống của Khơi.

Mê thơ anh, cô dần mê luôn con người tác giả lúc nào không biết. Đặc biệt là khi cô đọc mấy bài trên sách báo viết về số phận không may mắn của Khơi. Càng cảm thông, cô càng đắm theo Khơi. Rồi một ngày cô quyết định viết thư cho anh. Những dòng chữ nghiêng nghiêng kể về cảm xúc của một người phụ nữ mê thơ Đỗ Trọng Khơi, và ẩn sâu trong đó là tình cảm xuất phát từ trái tim mà tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ đã nhanh chóng nhận ra.

Từ niềm vui trao đổi với bạn đọc thích thơ mình, Khơi vừa xúc động vừa lo lắng trước tình cảm chân thành của người phụ nữ chưa hề biết mặt. Tình yêu đẫm tràn trong thơ Khơi, nhưng tình yêu thật sự đối với mình là điều Khơi chỉ dám nghĩ trong giấc mơ! Bệnh tật nghiệt ngã khiến cả đời anh không thể cúi người, chạm được vào ngón chân mình thì làm sao anh dám nghĩ được cầm tay một cô gái nào đó.

Nhưng những lá thư của Oanh vẫn đều đặn đến với Khơi, rồi cả những tin nhắn, những cuộc điện thoại. Trái tim Khơi lặng lẽ cảm nhận được trái tim chân thành của cô. Đó không chỉ là những cảm xúc câu chữ văn thơ, cũng không chỉ là sự cảm thương hoàn cảnh, mà là tình yêu chân thành từ hai tâm hồn sâu lắng.

Và Khơi đã không kìm được xúc động khi một ngày Oanh tâm sự muốn ra quê anh, muốn đến với cuộc đời anh.

Khơi nghĩ mãi, nghĩ mãi mới dám trả lời: “Vậy thì em ra chơi quê anh một lần cho biết nhé!”. Rồi vừa hồi hộp xúc động, anh lại vừa mong muốn Oanh tận mắt đối diện với cuộc đời thật của nhà thơ bất hạnh mà lâu nay cô đã yêu thương. Nếu cô chịu ở lại thì đó là hạnh phúc tuyệt diệu nhất của Khơi.

Nhưng nếu cô đến rồi đi, anh vẫn cầu mong mọi điều tốt đẹp cho cô. Số phận anh mà có được người bạn chân thành như Oanh là đã xúc động lắm rồi...

_____________

Vượt gần 2.000km, Oanh lặn lội đi tìm Khơi. Và chuyện cổ tích của tình yêu đã diễn ra với một đám cưới bình dị nhưng thật xúc động ở cánh đồng chiêm trũng...

Kỳ tới: Chuyện tình ở đồng chiêm trũng

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên